Hơn 30 tác phẩm điêu khắc gốm như lân sư, cá rồng, long ngư được trưng bày trong triển lãm “Linh thú ngày nay” của nghệ nhân Trần Nam Tước.
Sự kiện diễn ra tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam từ ngày 10 đến 20/8, đánh dấu 32 năm Trần Nam Tước theo đuổi nghề gốm và đề tài linh thú. Tác giả giới thiệu phần lớn tác phẩm anh thực hiện trong quãng thời gian làm nghề, với nhiều hình tượng như kỳ lân, ngựa chầu, linh kê, lân sư.
Một trong những tác phẩm Trần Nam Tước tâm đắc nhất là Linh kê. Tác giả cho biết dựa trên hình ảnh con vịt uyên ương, anh thêm vào phần mào của gà, đặt tên là “kê”. Phần thân được khắc thêm dàn hoa mẫu đơn, khác so với việc để trơn như anh tìm hiểu trong văn hóa xưa.
Theo nghệ nhân, tính linh hoạt của chất liệu gốm giúp anh tạo được nhiều hình dáng. Cái khó là làm sao những tác phẩm ấy có linh hồn, đại diện cho phong cách và năng lực của bản thân. Anh sử dụng chất liệu men truyền thống, sáng tạo bằng việc biến đổi bằng màu sắc, kiểu dáng phù hợp với thời nay.
Để làm nên một sản phẩm, tác giả trải qua ít nhất bảy công đoạn. Đầu tiên, anh phác thảo hình hài dựa vào những điển tích, ca dao. Sau đó, Trần Nam Tước vẽ thiết kế, dựng hình, tạo khuôn, sản xuất, vào men màu và cuối cùng là nung đốt.
Trần Nam Tước trải qua những cảm xúc đặc biệt với gốm. Đôi khi, anh òa lên sung sướng vì sản phẩm ra lò như ý, nhưng cũng có lúc chịu thất bại khi nung gốm bị nổ hay màu men không giống kỳ vọng. Anh nói đây là nghề “đóng cửa đốt nhà”, bởi không phải lúc nào cũng có thể hoàn thiện ngay một sản phẩm đạt chuẩn.
Khi điêu khắc linh thú, Trần Nam Tước không quan tâm tới việc đúng – sai, đẹp – xấu. “Tôi chỉ làm để mọi người nhìn thấy tính dân tộc trong những sản phẩm ấy”, nghệ nhân cho biết.
Anh mong muốn mang sản phẩm đến gần hơn với nhiều thế hệ người Việt, đặc biệt là giới trẻ. Nghệ nhân nói linh thú thời xưa thường đặt trong các đình, đền, miếu, chùa với dáng dấp khá đáng sợ, uy nghiêm. Nhưng ngày nay, chúng đã mang dáng vẻ hiền hòa, có tính ứng dụng hơn. Trần Nam Tước xúc động khi thấy những em nhỏ, từ độ tuổi chập chững biết đi cho đến lớp 2, lớp 3 đều thích thú ngắm nhìn, thậm chí vẽ theo linh thú tại triển lãm.
Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam Lương Xuân Đoàn nhận định triển lãm của Trần Nam Tước là “hướng đi xuất sắc, thể hiện những di sản vẫn được tiếp tục phát triển trong cuộc sống đương đại sôi động, cũng như mỹ thuật đương đại Việt Nam”.
Ông Lương Xuân Đoàn ghi nhận nỗ lực của nghệ nhân, khẳng định tài năng của anh trong việc sáng tạo những tác phẩm điêu khắc gốm về linh thú. Từng ngôn ngữ tạo hình, màu men được Trần Nam Tước xử lý hiệu quả, tạo yếu tố thị giác thú vị cho người xem, đưa họ trở về với những giá trị xưa cũ.
Trần Nam Tước tên thật là Trần Xuân Triều, 49 tuổi, lớn lên từ “quê lúa” Thái Bình. Anh có 30 năm gắn bó với làng nghề gốm sứ Bát Tràng. Quá trình trưởng thành cùng những cánh đồng lúa, chùa chiền, miếu, phủ đã hình thành trong Trần Nam Tước một tình yêu với mỹ cảnh, kiến trúc Việt Nam. Tình cảm ấy được anh gửi gắm vào những sản phẩm gốm sứ thuần Việt.
Năm 1996, khi mới về Bát Tràng, Trần Nam Tước làm thợ giúp việc trong các lò gốm. Không phải “con nhà nòi” hay được đào tạo bài bản, Trần Nam Tước gây dựng sự nghiệp từ những trải nghiệm tích lũy ở “trường đời”. Ngoài năng khiếu bẩm sinh, anh dành mọi tâm huyết để nghiên cứu, học hỏi về nghề gốm.
32 năm làm nghề, Trần Nam Tước chưa bao giờ tự tạo áp lực cho mình. Anh luôn coi bản thân là “thợ mới” và không muốn làm thầy của bất kỳ ai. Là người duy nhất không sinh ra ở Bát Tràng được phong Nghệ nhân Ưu tú, nhưng Trần Nam Tước cho biết chưa bao giờ tự mãn về danh hiệu này. Anh tâm niệm có thể mình ưu tú với nghề gốm nhưng với những nghề khác thì chưa là gì, tất cả sẽ được thể hiện qua sản phẩm và đánh giá của người xem.
Một số sản phẩm nổi bật của nghệ nhân Trần Nam Tước gồm: Bộ Lân Nghê đoạt giải Sản phẩm tiêu biểu Cúp Thăng Long 2010, Đầu Rồng được chọn làm quà tặng Tổng thống Mỹ Barack Obama vào năm 2016, bộ cửa Trung Hiếu Môn thắng giải nhất Mỹ thuật ứng dụng toàn quốc năm 2019.
(Theo vnexpress.net)