Mới sốt hè, khó sốt lễ?
“Lễ này có đi đâu chơi không?” – “Lúc đầu em cũng tính đi đâu đó nhưng ông xã vừa bị giảm lương nên chắc thôi, cả nhà cũng mới đi Huế chơi tháng trước rồi” – “Nhà chị cũng vậy, lúc đầu tính đi Trung Quốc nhưng tính lại, thôi tiết kiệm để tết đi luôn thể”.
Cuộc hội thoại của 2 nhân viên văn phòng tại quán cà phê ở Q.3 (TP.HCM) cũng là nỗi niềm chung của nhiều gia đình khi nói về kế hoạch nghỉ lễ 2.9 sắp tới. Kỳ nghỉ lễ năm nay kéo dài 4 ngày, phù hợp cho một chuyến đi chơi nghỉ dưỡng ở các điểm du lịch trong nước hoặc một số nước gần trong khu vực Đông Nam Á nhưng nhu cầu du lịch của các gia đình không mấy sôi động. Thực tế cũng được phản ánh qua tình hình kinh doanh tại các công ty lữ hành.
Ông Nguyễn Minh Mẫn, Giám đốc Truyền thông – Marketing Công ty TST Tourist, cho biết đến giờ công ty chưa ghi nhận lượng khách đăng ký tour có sự tăng trưởng mạnh hay đột phá. Cũng như các doanh nghiệp (DN) lữ hành khác, TST Tourist chuẩn bị sẵn sàng nhiều chương trình với các tuyến điểm hấp dẫn nhưng không kỳ vọng quá nhiều vào lượng khách mùa lễ 2.9 bởi các gia đình vừa trải qua một kỳ nghỉ hè đủ dài. Thời điểm hiện nay đã bước vào chu kỳ cuối hè, học sinh bắt đầu tựu trường, đa số mọi người tập trung chuẩn bị cho việc nhập học của trẻ nên đối tượng khách gia đình đặt tour bị ngưng đột ngột. Bên cạnh đó, nhu cầu của khách phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như giá dịch vụ, giá tour, khả năng điều tiết tài chính…
Sau 6 tháng đầu năm, bức tranh kinh tế chưa có nhiều biến chuyển, các DN khó khăn dẫn đến người lao động bị giảm thu nhập, thậm chí mất việc. Do đó, nhiều gia đình sẽ thắt lưng buộc bụng, thay vì chi tiêu thoải mái như trước.
“Thời điểm này Nam bộ đang là mùa mưa nên những điểm du lịch được lựa chọn nhiều là điểm đến phù hợp để tránh mưa bão, sạt lở. Khách hàng đăng ký tour tập trung hướng về vùng biển như khu vực Hạ Long, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Nha Trang, Phan Thiết, Phú Quốc… Tuy nhiên, không có điểm đến nào nổi bật hẳn lên. Cả trong nước và nước ngoài đều chưa có điểm nhấn nào trong mùa lễ 2.9 sắp tới”, ông Nguyễn Minh Mẫn thông tin.
Bà Trần Thị Bảo Thu, Giám đốc Tiếp thị – Truyền thông Lữ hành Vietluxtour, đánh giá lễ 2.9 là dịp “nghỉ vét” của nhiều gia đình trước khi cho các bé vào năm học mới nên lượng khách không quá đông đúc. Dịch vụ vận chuyển, nhà hàng, khách sạn… đang khá ổn định về cả giá, lượng vé, có khả năng không quá “sốt” tour ở các tuyến cả nội địa và nước ngoài như mọi năm. Chưa kể, tour nước ngoài vẫn đang chia sẻ bớt thị phần khách nội địa. Lượng tour khởi hành và điểm đến rất đa dạng, đặc biệt ở các tuyến Đông Bắc Á như Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Hồng Kông… hay các tuyến Đông Nam Á phổ thông như Thái Lan, Singapore, Malaysia, Bali (Indonesia)… chiếm ưu thế về giá và điểm đến đổi mới liên tục. Riêng các tuyến châu Âu, Mỹ… có khả năng tiếp tục tăng khoảng 10 – 15% so với mùa hè vì đã bắt đầu vào mùa đẹp nhất trong năm – mùa thu và mùa lễ hội cuối năm.
“Chúng tôi vẫn dự đoán tổng lượng khách 2.9 năm nay của công ty sẽ tăng 20 – 25%. Công ty đã chuẩn bị kế hoạch kinh doanh dịp lễ này từ quý 2, hiện đã đạt khoảng 65% kế hoạch dự kiến. Tuy nhiên, Vietluxtour cũng đã có dự đoán và chuẩn bị khá dài hơi cho kế hoạch kinh doanh mùa thu đông và Tết Nguyên đán vì sau các giai đoạn giãn cách do dịch Covid-19 thì nhu cầu khách hàng thay đổi rất nhiều. Tính chất mùa cao điểm – thấp điểm không còn quá rõ rệt và du khách có kế hoạch du lịch đều đặn, tranh thủ thời điểm nhàn rỗi của dịch vụ nhiều hơn như các ngày đầu tuần, các giai đoạn sau hoặc trước dịp lễ lớn…”, bà Trần Thị Bảo Thu thông tin.
Vé máy bay dồi dào, giá mềm
Nhu cầu du lịch trầm lắng kéo theo thị trường vận tải cũng không mấy sôi động, đặc biệt là hàng không.
Khảo sát trên trang web của các hãng hàng không, số lượng chuyến bay tới các “hub” du lịch những ngày lễ 2.9 còn rất nhiều, giá vé không có nhiều biến động. Đơn cử, chặng TP.HCM – Đà Nẵng đi ngày 31.8, về 3.9 (2 ngày cao điểm nhất) của hãng Vietravel Airlines chỉ khoảng 1,5 triệu đồng/chiều, tương đương giá vé của hãng Vietjet. Cùng ngày, cùng chặng, các chuyến bay của Bamboo Airways dao động từ 1,4 – 1,9 triệu đồng/vé. Vé của Vietnam Airlines có mức giá cao nhất nhưng cũng không có chuyến bay nào vượt quá 2,1 triệu đồng/chiều.
Một số chuyến bay buổi sáng cũng chỉ 1,5 triệu đồng/chiều. Vé của các hãng đều còn nhiều, trải đều cả ngày. Gia đình nào sắp xếp được thời gian, đi sớm, về sớm hơn 1 ngày so với cao điểm thì có thể chọn rất nhiều khung giờ với giá vé chỉ từ 800.000 – 1,3 triệu đồng/chiều. Chặng từ Hà Nội – Phú Quốc tuy số lượng chuyến bay ít hơn nhưng giá vé cũng rẻ bất ngờ. Dù chọn đi đúng ngày cao điểm (31.8) thì vé của Vietjet cao nhất cũng chỉ 1,3 triệu đồng/chiều, chuyến bay có giá vé thấp nhất chỉ hơn 970.000 đồng/chiều.
Các chuyến bay của Bamboo Airways cũng không có vé trên 1,8 triệu đồng. Chuyến bay sáng có giá vé chưa tới 1,5 triệu đồng/chiều. Vietnam Airlines không có chuyến bay nào giá trên 1,9 triệu đồng/chiều. Chỉ cần khởi hành sớm hơn 1 ngày, tất cả các hãng đều có hàng loạt vé giá rẻ chỉ vài chục ngàn đồng, cộng thêm thuế, phí đều chưa tới 800.000 đồng/chiều vé từ Hà Nội – Phú Quốc.
Riêng vé chặng TP.HCM ra Hà Nội vẫn khá cao. Nếu bay ngày 31.8, vé của hãng Vietravel Airlines lên tới gần 3 triệu đồng/chiều, đắt nhất của chặng TP.HCM – Hà Nội; hơn mức gần 1,8 triệu đồng của hầu hết các chuyến bay thuộc 2 hãng Pacific Airlines và Vietjet, hay giá 2,1 triệu đồng/chiều của Bamboo Airways. Các chuyến bay của Vietnam Airlines cùng ngày cũng không có mức nào vượt giá 2,6 triệu đồng/chiều. Ngày 1.9, Vietjet Air đang có giá vé là 1,62 triệu đồng/chiều, tương đương mức giá của chặng bay này ngày 29.8…
Đại diện Cục Hàng không VN thông tin: Giai đoạn nghỉ lễ 2.9 năm nay, nhu cầu vận chuyển không tăng so với cùng kỳ 2022. Theo số liệu thống kê, tổng số chuyến bay các hãng hàng không dự kiến khai thác trong giai đoạn cao điểm (từ 31.8 – 5.9) là hơn 5.300 chuyến với tổng ghế cung ứng là 1,06 triệu ghế, tăng khoảng 20% so với giai đoạn bình thường và giảm nhẹ 3% so cùng kỳ 2022.
Đến thời điểm hiện tại, khảo sát giá vé trên các trang web bán vé của các hãng hàng không VN trong giai đoạn nghỉ, Cục Hàng không cũng ghi nhận giá vé máy bay đang ổn định, kể cả trên các đường bay trục lẫn đường bay du lịch, không có sự chênh lệch nhiều so với giai đoạn cao điểm hè. Vé máy bay có xu hướng tăng cao vào ngày đầu của kỳ nghỉ lễ đối với chiều đi và ngày cuối của chiều về trong kỳ nghỉ. Tuy nhiên, các hãng hàng không đều đang bán vé máy bay nội địa theo khung giá quy định.
“Theo báo cáo tổng hợp của các hãng hàng không, tính tới thời điểm 18.8, tỷ lệ lấp đầy trong giai đoạn dịp nghỉ lễ 2.9 trên các đường bay trục cũng như các đường bay du lịch vẫn còn ở mức thấp, lượng ghế cung ứng còn lại vẫn dồi dào. Cụ thể như các đường bay trục Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, tỷ lệ lấp đầy chuyến bay mới đạt từ 30 – 40%. Đối với các đường bay du lịch, ngoại trừ đường bay từ Hà Nội đến Phú Quốc, Bình Định và Côn Đảo hay đường bay từ TP.HCM đi Bình Định là có tỷ lệ đặt chỗ trên 40%, còn các đường bay khác đều đang mức thấp, dao động từ 25 đến dưới 40%. Mặc dù vậy, Cục vẫn tiếp tục phối hợp các hãng hàng không, theo dõi, đánh giá theo dõi nhu cầu thị trường để lên kế hoạch tăng chuyến, đáp ứng kịp thời nhu cầu đi lại của hành khách trong dịp nghỉ này”, lãnh đạo Cục Hàng không VN nói.
Hàng không chia nhiệt cho tàu, xe?
Trái ngược với hàng không, vận tải đường bộ hứa hẹn một mùa lễ 2.9 nhộn nhịp. Theo đại diện Bến xe Miền Đông mới, dự kiến lượng hành khách đi lại qua Bến xe Miền Đông mới tăng 70% so với ngày thường. Trong đó, hành khách tập trung các tuyến TP.HCM đi các tỉnh từ Đà Nẵng đổ vào và ngược lại. Khách tăng cao nhất vào ngày 31.8 với dự kiến đạt 7.700 người.
Ông Trần Văn Phương, Phó giám đốc Bến xe Miền Tây, cũng dự kiến lượng hành khách đi lại trong dịp này tăng 119% so với ngày thường. Trong đó, ngày 31.8, bến xe này sẽ phục vụ khoảng 48.000 lượt khách, ngày 1.9 tăng lên khoảng 54.000 và giảm dần từ ngày 2.9 – 4.9. So với dịp lễ cùng kỳ, lượng khách đi lại qua Bến xe Miền Tây được dự báo tăng 20%. Về giá vé, các đơn vị vẫn giữ nguyên tắc sẽ phụ thu trong hai ngày 1 và 2.9 nhưng không quá 40% so với ngày thường.
Khu vực phía bắc, dự báo lượng khách qua các bến xe Hà Nội tăng 200% dịp nghỉ lễ 2.9. Công ty CP Bến xe Hà Nội dự kiến lưu lượng khách sẽ bắt đầu tăng cao từ chiều tối 31.8 đến hết ngày 5.9. Một số tuyến sẽ có lượng hành khách tăng mạnh như Phú Thọ, Quảng Ninh, Nam Định, Thanh Hóa, Thái Bình, Lào Cai, Sơn La…
Tương tự, ngành đường sắt đã bắt đầu sôi động khi nhiều người tranh thủ đặt mua vé tàu sớm. Dự báo lưu lượng hành khách đi tàu trước, sau kỳ nghỉ lễ sẽ tăng so với ngày thường. Theo khảo sát, nhiều chuyến tàu đi một số điểm du lịch ở các tỉnh, thành miền Trung như: Đà Nẵng, Nha Trang, Phan Thiết, Phú Yên… có tỷ lệ khách đặt vé khá cao. Một số tuyến xuất phát vào ngày cao điểm đầu tiên (31.8) thậm chí đã gần hết vé giường nằm, chỉ còn một số vé ghế ngồi. Nhận thấy nhu cầu khách tăng cao, Công ty CP vận tải đường sắt Sài Gòn đã lên kế hoạch tổ chức chạy thêm tàu từ TP.HCM – Quy Nhơn và sẽ tiếp tục mở bán vé thêm các đoàn tàu tăng cường khác từ TP.HCM đi Phan Thiết, Nha Trang, Quy Nhơn, Đà Nẵng, Hà Nội…
“Bên cạnh nhu cầu về quê thăm thân, ngày càng nhiều gia đình chọn tàu hỏa để đi du lịch. Tỷ lệ bán vé nguyên khoang cho đoàn khách tăng trưởng tốt. Nếu không được nghỉ quá dài, họ coi luôn thời gian trên tàu là một trải nghiệm trong hành trình. Cũng có thể một phần do tâm lý vé máy bay mùa cao điểm thường tăng cao, trong bối cảnh kinh tế khó khăn thì người dân sẽ chuyển sang phương thức khác có chi phí hợp lý hơn. Ngành đường sắt đang cố gắng cải thiện hơn nữa chất lượng, dịch vụ, đồng thời chạy nhiều chương trình khuyến mãi để nắm bắt xu hướng này, kích cầu du lịch”, đại diện Công ty CP vận tải đường sắt Sài Gòn chia sẻ.
Doanh thu dịch vụ tăng mạnh trong mùa cao điểm du lịch hè 2023
Theo Tổng cục Thống kê, tháng 6 – 7 là những tháng cao điểm của mùa du lịch hè nên doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống và du lịch lữ hành tăng cao so với các tháng trước. Chỉ riêng trong tháng 7, doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống và du lịch lữ hành cả nước ước đạt 60.000 tỉ đồng, tăng 4,9% so với tháng trước và tăng 5,7% so với cùng kỳ 2022. Tính chung 7 tháng, doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống và du lịch lữ hành đạt 395.800 tỉ đồng, tăng 17,7% so với cùng kỳ năm trước; trong đó dịch vụ lưu trú, ăn uống tăng 16,3% và du lịch lữ hành tăng 53,6%.
Cảnh giác với dịch vụ du lịch giá rẻ bất thường
Thanh tra Bộ VH-TT-DL vừa đưa ra một số khuyến cáo đối với khách du lịch dịp lễ 2.9. Theo đó, du khách cần tìm hiểu kỹ thông tin về các gói du lịch, đặc biệt là các chương trình du lịch, phòng khách sạn với mức giá rẻ hơn bình thường. Khách nên lựa chọn các DN cung cấp dịch vụ du lịch đảm bảo điều kiện theo quy định pháp luật. Sau khi tìm được đơn vị uy tín, du khách nên chủ động xác nhận lại các thông tin trong hợp đồng du lịch (xác nhận đặt phòng, chất lượng, giá dịch vụ, thời gian, chương trình du lịch, hướng dẫn viên, cơ sở vật chất đối với cơ sở lưu trú du lịch…). Du khách có thể chủ động tìm hiểu thông tin của các tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ du lịch tại trang web của Cục Du lịch quốc gia VN.
Ngoài ra, Bộ VH-TT-DL cảnh báo hiện tượng một số cơ sở có hành vi phân biệt đối xử, tranh giành khách du lịch, nài ép khách mua hàng hóa, dịch vụ. Du khách cũng cần cảnh giác với trường hợp quảng cáo không đúng loại, hạng cơ sở lưu trú du lịch đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận, quảng cáo về loại, hạng cơ sở lưu trú du lịch khi chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận.
Trụ sở UBND TP.HCM mở cửa đón khách dịp lễ 2.9
Theo thông tin từ Văn phòng UBND TP.HCM, trụ sở HĐND và UBND TP.HCM sẽ tiếp tục đón khách tham quan dịp 2.9 tới (dự kiến trong hai ngày 1 – 2.9). Phương án tổ chức cho du khách tham quan trụ sở HĐND và UBND TP.HCM ở số 86 Lê Thánh Tôn (Q.1), công trình thuộc nhóm di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia, được Văn phòng UBND TP.HCM cùng Sở Du lịch thống nhất. Các đơn vị cũng đang xây dựng phương án mở cửa định kỳ cho người dân và du khách tới tham quan vào thứ bảy, chủ nhật cuối cùng mỗi tháng.