Mùa này, bông thầu đâu đã trổ chưa hả Xoan?
Người đàn bà đẹp khẽ hạ giọng khi hỏi cô câu ấy. Xoan không biết rốt cuộc thì mợ có ý gì. Nếu mượn một mùa hoa để bóng gió xa xôi về người cũ của mợ còn lay lắt ở nơi có cây thầu đâu trổ bông tím rực một khúc sông thì không chắc. Xoan nhìn đứa con trai nép trong lòng mợ đang giương cặp mắt đen láy nhìn mình. Cậu nhóc đẹp quá. Cặp mắt ấy sáng trong đầy kiêu hãnh. Còn mợ, mắt mợ vẫn thẳm sâu.
– Đang là tháng Hai đó mợ – mùa thầu đâu quê mình trổ bông. Tím ngát…
– Ừa, dưng mà mợ nhớ…
– Mà mợ ơi, hay là… con gọi mợ bằng tên?
– Không sao, Xoan đừng ngại. Ở đây ai cũng bận bịu, hơi đâu soi mói chuyện người.
*
* *
Vợ chồng mợ mời Xoan ở lại nhân một bữa cơm tối có nhiều món ngon vì cô là “khách quý của vợ” – lời chồng mợ xởi lởi. Xoan thỉnh thoảng để ý khuôn miệng rộng với những tràng cười hào sảng của người đàn ông tướng mạo thấp đậm.
Một kiểu người ruột để ngoài da mà theo mợ nói là “củi tre dễ nấu, chồng xấu dễ xài”. Hồi buông cậu của Xoan ra, mợ có thủ thỉ với cô sau này đừng như mình. Đàn ông, dẫu có đẹp ngời ngời hay xấu xí thô mộc thì tối lửa tắt đèn vẫn có nhau mới đúng là người của mình.
Mợ nói vậy rồi kèm tiếng thở dài thõng thượt. Tiếng thở dài theo gió trôi ra sông, bay phớt qua ngọn cây thầu đâu. Những chùm bông thầu đâu trắng tím tưởng đã buồn lung lắm rồi, nay cõng thêm tiếng thở dài của mợ, nỗi buồn càng thậm thượt dài cả một triền sông.
Đã lâu rồi, Xoan chưa được ăn cùng mợ món gì ngon thiệt ngon. Hồi mới rước mợ về, cậu của Xoan cứ như ông hoàng, mỗi bữa ăn đều đổi món. Xoan là đứa cháu gái duy nhất được mợ ưu ái mời ngồi chung mâm, hoặc chừa phần những món ngon lạ miệng được mợ chăm chút từ nguyên liệu tươi ngon của những buổi chợ sớm mai. Mợ nói vì Xoan gần gũi mợ. Hai mợ cháu mà chỉ xê xích vài tuổi thôi.
Mợ trẻ, đẹp, nấu ăn ngon, ca tân nhạc hay cải lương đều mùi mẫn ngọt bùi mà dưng lại lấy chồng sớm, lại ưng ngay ông cậu của Xoan. Bên ngoại, duy nhất Xoan là hiện thân của một nguồn sống trẻ trung phơi phới. Vì cậu của Xoan là con út trong nhà cũng đã bước qua tứ tuần.
Về tuổi, mợ thua cậu hơn một giáp. Xoan còn nhớ cái đám cưới linh đình của cậu mợ. Một đám cưới mà từ làng trên xóm dưới đều nô nức kéo ra coi rước dâu. Một phần vì cô dâu đẹp có tiếng xứ này.
Phần nữa, đây là đám cưới xịn nhất từ trước tới nay. Bao nhiêu tiền của làm được cậu đều dành dụm đổ hết vô cái đám cưới này. Đời người, cưới vợ có một lần, sao phải tiếc! Xoan nhìn mợ, ao ước đến lượt mình sau này cũng mong tốt phước giống mợ vậy.
Chiếc ghe hoa rước mợ về cặp bến sông, neo đậu lại gốc thầu đâu đang xòe những chùm bông chào đón nàng dâu mới. Rồi cũng gốc thầu đâu với tán lá lúc nào cũng chồm ra giữa dòng, ngược nắng ngược gió – thả một trận mưa bông rụng tím sông. Bữa đó, mợ đi là đi biệt, hút mấy mùa bông tím mà Xoan không thấy mợ về.
Mợ ở xóm trên chứ đâu xa. Xuôi một con sông mợ về làm dâu xóm dưới. Để sáng mơi ra bến giặt đồ, tựa gốc thầu đâu tần ngần nhớ má. Xoan đi học ngang qua bến sông, bữa nào cũng tấp vô an ủi mợ. Riết rồi thân nhau. Có bữa cậu xa nhà, cậu nhờ Xoan qua ngủ với mợ cho mợ đỡ quạnh hiu.
Có Xoan, mợ vui được mấy phần. Cưới đã ba năm mà trong nhà cậu mợ vẫn im thinh. Ngoài tiếng cười trong veo của Xoan góp thêm âm sắc thì căn nhà của cậu mợ chừng vẫn thênh thang với khói nhang rợn ngợp mỗi khi cậu tiếp khách khắp nơi đổ về. Khuôn mặt mợ vẫn đẹp nhưng dặm thêm nhiều nỗi buồn. Cậu xa nhà nhiều hơn. Khách tỉnh. Khách thủ đô. Khách nước ngoài về rước…
Tiếng tăm ông thầy Út đồng cốt gọi hồn lan rộng. Có bận cậu đi nửa tháng. Về nhà buổi sáng, mợ chưa kịp mừng thì cậu lại nhờ mợ soạn mớ đồ khác, quần áo, mấy gói bùa chú xanh đỏ với hình nhân nguệch ngoạc. Lần nào soạn đồ tay mợ cũng run. Cậu biết mợ không dám ngước nhìn những thứ cậu thờ cúng trong nhà. Cậu gọi đó là bàn thờ tổ. Mợ coi như mình không thấy, không nghe, không biết.
Trước, mỗi lần cậu xa nhà, mợ nhón chân quờ quạng cắm cây nhang, rồi nhắm mắt ùa ra khỏi phòng, ra sau hè, ngồi thụp bên lu nước, thở dốc. Sau này, mợ đã quen với cái bóng mình cùng những thứ chừng như không bao giờ nhấc ra khỏi căn nhà. Mợ để mặc mình tan ra trong khói nhang lẩn quẩn khắp phòng thờ.
Tàn một tuần nhang, mợ chếnh choáng bước ra sân, lấy gàu ra bến sông múc nước. Mợ múc nước đổ tràn trề mấy lu khạp bên hè. Bữa Xoan về ngang, hốt hoảng khi thấy người đàn bà đẹp đứng dội nước ào ào lên đầu. Xoan lật đật xô mợ vô nhà, lấy khăn trùm kín. Mợ không khóc. Nhưng mợ làm Xoan sợ đến tái người. Mắt mợ đỏ. Môi mợ đen. Da mợ lạnh ngắt.
*
* *
– Thằng nhỏ con vớt năm nọ, nay chắc lớn bộn rồi ha Xoan?
Xoan khựng đũa khi nghe mợ nhắc. Thằng nhỏ năm đó, cô vớt nó lên từ khúc sông mà mợ thường ra giặt áo, lúc xốc ngược nó lên để tháo nước, môi nó cũng đen, da nó cũng lạnh ngắt y như mợ hôm nào. Xoan bơi giỏi nên nhảy ùm xuống khi thấy cánh tay nó chới với giữa dòng. Mợ hì hụi phụ lôi nó lên. Hai mợ cháu tháo nước cho thằng nhỏ hồi tỉnh. Đến khi nước ộc hết ra khỏi cái miệng, nó lờ đờ mở mắt, như chưa tin mình thoát khỏi cú chụp chân hơi quá đà của con sông. Mợ dỗ dành thằng nhỏ:
– Sông thiêng nước xiết, con phải cẩn thận, nghe hôn!
Mợ đưa nó về tận nhà mà quyến luyến không rời. Xoan thấy mắt mợ rực lên một niềm khao khát rất bản năng. Nếu mà mợ có con, đứa trẻ đó nhất định là một đứa có phước lớn.
– Phải chi…
Mợ bỏ lửng câu nói, lặng lẽ kéo Xoan quay về, để mặc thầy giáo Phan – cha thằng bé vẫn còn chưa kịp hoàn hồn suýt mất con.
Hồi Xoan ra trường, cậu đi nhiều hơn, nghe nói đi Thái. Mỗi lần cậu về, cậu ở rịt trong phòng thờ. Tiền vàng cậu mang về đủ chuộc hết mấy công đất mà ông bà ngoại phải cầm cố trong đợt dịch điêu đứng. Cậu nói cậu đi mấy chuyến nữa, hết lộc làm ăn thì cậu về cắm sào miếng đất này, dỡ căn nhà này. Một căn nhà lộng lẫy hơn sẽ thế chỗ. Xoan chỉ kịp nhớ cậu nói vậy, nửa đêm thì cậu đã xách hành lý chờ bay. Xoan cũng chưa kịp nói cậu dành thời gian để mắt tới mợ. Dạo này nhìn mợ cứ gầy rộc ra.
Phan nhớ ơn cứu mạng con mình nên thỉnh thoảng ghé nhà biếu Xoan khi chục trứng gà so, lúc thì bọc chè bánh lọt. Phan nói, chắc thằng nhỏ nhớ má nó. Sinh thời, má nó cũng hay ra bến sông giặt đồ giống mợ của Xoan vậy. Bữa đó, chắc nó tưởng mợ của Xoan là má nó, líu quíu sao đó mới trượt chân. Tội nghiệp, con nít mấy tuổi đầu, tối ngủ còn quờ quạng tìm hơi ấm, sao chịu nổi cảnh mồ côi.
Xoan nghe vậy không chịu nổi, thủ thỉ với mợ. Đằng nào thì mợ cũng một mình, ban ngày đón thằng nhỏ qua chơi cho vui.
Nhưng cậu thì tuyệt nhiên không vui khi tự nhiên có một đứa con nít nhảy nhót lung tung trong nhà. Cậu bực hơn khi biết nó là con của Phan.
– Một là thằng nhỏ, hai là tôi. Em chọn đi!
Mợ quýnh quáng cầu xin. Nó chỉ là một đứa nhỏ mồ côi, mình thương còn không hết. Cậu hậm hực. Chuyến này về, nếu còn thấy thằng nhỏ léng phéng qua lại, cô đừng trách tôi này nọ!
*
* *
– Mợ biết không, điều ân hận nhất của Phan là đã không kịp giữ mợ lại.
– Mợ biết. Vậy nên mợ mới phải đi, Xoan à!
Mợ cầm tay Xoan, xoa xoa. Xoan là người mợ yêu quý như một đứa em gái, không phải như một đứa cháu chồng bình thường. Mợ biết thứ tình yêu vụng dại nhưng bền bỉ hiện lên trong mắt Xoan, khi cô ở bên cạnh hai cha con Phan. Mợ biết hết, nên mợ đã thẳng thừng từ chối lời đề nghị của Phan: “Cô làm má của thằng nhỏ nhà tui nghen!”.
Phan là bạn nối khố của cậu. Xoan là người thân quyến thuộc nhưng không biết bí mật của cậu rành như Phan. Phan biết tại sao đám cưới cậu của Xoan linh đình đến vậy. Tại sao cưới mấy năm họ vẫn không có con. Cậu cưới mợ về không phải để làm vợ. Đơn giản là cậu rước mợ – một cô gái đồng trinh về để thuận lợi cho công việc kì dị của cậu. Chuyện vợ chồng của cậu mợ chỉ dừng lại ở những cái chạm tay. Phan từng ngăn cản ý nghĩ đen tối đó của cậu nhưng không thành.
Mợ đi. Xoan thẫn thờ ra bến sông, tựa gốc thầu đâu nhìn ra giữa dòng nước xiết. Mợ như bông thầu đâu ngược gió, rơi xuống nước rồi trôi biền biệt nơi nào…
– Mợ, tháng sau con cưới!
Mợ ngưng đũa, rớm nước mắt, ôm chầm Xoan.
– Sao mợ không hỏi con cưới ai?
– Mợ không cần hỏi. Con cưới ai, miễn con thấy hạnh phúc là được, phải không?
Xoan ước ngày cưới mình có mợ kề bên. Nhưng mợ lắc đầu.
– Con biết không, một cánh bông thầu đâu rụng trên sông là sẽ không bao giờ trôi dìa được nữa!
*
* *
Tiễn Xoan, mợ ôm cô lần cuối. Cuộc gặp bí mật này chỉ mình mợ và Xoan biết. Tốt nhất là Phan không nên dự phần.
Xoan thẫn thờ trở về. Cô quên nói mợ nghe căn nhà ngày xưa đã cháy rụi trong một buổi chiều cậu quên coi sóc mấy lư hương, tàn nhang rụng bén vải thờ. Cậu cũng đã đi biệt xứ. Cậu nói, đó là cách duy nhất cậu trả nợ cho mợ. Cậu nợ mợ cả một cuộc đời rồi. Còn gì!
Xoan về rồi, mợ lén lau nước mắt. Mà lần này, mợ khóc cho hạnh phúc của Xoan, người mà mợ đã không ngừng yêu thương. Vì tình thương lớn lao đó, mợ đã rời bến sông xưa. Xoan đâu biết, mợ từng thèm nghe thằng nhỏ con Phan kêu mình một tiếng “Má ơi!”.