Hai con voi được tháo xích chân sau một tháng dư luận vào cuộc
Những ngày cuối tháng 7, dư luận cả nước xôn xao, xót xa trước hình ảnh 2 chú voi bị xích chân, gầy mòn trong vườn thú Hà Nội (công viên Thủ Lệ). Ngay sau đó, một phong trào vận động “giải cứu” hai con voi nhận được sự ủng hộ của đông đảo người dân.
Tổ chức Động vật châu Á (Animals Asia) đã có văn bản gửi Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đề xuất phương án đưa 2 con voi ở vườn thú Hà Nội về vườn quốc gia Yok Đôn (Đắk Lắk).
Tổng giám đốc Công ty TNHH một thành viên vườn thú Hà Nội Lê Sĩ Dũng cho rằng, đề xuất trên vẫn chưa thực sự hợp lý bởi cả hai chú voi đều đã lớn tuổi, đồng thời đã ở Thủ Lệ hơn 10 năm qua. Bởi vậy, nếu không tính toán kỹ phương án vận chuyển, tái thả trong môi trường tự nhiên sẽ gặp phải rủi ro, hai cá thể voi này rất có thể sẽ chết.
Liên quan đến đề xuất của Tổ chức Động vật châu Á về việc chuyển 2 chú voi tại vườn thú Hà Nội về Vườn quốc gia Yok Đôn để chăm sóc, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã có văn bản chỉ đạo các cơ quan chuyên môn.
Sau khi tiếp nhận thông tin, lãnh đạo thành phố giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Công ty TNHH MTV Vườn thú Hà Nội và các đơn vị có liên quan xem xét nội dung đề xuất của Tổ chức Động vật châu Á. Lãnh đạo thành phố chỉ đạo các đơn vị có trách nhiệm tham mưu, đề xuất và báo cáo lại với Ủy ban nhân dân thành phố.
Đến chiều 17/8, lãnh đạo vườn thú Hà Nội cho biết, hai con voi đã được tháo xích, tự do đi lại trong khuôn viên chuồng sau khi vườn thú đã mua thiết bị xung điện hàng rào mới để thay thế thiết bị cũ đã hỏng.
Như vậy, sau 1 tháng, những ý kiến của Tổ chức Động vật châu Á cũng như dư luận đã giúp “cởi trói” cho hai chú voi và giúp chúng trở về gần hơn với tự nhiên. Rất đông du khách đến thăm vườn thú sau khi biết tin hai cá thể voi được “trả tự do”. Nhiều người vui mừng vì lãnh đạo vườn thú đã lắng nghe, tạo điều kiện sống tốt hơn cho voi.
Shipper quỳ gối van xin chủ xe Porsche kêu oan
Ngày 14/8, mạng xã hội xuất hiện đoạn clip ghi lại cảnh nam shipper (người giao hàng) quỳ lạy, van xin người chủ xe ô tô hạng sang. Người lao động này đã tông vào đuôi chiếc xe ô tô, người chủ xe nổi giận, đòi bồi thường số tiền lớn. Cảnh tượng làm cộng đồng mạng vừa ngán ngẩm, vừa thương cảm.
Thời điểm xảy ra sự việc, nam shipper và tài xế ô tô hiệu Porsche cùng di chuyển trên đoạn đường Lê Hồng Phong (phường 10, quận 10, TPHCM). Bất ngờ, chiếc xe máy tông vào đuôi ô tô do xe phía trước phanh mà nam shipper không chú ý. Nghe tiếng va chạm, tài xế ô tô cùng gia đình đã xuống xe kiểm tra.
Nhân chứng tại hiện trường cho biết, sau khi vụ va chạm xảy ra gia đình ngồi trên ô tô khá giận dữ vì đây là chiếc xe họ mới mua. Vừa bước xuống xe, gia đình này đã đòi nam shipper bồi thường 200 triệu đồng.
Nghe vậy, nam shipper liền quỳ xuống van xin. Gia đình chủ xe ô tô cũng gọi lực lượng chức năng xuống để hỗ trợ, lập biên bản sự việc.
Chia sẻ với phóng viên Dân trí, anh Q.Đ. (40 tuổi, trú tại Bình Dương) người giao hàng trong đoạn clip cho biết, sau khi xảy ra tai nạn, anh đã đưa hết 15 triệu đồng dành dụm gần 2 năm qua để đền bù cho chủ xe. Tuy nhiên, đến nay, anh không biết số tiền phải đền bù cho chủ xe ô tô là bao nhiêu, hai bên vẫn chưa được thương lượng xong về việc giải quyết vụ đâm đụng.
Anh Đ. phân trần, vào thời điểm xảy ra sự việc, anh đang đi phía sau ô tô thì bị một chiếc xe máy khác tông mạnh, đẩy xe anh lao tới trước. Vì vậy mà xe máy của anh mới “đụng độ” chiếc ô tô, còn người gây tai nạn đầu tiên bỏ chạy ngay lúc đó.
Sau vụ va chạm, do quá hoảng hốt, anh Đ. không kịp giải thích với chủ xe ô tô rằng có người tông vào xe mình. Khi nghe chủ xe yêu cầu đền bù 200 triệu đồng anh Đ. quá sốc, chỉ có thể quỳ xuống, van xin.
Không đi tắm biển cùng công ty bị phạt 2 triệu đồng
Đó là câu chuyện “dở khóc dở cười” xảy ra tại một công ty sản xuất linh kiện điện tử ở Hưng Yên.
Một nữ công nhân chia sẻ, năm nay đơn vị của chị đã thông báo về chuyến du lịch và công bố lịch đăng ký với kinh phí 2 triệu đồng/người. Với trường hợp người lao động thai sản hoặc mang bầu không thể đi được sẽ được nhận số tiền trên.
Những trường hợp đã đăng ký đi nhưng đến lịch đi thì con cái bị ốm, nhập viện, có giấy khám cũng sẽ được nhận số tiền 2 triệu đồng. Những người gần đến ngày đi chơi mới báo không tham gia được sẽ bị phạt 500.000 đồng. Ai bỏ không tham gia, không báo trước sẽ bị phạt 2 triệu đồng.
Nữ công nhân bày tỏ, tuy đây là chế độ phúc lợi của công ty, song không phải nhân viên nào cũng hào hứng, vì vậy, mỗi đơn vị nên có những quy định cụ thể.
“Nâng lên đặt xuống” từng phương án cho việc rút bảo hiểm xã hội một lần
Đây là nội dung được nhiều đại biểu nhấn mạnh là nhạy cảm, phức tạp khi cho ý kiến góp ý dự Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) sửa đổi, tại phiên họp thứ 25 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa qua.
Bản dự thảo luật được trình lần này nêu 2 phương án về rút BHXH một lần. Ở phương án một, thay vì cho người lao động rút như hiện hành, tức sau một năm nghỉ việc, Chính phủ đề xuất chỉ nhóm tham gia bảo hiểm trước khi luật có hiệu lực (trước 1/1/2025) mới được rút.
Nhóm tham gia sau thời điểm này không được rút, trừ trường hợp đủ tuổi nghỉ hưu mà chưa đủ năm đóng để hưởng lương hưu; ra nước ngoài định cư hoặc mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng.
Phương án hai, Chính phủ đề xuất tất cả lao động đóng bảo hiểm dưới 20 năm, sau một năm không tham gia hệ thống đều được rút (tức đối tượng giữ như luật hiện hành) nhưng “siết” mức hưởng không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào Quỹ hưu trí, tử tuất. Số năm còn lại được bảo lưu.
Phương án này không phân biệt thời gian đóng, không giới hạn số lần người lao động được rút.
Góp ý về nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, một trong những nguyên nhân của việc rút BHXH một lần hiện nay là thời gian đóng để được hưởng lương hưu quá dài.
Với 2 phương án Chính phủ trình, Chủ tịch Quốc hội nhận định mỗi hướng đều có ưu – nhược điểm riêng, nhưng phương án 2 mềm dẻo, hài hòa hơn.
Qua nghiên cứu, Chủ tịch Quốc hội đề xuất nghiên cứu thêm một phương án có thể tích hợp, tận dụng các điểm tốt nhất của 2 phương án trên.
Giải trình làm rõ thêm nội dung này, Bộ trưởng Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung xác nhận, rút bảo hiểm xã hội một lần là vấn đề rất phức tạp, nhạy cảm.
Người đứng đầu cơ quan chủ trì soạn thảo luật cho biết, ban đầu ban soạn thảo tính 3 phương án cho việc rút bảo hiểm xã hội một lần, nhưng khi thảo luận ở Chính phủ đã gom lại 2 phương án.
Ông nhấn mạnh, tinh thần là xử lý hài hòa giữa yêu cầu đảm bảo an sinh xã hội lâu dài của đất nước với việc hỗ trợ giải quyết những vấn đề khó khăn trước mắt của người lao động, không tạo ra cú sốc với người lao động, nhất là trong lúc khó khăn hiện nay.
Một người đã chết hơn 7 năm vẫn nhận lương hưu đều đặn
Đây là trường hợp hi hữu xảy ra tại tỉnh Phú Yên. Cơ quan Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh Phú Yên cho biết đã ra quyết định thu hồi gần 400 triệu đồng tiền hưởng lương hưu gồm 89 tháng lương hưu và 7 lần quà Tết Nguyên đán chi hàng năm không đúng định của một người phụ nữ đã chết cách đây hơn 7 năm.
Theo hồ sơ, bà N.T.T.H. (trú tại TP Tuy Hòa) là hưu trí, hưởng lương hưu hàng tháng do BHXH tỉnh Phú Yên chi trả qua kênh dịch vụ của Bưu điện tỉnh này.
Đến cuối tháng 1/2016, bà H. qua đời. Gia đình đã báo tử tại UBND phường, nhưng không làm thủ tục nhận mai táng phí, chế độ tử tuất một lần tại BHXH.
Kể từ đó, bưu điện vẫn chi trả đều đặn số tiền lương hưu của bà H. qua số tài khoản của người phụ nữ này.
Mới đây, nhờ thực hiện mã định danh công dân, BHXH tỉnh Phú Yên phát hiện bà H. đã chết nhưng vẫn được trả lương hưu nên yêu cầu Bưu điện tỉnh rà soát, thu hồi lại tiền chi vượt.
Tại thời điểm phát hiện, tiền trong tài khoản của bà H. “hụt” mất hơn 150 triệu đồng so với số tiền bưu điện đã chuyển. Người thân bà H. thừa nhận đã rút tiền trong tài khoản của bà H. để sử dụng.
Làm việc với các cơ quan chức năng, con trai bà H. đã đồng ý thực hiện thủ tục để thanh toán mai táng phí, tiền tuất một lần cho mẹ; đồng thời phối hợp với các cơ quan chức năng để chuyển trả toàn bộ số tiền mà bưu điện đã chi vượt cho bà H. kể từ sau khi bà chết.