Nhà Toán học người Việt tại Mỹ nói thiếu sót trong dạy Toán ở Việt Nam là chưa liên kết giữa lý thuyết và thực tế, khiến công chúng hoài nghi về lợi ích của học Toán.
GS Nguyễn Trọng Toán, 42 tuổi, quê Đăk Lăk, là cựu sinh viên trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia TP HCM, thạc sĩ tại Đại học Texas, tiến sĩ tại Đại học Indiana, Mỹ. Ông từng giảng dạy tại Đại học Brown và hiện giảng dạy tại Đại học bang Pennsylvania.
Năm 2018, ông được nhận giải thưởng Centennial Fellowship của Hội Toán học Mỹ, sau đó được được Hiệp hội Toán học Công nghiệp và Ứng dụng quốc tế (SIAM) trao giải T. Brooke Benjamin. Đây là giải thưởng được trao hai năm một lần cho người có công trình nghiên cứu về sóng phi tuyến. Năm 2022, ông được bổ nhiệm giáo sư thực thụ (full professor) tại Đại học bang Pennsylvania.
Về Việt Nam tham dự Hội nghị Toán học toàn quốc lần thứ X hồi đầu tháng 8, GS Toán đã chia sẻ quan điểm về cách dạy và học Toán hiện nay.
– Về nước lần này, ông cảm nhận gì về không khí Toán học trong nước?
– Dự hội nghị với sự tham gia của gần 1.000 nhà Toán học, tôi rất vui khi thấy sự phát triển của việc học Toán ở trong nước, sự nỗ lực của các đồng nghiệp trong việc khẳng định vị thế của Toán học Việt Nam trên thế giới. Đặc biệt, sự gắn kết trong cộng đồng Toán học không phân biệt vùng miền, trong và ngoài nước, được thấy rõ ở Đại hội vừa qua.
– Trong giảng dạy Toán ở phổ thông, nhiều người cho rằng học sinh Việt Nam giỏi làm toán khó, học kiểu gà nòi mà không ứng dụng được. Ông nghĩ sao về điều này?
– Xuất thân từ gia đình nông dân làm cà phê, cũng chưa từng học qua trường chuyên hay lớp luyện thi học sinh giỏi nào, nhưng tôi luôn đánh giá cao nỗ lực của các gia đình, nhà trường trong việc giảng dạy.
Mọi người có thể cho rằng học sinh Việt Nam chỉ làm toán kiểu gà nòi, không ứng dụng rõ ràng vì hầu hết trường phổ thông đều tập trung dạy học sinh giải toán khó, làm toán nhanh. Tuy nhiên, chính nhờ cách dạy đó, hàng năm chúng ta luôn có thứ hạng cao trong các kỳ thi Toán khu vực và quốc tế. Ai nói đây không phải thành tựu?
Mỗi khi nghe đến các bạn có những thành tựu nổi bật làm rạng danh Việt Nam, tôi đều rất tự hào. Nhưng tại sao chúng ta lại không thể tiến xa hơn ngoài các kỳ thi đấu?
Theo tôi, định hướng phát triển như thế nào thì sẽ có những mục tiêu tương ứng. Tôi nghĩ cái học sinh thiếu sót chính là tư duy. Các em chỉ tập trung giải toán theo phương pháp đã được dạy, mà chưa từng nghĩ mình mới là người thầy, người cô tốt nhất của bản thân. Hãy tự mình thắp sáng nhiệt huyết, khát vọng học hỏi, còn chúng tôi chỉ là những người cầm đuốc soi đường.
– Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nói dạy Toán phải để học sinh yêu thích và nhận thấy cần phải học môn này. Theo ông ở bậc phổ thông, có điều gì còn cần cải thiện, nên dạy và học Toán thế nào cho hiệu quả?
– Tôi nghĩ thiếu sót trong việc dạy và học Toán ở Việt Nam chính là không liên kết được lý thuyết, bài tập ở trường với thực tế. Điều này dẫn đến hoài nghi về việc học Toán. Các em chưa tìm thấy sự gắn kết với thực tế nên chưa kích thích được tư duy tự khám phá.
Ở Mỹ, học sinh từ tiểu học đã được tiếp cận với các bài toán thực tế, chẳng hạn việc dùng điện nước, bài toán dầu khí, kinh tế, kỹ thuật. Những bài toán này không cố đánh đố học sinh mà giúp các em hiểu cách cuộc sống vận hành, nhờ vậy nhận thức và tư duy phát triển sớm.
Chương trình cũng rất thoải mái tạo điều kiện cho học sinh có đam mê Toán. Các em lớp 6, 7 cũng có thể lên học chương trình Toán nâng cao cùng các anh, chị lớp 9, 10. Học sinh có thể tự nghĩ ra những đề tương tự và tìm ra cách giải khác với giáo viên. Đây là cách giúp các em phát huy tư duy sáng tạo và không chấp nhận của mình.
– Vậy theo ông, học Toán để làm gì?
– Nếu tôi nói học Toán là góp phần vào việc phát triển của nhân loại, mọi người tin không?
Theo tôi, Toán chính là tư duy, là tầm nhìn, nền tảng của tất cả các ngành trong quá khứ, hiện tại, và hiển nhiên tương lai cũng vậy. Bởi vì chỉ có Toán học mới không bị ràng buộc bởi luật lệ và ảnh hưởng bên ngoài, chúng ta tự do khám phá, kết nối các ngành khác với nhau bằng cách đặt câu hỏi để thỏa mãn mọi sự tò mò của con người. Chính sự tự do đấy đã giúp chúng ta khám phá ra những lý thuyết mới đầy bất ngờ trong Vật lý, Hóa học, Sinh học, Kinh tế, Máy tính và những ngành khoa học khác. Đây là lý do tại sao Toán học cần được coi trọng.
Giống khi xây nhà, nhà càng to cao thì hiển nhiên nền móng càng phải vững chắc, kiên cố. Bạn muốn xây nhà cấp 4, biệt thự, một tòa nhà, thành phố, một đất nước hay là cả một thế hệ? Bạn muốn học xong đi làm, kiếm tiền, muốn thấy được thay đổi nhanh cũng giống xây nhà cấp 4 vậy, thời gian ngắn thành quả trước mắt.
Cái chúng tôi muốn làm là thay đổi thời cuộc, thay đổi tương lai, đưa ra tư duy, hướng nghiên cứu mới. Những điều thế hệ thầy cô đi trước chưa làm được, chúng tôi tiếp tục. Cái chúng tôi làm dở dang, học trò và các thế hệ sau sẽ hoàn thành. Mục tiêu lớn cần thời gian lâu. Tuy chúng ta không thể thấy thành tựu trước mắt nhưng tôi tin, nhận thức của nhân loại sẽ dần thay đổi trong tương lai. Muốn tạo ra dấu ấn, chúng ta buộc phải có nền tảng Toán học vững chắc.
Toán học không chỉ là ngôn ngữ mà còn là khoa học. Nhà khoa học thiên tài Albert Einstein từng nói tiến bộ trong Toán là tiền đề cho những thành tựu mới trong khoa học tự nhiên. Trên thực tế, tất cả hiện tượng Vật lý đều được giải thích thông qua những phương trình đạo hàm riêng – một trong những hướng nghiên cứu chính của tôi. Gần hơn với chúng ta là những bài Toán thực tế như phân tích dữ liệu, đòi hỏi sự liên kết giữa giải tích, hình học và xác suất thống kê… Tôi tin, những cuộc cách mạng công nghệ trong tương lai tiếp tục phụ thuộc vào sự phát triển của Toán học.
– Ở Mỹ, người học Toán thường làm những công việc gì, thu nhập của họ so với các ngành nghề khác ra sao?
– Tại Mỹ, cử nhân Toán học có thể tiếp tục đi theo con đường nghiên cứu, trở thành giáo sư đại học hay ra ngoài làm cho các công ty như Wall Street, Facebook, Google, các công ty nghiên cứu về khoa học dữ liệu, dầu khí…
Toán chính là tư duy, là tầm nhìn. Nếu tư duy tốt, tầm nhìn không hạn hẹp, bạn có thể làm bất cứ thứ gì bạn muốn. Trong thế giới của tôi, Toán học là chiếc cầu nối cả thế giới.
Tất nhiên, lương giáo sư không cao, chỉ bằng 1/4 các bạn làm công ty công nghiệp nhưng đổi lại là chúng tôi được chi trả và tiếp đón ở khắp nơi trên thế giới, thời gian làm việc linh động, nhiều kỳ nghỉ phép và được mọi người tôn trọng.
Làm gì và nên làm gì, thực chất tùy thuộc vào việc bạn nắm bắt cơ hội mà cuộc sống đem lại.
Thanh Hằng