Học chung lớp, ngồi gần nhau trong suốt 2 năm THPT, Thục Anh và Anh Thơ đặt mục tiêu cùng nhau chinh phục kỳ thi IELTS. Giai đoạn nước rút, cả hai thường dành 2 – 3 tiếng mỗi ngày để luyện các kỹ năng thông qua nền tảng Google Meet.
Cuối tháng 7, Bùi Thị Thục Anh và Lê Thị Anh Thơ, học sinh lớp 11D1, Trường THPT Đô Lương 1 (Đô Lương, Nghệ An) cùng lúc nhận được tin vui khi cả 2 đều đạt điểm IELTS 8.5. Đây là kết quả vượt ngoài mong đợi bởi trước đó, Anh Thơ chỉ đặt mục tiêu đạt 8.0, còn Thục Anh đạt 7.5.
“Ở nơi chúng em sống chưa ai từng đạt được con số ấy. Những thế hệ đi trước, mức điểm cao nhất các anh, chị đạt được khoảng 7.5. Chúng em luôn nghĩ mình rất khó vượt qua được mức điểm ấy”, Thục Anh nói.
Bùi Thị Thục Anh và Lê Thị Anh Thơ, học sinh lớp 11D1, Trường THPT Đô Lương 1 (Đô Lương, Nghệ An) cùng đạt IELTS 8.5.
Bắt đầu có ý định ôn luyện IELTS để chuẩn bị cho kỳ thi đại học từ đầu năm nay, Anh Thơ mong muốn tìm một người bạn đồng hành cùng nhau “vượt lười những lúc nản chí”. Khi biết Thục Anh cũng đang có ý định tương tự, Anh Thơ nhắn tin cho bạn ngỏ lời muốn trở thành “partner” (người đồng hành). Kể từ tháng 2/2023, đôi bạn bắt đầu đồng hành với nhau trong học tập.
“Anh Thơ là một người kỷ luật. Ngay sau khi cả hai quyết định sẽ học cùng nhau, bạn đã ngay lập tức lên lịch trình rõ ràng, cụ thể sẽ học những buổi nào trong tuần, học mấy tiếng, tập trung vào những mảng nội dung gì”, Thục Anh nhớ lại.
Ban đầu, cả hai chủ yếu cùng nhau luyện nói hàng ngày để cải thiện kỹ năng Speaking. Việc luyện tập thường diễn ra trong những khoảng thời gian rảnh như giờ ra chơi hay trong tiết Thể dục, khi học sinh được hoạt động tự do.
“Chúng em cứ thế đi bộ vòng quanh sân trường, vừa đi vừa kể về những chuyện xảy ra xung quanh mình hoặc những câu chuyện về bạn bè. Khi đã quen với việc nói, chúng em bắt đầu thảo luận về những chủ đề xuất hiện trong phần IELTS Speaking”.
Vì nhà cách nhau 11km, Anh Thơ và Thục Anh thường lên kế hoạch cùng nhau luyện nói 2 – 3 buổi tối mỗi tuần thông qua Google Meet. Thời điểm trước khi thi cũng vào dịp nghỉ hè, cả hai sẽ luyện các kỹ năng cùng nhau khoảng 2 – 3 tiếng/ngày.
Với Thục Anh, phần khó nhất trong bài thi IELTS là Writing. “Em hay gặp khó khăn trong việc tìm kiếm ý tưởng cho bài viết. Do phần thi này thường đề cập đến các chủ đề như môi trường, giáo dục… vốn đòi hỏi lượng kiến thức xã hội khá rộng, em buộc phải luyện thói quen đọc báo và tìm hiểu kiến thức nhiều hơn”.
Khó khăn của Thục Anh lại là thế mạnh của Anh Thơ. Vốn có lượng từ vựng và nền tảng kiến thức xã hội phong phú, Anh Thơ thường hỗ trợ bạn khi luyện nói hoặc luyện viết như gợi ý ý tưởng hay, sửa lỗi sai khi dùng từ vựng…
Ngược lại, Thục Anh lại có thế mạnh về phát âm, vì thế thường giúp Anh Thơ sửa lỗi phát âm khi luyện nói.
“Chúng em đã học được từ nhau rất nhiều thứ mặc dù ở thời điểm bắt đầu, khả năng của em chỉ đạt khoảng 6.0, còn Anh Thơ đạt mức 7.0. Em nghĩ rằng việc có một người bạn đồng hành khi học IELTS là điều rất cần thiết.
Ví dụ khi em cảm thấy chán nản, bạn luôn động viên, đốc thúc và tiếp thêm động lực cho em. Ngoài ra, việc có người đáp lại, phát hiện lỗi sai cho mình trong quá trình ôn luyện cũng khiến việc học trở nên thú vị hơn”, Thục Anh nói.
“Yếu tố quan trọng nhất trong học ngôn ngữ là từ vựng”
Trong quá trình học, với hai kỹ năng Listening và Reading, Thục Anh thường luyện đề trong bộ sách Cambridge (từ cuốn số 10 đến cuốn số 18). Mỗi khi làm xong, Thục Anh đều cùng bạn chấm – chữa kỹ càng, ghi lại những lỗi sai để đọc lại lúc rảnh rỗi. Ngoài việc luyện đề, Thục Anh cũng nghe TED Talks, xem những series trinh thám bằng tiếng Anh, đọc báo nước ngoài… để khiến việc học trở nên thú vị hơn.
Với kỹ năng Writing, theo Thục Anh, tiêu chí “task achievement” (hoàn thành nhiệm vụ) là yếu tố quan trọng nhất, do đó nữ sinh luôn cố gắng đáp ứng những yêu cầu đề ra như: viết đủ 250 chữ, chia khổ có ý nghĩa, sử dụng ngôn ngữ thận trọng, tránh khái quát quá mức, phân tích chủ đề có chiều sâu và đi cặn kẽ từng ý tưởng.
Ngoài ra, khi viết bài, Thục Anh luôn cố gắng sử dụng chính xác các từ nối để kết nối ý tưởng lại với nhau, từ đó tăng điểm về độ mạch lạc.
Về kỹ năng Speaking, việc có một người đồng hành, theo Thục Anh, rất quan trọng để cả hai có thể học từ nhau và được tiếp thêm động lực. Đối với kỹ năng này, độ trôi chảy và cách phát âm cũng là hai yếu tố quan trọng nhất.
“Nhiều bạn thường có tâm lý “sợ” giám khảo, từ đó dẫn đến mất bình tĩnh, ngữ điệu cũng bị “chùng xuống”. Do đó thí sinh nên giữ tâm lý thoải mái khi đi thi, xem giám khảo như là một người bạn, sẵn sàng chia sẻ cảm xúc, quan điểm… Như vậy, mình sẽ kiểm soát được tốc độ nói, bài nói cũng sẽ tự nhiên, rõ ràng, lưu loát hơn”, Thục Anh nói.
Còn với Anh Thơ, điều quan trọng nhất khi học ngôn ngữ chính là từ vựng. Chỉ khi đã xây dựng đủ kho tàng từ vựng, việc đọc, nghe, nói, viết mới trở nên dễ dàng hơn.
“Tuy nhiên, nhiều bạn thường mắc lỗi học từ vựng một cách thụ động, luôn cố gắng học thuộc. Thay vào đó, em thường cố gắng đặt ví dụ và viết đoạn văn ngắn có chứa những từ vựng mới để ghi nhớ lâu hơn.
Ngoài ra, việc nghe đài, podcast hoặc đọc báo giúp em hiểu được cách tư duy, sử dụng ngôn ngữ của người bản địa và bồi đắp thêm kiến thức xã hội, chuyên ngành. Hai đầu báo tiếng Anh em rất yêu thích là National Geographic và The Guardian, kênh youtube “tủ” của em là VOX, Wall Street Journal và David Rubenstein”, Thơ chia sẻ.
Cùng đạt mức điểm 8.5, Anh Thơ và Thục Anh được các bạn trong lớp gọi vui là “đôi bạn thân cùng tiến trong truyền thuyết”. Cả hai cho biết hành trình chinh phục IELTS đã để lại cho đôi bạn rất nhiều kỷ niệm. Sắp tới, cả hai vẫn sẽ tiếp tục đồng hành cùng nhau trong kỳ thi chọn học sinh giỏi môn tiếng Anh của tỉnh Nghệ An.
Vietnamnet.vn