(Dân trí) – Suốt hành trình khám phá châu Phi, chàng trai người Việt hết sửng sốt lại ngỡ ngàng khi có dịp tiếp xúc với người dân nhiều bộ lạc, trong đó có người Hamar với tập tục không tắm gội sau khi kết hôn.
Bắt đầu từ chuyến đi đạp xe xuyên Việt đầu tiên vào năm 2014 đã thổi bùng lên niềm đam mê khám phá với Lê Khả Giáp, chàng trai sinh năm 1994 đến từ Hải Dương.
Để có kinh phí giúp bản thân trải nghiệm nhiều chuyến đi, Giáp không ngại bất cứ nghề gì, từ việc mày mò gây dựng một tiệm bánh nhỏ, cho tới việc quay phim ghi lại những khoảnh khắc của hành trình và trở thành một blogger du lịch.
Anh Giáp chụp ảnh cùng người Karo, bộ lạc chỉ còn khoảng 1.500 người (Ảnh: NVCC).
Đi ngược với số đông, những điểm đến của chàng trai Hải Dương không phải là nơi quá phổ biến với khách du lịch với nhiều tiện nghi sẵn có, Giáp chọn châu Phi để trải nghiệm. Đất và người nơi đây còn nhiều hoang sơ, có nhiều điều mới lạ khiến anh mải mê khám phá, không sợ bản thân chóng chán chỉ sau vài ngày.
Trong hành trình khám phá châu Phi, được tiếp xúc với nhiều bộ lạc ở thung lũng Omo tại Ethiopia, mang lại cho anh nhiều cảm xúc đặc biệt.
Những chàng trai bộ lạc Bodi trong ngày lễ đón năm mới, thi xem ai béo nhất (Ảnh: NVCC).
“Các bộ lạc ở đây vẫn sống theo kiểu nguyên thủy như thời xưa, gần như từ chối xã hội văn minh loài người. Như bộ lạc Mursi, họ có tập tục làm đẹp rất kỳ lạ bằng cách cắt môi và nhét một cái đĩa rất to vào miệng. Người ngoài có thể thấy lạ, nhưng đó lại là nét văn hóa rất riêng”, Giáp nhớ lại.
Và với bộ lạc Hamar, nơi người dân cả đời hầu như không bao giờ tắm, du khách Việt ngạc nhiên hết lần này tới lần khác.
Người Hamar sống tách biệt với thế giới bên ngoài (Ảnh: NVCC).
Những cô gái Hamar để ngực trần khi tiếp xúc với người lạ. Sau khi kết hôn, họ hầu như không tắm, gội, mà “giữ sạch” cơ thể bằng cách bôi đất sét khắp người và trát đầy lên mái tóc. Các cặp đôi sau khi lấy nhau sẽ phải gắn bó trọn đời, không xảy ra trường hợp “chia tay” như ở xã hội hiện đại.
Để sinh tồn, người dân sống nhờ việc săn sóc các vật nuôi, gia súc. Họ săn bắt và hái lượm, trong khi phụ nữ lo kiếm củi, tìm nguồn nước ngọt để nấu ăn và chăm sóc con cái.
Hamar cũng là bộ lạc duy nhất ở thung lũng Omo xây nhà theo kiểu “2 tầng”, với tầng trên dùng để ở. Chất liệu xây dựng chủ yếu là từ đất sét, rơm và phân bò. Và các ngôi nhà ở đây đều dựng theo phong cách giống hệt nhau, từ kích thước đến kiểu cách bởi không ai muốn có sự khác biệt với người xung quanh.
Các cô gái ở bộ lạc không tắm Hamar (Ảnh: NVCC).
Ở bộ lạc “không tắm”, vị khách Việt thấy cuộc sống thiếu thốn bộn bề. Nhưng anh nhận thấy, nếu đặt ở góc nhìn khác, mọi thứ trở nên nhẹ nhàng hơn.
“Họ không biết tới thời gian và chẳng hề quan tâm đến điều đó. Người Hamar chỉ cần sống hôm nay đủ ăn là vui rồi. Họ không nghĩ tới những điều xa vời như cơm áo gạo tiền, bị gánh nặng công danh sự nghiệp đè nặng như hầu hết con người ở thế giới hiện đại. Bởi vậy khi tiếp xúc, du khách sẽ cảm nhận rõ sự hồn nhiên, vui vẻ”, Giáp nhận xét.
Để gửi lời cảm ơn tới người dân trong suốt thời gian sống ở đây, Giáp đã mua tặng một con dê. Anh dự kiến tất cả sẽ nấu ăn chung một bữa. Nhưng cách chế biến “rất khác biệt” khiến anh đành từ bỏ ý định.
Em bé người Hamar lấy thức ăn cho vào lọ chuẩn bị bữa tối (Ảnh: NVCC).
Và dù tới thăm những vùng đất khó khăn nhất thế giới, nhưng chi phí du lịch không hề rẻ. Với hành trình ở thung lũng Omo kéo dài 10 ngày, vị khách Việt tiêu tốn khoảng 150 USD/ngày (3,5 triệu đồng).
“Thậm chí nhiều chỗ ở châu Phi đắt ngang với châu Âu. Đơn giản như tới Burundi, quốc gia nghèo nhất thế giới, một con cá rán hết khoảng 400.000 đồng, trong khi nếu ở Việt Nam cùng lắm chỉ tốn 80.000 đồng. Trong khi đó, người dân chỉ kiếm được khoảng 20 USD/tháng. Số tiền đó họ phải chắt bóp dành dụm để nuôi cả gia đình. Tương tự như thế, chi phí ở Ethiopia hay Kenya đều đắt đỏ”, Giáp tiết lộ.
Giáp mang theo lều ngủ để ở lại qua đêm tại các bộ lạc nơi anh ghé thăm (Ảnh: NVCC).
Bên cạnh đó, vị khách Việt lưu ý, nếu du lịch những thành phố lớn ở châu Phi thì không có vấn đề gì, còn đi sâu ở vùng xa lạ, mọi điều nguy hiểm có thể ập tới bất cứ lúc nào.
“Khi tới thung lũng Omo ở Ethiopia, tôi gặp anh bạn người Pháp mới quen, kể lại chuyện đi sâu hơn trên đường tới bộ lạc Mursi và bị nhóm cướp có vũ trang chặn lại. Họ bị cướp hết mọi thứ, từ hộ chiếu đến điện thoại, tiền bạc”, anh kể.
Cận cảnh bữa ăn của người dân bộ tộc Mursi làm từ sắn và ngô xay nhuyễn (Ảnh: NVCC).
Về vấn đề xin visa, phần lớn Giáp xin online và xin trực tiếp ngay ở cửa khẩu mà không gặp phải khó khăn. Với phòng khách sạn, đi tới đâu anh đặt ở đó. Hầu như các thành phố đều có nhà nghỉ, phòng trọ.
Những cô gái ở bộ lạc Mursi (Ảnh: NVCC).
“Tôi mới bước sang tuổi 29 cách đây không lâu. Khi còn sức khỏe, tôi vẫn muốn tiếp tục trải nghiệm thế giới. Trên đường đi, tôi luôn lưu lại những khoảnh khắc chân thực nhất để chia sẻ với người xem”, chàng trai Hải Dương trải lòng.
Dantri.com.vn