Thừa Thiên – Huế1.287 hộ dân sẽ được di dời khỏi 19 di tích, trong đó có 307 hộ dân ở An Lăng – nơi an nghỉ vua Duy Tân, Thành Thái và Dục Đức.
Chiều 21/8, tại kỳ họp lần thứ 13, Hội đồng nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế thông qua đề án điều chỉnh mở rộng phạm vi “Đề án di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực di tích Kinh thành Huế” thuộc quần thể di tích cố đô Huế giai đoạn 2023-2025.
19 khu vực di tích sẽ di dời dân cư, giải phóng mặt bằng gồm Hổ Quyền, Voi Ré, Chùa Thiên Mụ, Văn Miếu – Võ Miếu, Đàn Nam Giao, Lăng Minh Mạng, Lăng Thiệu Trị, Lăng Tự Đức, Lăng Dục Đức, Lăng Đồng Khánh, Lăng Khải Định, Lăng Gia Long, Lăng Trường Cơ, Lăng Cơ Thánh, Điện Hòn Chén, Trấn Hải Thành, Lăng Vạn Vạn, Đàn Âm Hồn, Quốc Tử Giám.
Phạm vi di dời khoảng 83,3 hecta. Khu tái định cư sẽ được xây dựng để thực hiện dự án, rộng hơn 9 hecta. Tổng mức đầu tư giải phóng mặt bằng khoảng 664 tỷ đồng.
Ban Kinh tế, ngân sách tỉnh Thừa Thiên Huế cho rằng việc điều chỉnh, mở rộng phạm vi đề án sẽ đẩy nhanh tiến độ di dời dân ra khỏi khu vực khoanh vùng bảo vệ di tích, góp phần giữ gìn và phát huy giá trị di tích, tạo động lực phát triển kinh tế địa phương.
Sau năm 1975, nhiều di tích triều Nguyễn ở Huế bị người dân lấn chiếm làm nhà ở, có nơi không còn nguyên vẹn. Từ năm 2019 đến nay, tỉnh Thừa Thiên Huế đã di dời dân khỏi di tích khu vực Thượng Thành, Eo Bầu, Hộ Thành Hào – Tuyến Phòng Lộ, Trấn Bình Đài, Hồ Tịnh Tâm, Đàn Xã Tắc, khu vực tiếp giáp Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh, hồ Học Hải, Khâm Thiên Giám, Xiển Võ Từ và Lục Bộ tại Thượng Thư Đường Bộ Công. Số hộ dân bị ảnh hưởng là 5.024 (2.239 hộ chính, 2.785 hộ phụ).
Để di dời dân, địa phương đã xây dựng khu tái định cư ở phía bắc Hương Sơ, phường An Hòa và phường Hương Sơ từ khu vực 1 đến khu vực 10 với tổng diện tích 82,77 ha.
Võ Thạnh