Ấn Độ muốn trở thành trung tâm chuyên sản xuất hydro xanh toàn cầu và đang đặt mục tiêu sản xuất 5 triệu tấn nhiên liệu hàng năm vào năm 2030.
Hydro xanh đang được kỳ vọng là năng lượng của tương lai. |
Mới đây, Bộ Năng lượng Mới và Tái tạo Ấn Độ vừa cho biết, Chính phủ nước này đặt ra giới hạn phát thải 2 kg carbon dioxide (CO2) đối với sản xuất 1 kg hydro “xanh” từ các nguồn tái tạo.
Thông báo này sẽ là quy chế rõ ràng đối với việc sản xuất hydro xanh ở Ấn Độ. Ấn Độ muốn trở thành trung tâm chuyên sản xuất hydro xanh toàn cầu và đang đặt mục tiêu sản xuất 5 triệu tấn nhiên liệu hàng năm vào năm 2030. Điều này sẽ làm giảm khoảng 50 triệu tấn khí thải CO2 và tiết kiệm hơn 12 tỷ USD nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch.
Đó là một kế hoạch đầy tham vọng đối với một quốc gia có lượng tiêu thụ hydro hiện nay được sản xuất chủ yếu bằng nhiên liệu hóa thạch.
Đầu năm 2023, các quan chức Ấn Độ – quốc gia giữ chức chủ tịch luân phiên Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) – đã đề xuất giới hạn phát thải 1 kg CO2 đối với sản xuất 1 kg hydro xanh, chỉ bằng một nửa ngưỡng vừa được công bố vào ngày 19/8.
Mặc dù dự kiến sẽ sản xuất hydro lần đầu tiên vào năm 2026, nhưng Ấn Độ đã đàm phán các thỏa thuận song phương với Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản và các nước khác để bắt đầu xuất khẩu nhiên liệu này.