Những năm gần đây, bảo tồn và phát huy di sản văn hóa (DSVH) dựa vào cộng đồng đang là một xu thế phát triển trên thế giới và là một trong những giải pháp được UNESCO đề cao nhằm khai thác di sản một cách có hiệu quả. Để bảo tồn và phát huy giá trị DSVH một cách bền vững, cần có sự gắn kết, đồng thuận tương đối của cộng đồng nơi nó tồn tại. Sự chủ động, sáng tạo của cộng đồng sẽ tạo nên những đặc trưng riêng, độc đáo của mỗi loại hình DSVH, mỗi cộng đồng, mỗi dân tộc.
Tỉnh Gia Lai đã ban hành Đề án bảo tồn và phát huy giá trị di sản Không gian văn hoá cồng chiêng Tây Nguyên trên địa bàn tỉnh Gia Lai giai đoạn 2023 – 2025 (Ảnh: Internet)
Chương trình “Cồng chiêng cuối tuần – thưởng thức và trải nghiệm” do Sở Văn hóa, Thể thảo và Du lịch Gia Lai tổ chức trong thời gian qua là một hoạt động mang lại những giá trị tích cực, được đông đảo công chúng đón nhận. Đó là những hoạt động thể hiện vai trò quan trọng của cộng đồng trong việc tạo ra, bảo vệ, duy trì và tái sinh DSVH nhằm góp phần làm phong phú và thể hiện sự sáng tạo của cộng đồng. Đặc biệt hơn, chương trình “Cồng chiêng cuối tuần – thưởng thức và trải nghiệm” còn lan tỏa thông điệp “Bảo tồn và phát huy giá trị DSVH dựa vào cộng đồng” rộng khắp đến với công chúng.
Tỉnh Gia Lai đã ban hành Đề án bảo tồn và phát huy giá trị di sản Không gian văn hoá cồng chiêng Tây Nguyên trên địa bàn tỉnh Gia Lai giai đoạn 2023 – 2025; hướng tới bảo tồn và phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của di sản Không gian văn hoá cồng chiêng Tây Nguyên trên địa bàn, phù hợp với sự phát triển kinh tế – xã hội, xu thế hội nhập quốc tế và gắn với phát triển du lịch địa phương.
Chương trình “Cồng chiêng cuối tuần – thưởng thức và trải nghiệm” là hoạt động luân phiên giữa các đoàn nghệ nhân của 02 dân tộc tại chỗ (Bahnar và Jrai) diễn ra vào mỗi tối thứ 7 hàng tuần. Chương trình là tổng hợp của nhiều hoạt động: trình diễn cồng chiêng kết hợp múa suang; hát dân ca; trình diễn nhạc cụ truyền thống; khách tham quan có thể chụp ảnh cùng các nghệ nhân, tham gia trải nghiệm múa suang, đánh cống chiêng…
Điểm đặc biệt là các nghệ nhân tham gia chương trình đều mặc trang phục truyền thống, mọi hoạt động được diễn ra trong một không gian tự nhiên thóang đãng, không sân khấu hóa, không có sự can thiệp của bàn tay đạo diễn. Cộng đồng tham gia với tâm thế tự nguyện, đồng thuận, tự do, bình đẳng và cùng có lợi, có nghĩa là không gò ép, bắt buộc mà có sự đồng thuận cao và mọi người được hưởng thụ, hưởng lợi từ di sản mình nắm giữ một cách công bằng, không vụ lợi.
Ngoài việc kêu gọi các mạnh thường quân tài trợ, đóng góp, những người tổ chức chương trình đã đặt thêm chiếc gùi tại đêm diễn kêu gọi sự ủng hộ (tùy hỷ) từ khán giả. Số tiền ủng hộ được kiểm đếm công khai tại thời điểm kết thúc buổi diễn, bàn giao lại cho đoàn nghệ nhân thực hành đêm diễn và công bố trên phương tiện truyền thông. Việc làm này thể hiện sự chung tay, góp sức của cộng đồng, là nguồn lực nhỏ để thôi thúc, động viên nghệ nhân duy trì cũng như trao truyền di sản cho các thế hệ kế tiếp.
Bên cạnh tạo điểm nhấn “vui chơi” cuối tuần thu hút khách du lịch về đêm, là cách để bảo tồn và phát huy giá trị DSVH cồng chiêng, “Cồng chiêng cuối tuần – thưởng thức và trải nghiệm” còn là dịp để những nghệ sĩ buôn làng có không gian thực hành di sản, thỏa sức sáng tạo di sản mình đang nắm giữ. Song để đạt được những kết quả đó, những người trực tiếp tham gia cũng gặp không ít thách thức, khó khăn về kinh phí, nhân lực và những trăn trở duy trì thời gian hoạt động.
Được biết mọi kinh phí trong chương trình đều vận động từ nguồn xã hội hóa, từ việc bồi dưỡng nghệ nhân tập luyện, biểu diễn, đi lại đến việc in ấn thiết kế pa-nô, áp phíc tuyên truyền quảng bá. Tuy nhiên, xã hội hóa (vận động quyên góp, tài trợ) thì không phải lúc nào cũng thuận lợi, do đó có những lúc chương trình không diễn ra như mong muốn. Nên chăng, trong tương lai cần có những chương trình dài hạn, để chương trình “Cồng chiêng cuối tuần – thưởng thức và trải nghiệm” như mạch nguồn chảy mãi động viên và nuôi dưỡng tâm hồn của cộng đồng nắm giữ di sản.
Dân Hùng