SGGP
Bộ Tài chính Ấn Độ vừa thông báo sẽ áp thuế xuất khẩu 40% với mặt hàng hành để kiểm soát giá và đảm bảo nguồn cung mặt hàng này ở thị trường trong nước. Quyết định có hiệu lực cho đến hết ngày 31-12.
Ấn Độ áp thuế 40% đối với hành tây xuất khẩu nhằm kiểm soát giá hành trong nước. Ảnh: HINDUSTAN TIMES |
Bộ Tài chính Ấn Độ cho biết, mức thuế áp với hành xuất khẩu sẽ khiến giá hành nước này cao hơn so với Pakistan, Trung Quốc và Ai Cập, qua đó hạn chế lượng xuất khẩu và làm giảm giá trong nước. Kể từ tháng 7 đến nay, giá hành bán buôn tại các thị trường chính ở Ấn Độ đã tăng gần 20%, lên mức gần 29 USD/tạ, trong bối cảnh xuất hiện quan ngại lượng mưa thất thường có thể khiến hành kém chất lượng và sản lượng hành giảm sút. Ấn Độ là quốc gia xuất khẩu hành lớn nhất thế giới. Các chuyên gia cho rằng, giá hành tiếp tục tăng trong tháng này và có khả năng tăng cao hơn trong tháng 9.
Theo Economic Times, mức lạm phát bán lẻ trong tháng 7-2023 tại Ấn Độ cũng tăng lên mức cao nhất trong 15 tháng qua, từ mức 4,87% của tháng 6 lên 7,44% trong tháng 7, do giá nông sản và ngũ cốc tăng vọt.
Trong một diễn biến khá lạc quan với người tiêu dùng, giá cà chua tại Ấn Độ đang giảm đáng kể. Giá bán buôn mặt hàng chủ lực nhà bếp này đã giảm hơn 30% tại chợ cà chua nổi tiếng ở bang Maharashtra. Trước đó, trong tuần qua, giá cà chua tại chợ Pinpalgaon Baswant thuộc TP Nashik, bang Maharashtra đã tăng gấp 6 lần. Hiện giá cà chua ở chợ có mức giá trung bình là 37 Rs/kg, trong khi một tuần trước đó có khi đã lên đến mức cao nhất là 67Rs/kg.
Khi đó, nhiều chuỗi nhà hàng thức ăn nhanh lớn nhất ở Ấn Độ như Burger King, McDonald’s và Subway đồng loạt loại cà chua ra khỏi thực đơn trong bối cảnh giá thực phẩm tại quốc gia Nam Á này tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 1-2020. Để giải quyết cuộc khủng hoảng nguồn cung, Ấn Độ đã bắt đầu nhập khẩu cà chua từ Nepal và triển khai các xe tải để phân phối mặt hàng thiết yếu này với mức giá rẻ hơn trên toàn quốc.