Cong vẹo cột sống thường gặp ở trẻ, có thể phòng ngừa bằng cách chọn bàn ghế, ngồi học phù hợp, thực hiện bài tập tốt cho cơ lưng và bụng.
Vẹo cột sống ở trẻ em là tình trạng xương cột sống bị cong bất thường, như hình chữ C hoặc chữ S, thay vì thẳng dọc theo tự nhiên. ThS.BS Tạ Ngọc Hà, khoa Ngoại cột sống, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết hầu hết trường hợp không được phát hiện cho đến khi trẻ ở tuổi dậy thì. Dấu hiệu đặc trưng gồm vai nghiêng, không đều, một bên nhô cao, hông lệch, vòng eo không đều.
Bệnh nặng có các dấu hiệu như thay đổi dáng đi bộ, giảm phạm vi chuyển động, đau thắt cơ lưng, khó thở, xuất hiện bất thường liên quan đến tim mạch. Nhiều trường hợp trẻ bị vẹo cột sống không có dấu hiệu rõ rệt, chỉ được phát hiện khi sàng lọc, kiểm tra sức khỏe định kỳ.
Theo bác sĩ Hà, cong vẹo cột sống có thể do chấn thương, bẩm sinh, bệnh lý khối u… Sinh hoạt sai tư thế là một trong những nguyên nhân có thể phòng ngừa. Phụ huynh nên rèn cho con thói quen tập thể dục để tăng cường sức mạnh cơ lưng, cơ bụng; thúc đẩy tính linh hoạt và sức mạnh của cấu trúc cơ xương. Từ đó ngăn ngừa sự hình thành và tiến triển của chứng vẹo cột sống. Bơi lội, thể dục dụng cụ là môn thể thao phù hợp.
Chế độ dinh dưỡng lành mạnh, đầy đủ protein, vitamin, canxi và các khoáng chất khác cũng giúp tăng mật độ xương. Trẻ cần duy trì cân nặng hợp lý để tránh gây áp lực cho cột sống.
Trong sinh hoạt hàng ngày, cần thực hành tư thế đúng khi đi, đứng, nằm, ngồi, nhất là tư thế học tập. Phụ huynh nên trang bị bàn ghế ngồi học vững chắc, phù hợp với chiều cao của trẻ, chỗ ngồi học phải đủ ánh sáng.
Trẻ ngồi ngay ngắn, hai chân đặt trên sàn, giữa cẳng chân và đùi tạo thành một góc 75-105 độ, thẳng lưng. Trẻ có thể tựa vào lưng ghế, không vẹo sang trái hoặc sang phải; không cúi đầu quá thấp, đầu và cổ hơi ngả về phía trước, hai tay để ngay ngắn trên mặt bàn. Không để trẻ ngồi học quá lâu, nghỉ ngơi sau 35-45 phút. Tránh mang cặp sách quá nặng, nên dùng loại cặp đeo trên cả hai vai.
Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, cong vẹo cột sống có thể nghiêm trọng hơn trong giai đoạn trẻ phát triển, dẫn đến lệch hông, giảm chiều cao, đau lưng, đau chân, yếu cơ, mất khả năng vận động. Trường hợp vẹo nặng có thể ảnh hưởng đến chức năng tim phổi.
Bác sĩ Hà cho biết các phương pháp điều trị cong vẹo cột sống tùy thuộc mức độ nghiêm trọng của bệnh. Trường hợp nhẹ, cong vẹo không ảnh hưởng đến sinh hoạt thường ngày hay nghiêm trọng đến sức khỏe thể chất thì không cần thủ thuật xâm lấn. Bệnh nhân có thể cải thiện và phục hồi dần bằng cách tập thể dục thể thao, vật lý trị liệu theo hướng dẫn của bác sĩ hoặc đeo nẹp.
Bệnh nghiêm trọng, đường cong cột sống của trẻ lớn hơn 40-45 độ, dùng nẹp không hiệu quả, bác sĩ phẫu thuật để giảm đau và điều chỉnh. Phẫu thuật nắn chỉnh, cố định lại các đốt sống nhằm điều chỉnh, ngăn cong vẹo tiến triển.
Phi Hồng
Độc giả thắc mắc bệnh xương khớp gửi câu hỏi tại đây để bác sĩ giải đáp. |