Lãi suất liên tục giảm, “thủng” mốc 6%
Cuối tuần trước, Văn phòng Chính phủ đã ban hành Thông báo kết luận của Thường trực Chính phủ tại cuộc họp về nhiệm vụ, giải pháp lớn ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế trong những tháng cuối năm nay.
Thường trực Chính phủ lưu ý Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu, chỉ đạo các ngân hàng thương mại tiết giảm chi phí, đẩy mạnh chuyển đổi số, phấn đấu tiếp tục hạ lãi suất cho vay, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trên tinh thần cộng đồng trách nhiệm, cùng chung tay tháo gỡ khó khăn.
Cũng trong thời gian đó, Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản gửi các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài yêu cầu tiếp tục thực hiện các giải pháp để giảm mặt bằng lãi suất.
Cụ thể, các ngân hàng cần giảm lãi suất cho vay đối với đối với các khoản vay đang còn dư nợ hiện hữu và các khoản cho vay mới, phấn đấu mức giảm lãi suất tối thiểu 1,5-2 điểm % nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh.
Kết quả là, lãi suất huy động ở hệ thống ngân hàng thương mại điều chỉnh giảm theo ngày. Thành quả đạt được là tới cuối tuần trước, mốc 6%/năm chính thức bị xuyên thủng. Đáng chú ý, đơn vị áp dụng mức lãi suất này không nằm trong nhóm Big 4.
Cụ thể, Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) vừa công bố biểu lãi suất mới. Theo đó, kể từ ngày 19/8/2023, mức cao nhất tại nhà băng này chỉ còn 5,9%/năm áp dụng cho các kỳ hạn từ 15 tháng tới 60 tháng. Ở kỳ hạn 12 tháng và 6 tháng, lãi suất đều là 5,7%/năm.
3 nhà băng bao gồm Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB), Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeaBank) và Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) cùng niêm yết lãi suất 6,2%/năm cho kỳ hạn 12 tháng.
Nhóm Big 4 (bao gồm Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam – Vietcombank, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam – BIDV, Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam – VietinBank và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam – Agribank) vẫn niêm yết lãi suất huy động ở mức “đáy” cũ 6,3%/năm.
Ngoài ra, có rất nhiều nhà băng khác áp dụng mức 6,3%/năm cho kỳ hạn 12 tháng như Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), Ngân hàng TCMP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank) và Shinhan Bank.
Một số ngân hàng nước ngoài có lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng rất thấp, chỉ 3,75%/năm (HSBC) và 2,9%/năm (Standard Chartered).
Mức cao nhất vẫn là 11%/năm
Mặc dù gần như cả hệ thống ngân hàng điều chỉnh lãi suất rất sâu xuống các mức thấp kỷ lục nhưng một vài đơn vị vẫn duy trì mức cao cũ. Mức “trần” của thị trường vẫn là 11%/năm.
Cụ thể, hiện tại, ở kỳ hạn 12 tháng và 13 tháng, gửi tại quầy, lãi suất tại Ngân hàng TMCP Đại chúng Việt Nam (PVComBank) vẫn duy trì ở mức 11%/năm. Tuy nhiên, chỉ những khoản tiền gửi mới mở và có số dư từ 2.000 tỷ đồng trở lên mới được hưởng ưu đãi này.
Ở các kỳ hạn còn lại, với khách hàng thông thường, mức cao vẫn chỉ là 6,7%/năm, áp dụng cho các kỳ hạn dài từ 15 tháng trở lên.
Tại Ngân hàng TMCP Phát triển TP HCM (HDBank), mức lãi suất cao nhất vẫn được duy trì ở con số 9,1%/năm (kỳ hạn 13 tháng). Tuy nhiên, ưu đãi này không dành cho khách hàng phổ thông. Chỉ những ai có số dư tiền gửi lên đến 300 tỷ đồng mới được nhận 9,1%/năm.
Ngoài ra, với 300 tỷ đồng và gửi kỳ hạn 12 tháng, khách hàng sẽ được nhận lãi suất huy động 8,6%/năm.
Với những khách hàng phổ thông muốn nhận lãi suất huy động trên 8%/năm thì thị trường đưa ra lựa chọn duy nhất. Đó là Ngân hàng TMCP Đông Á (DongA Bank). Tại DongA Bank, mức cao nhất là 8,3%/năm (kỳ hạn 13 tháng).
Ngoài ra, có một số nhà băng có lãi suất huy động sát dưới mốc 8%/năm cho kỳ hạn 12 tháng như: DongA Bank (7,9%/năm), Ngân hàng TMCP Bảo Việt – BaovietBank (7,2%/năm), Ngân hàng TMCP Quốc Dân – NCB (7%/năm),…