Một thị trấn Nhật Bản đồng ý thực hiện nghiên cứu địa chất nhằm xác định độ phù hợp để xây cơ sở lưu trữ tạm thời nhiên liệu hạt nhân đã sử dụng.
Kaminoseki, một thị trấn nhỏ ở quận Yamaguchi phía tây nam Nhật Bản, chấp nhận đề nghị khảo sát của công ty điện lực Chugoku, một trong hai nhà cung cấp điện lớn trong nước cùng với công ty điện lực Kansai. Bể lưu trữ nhiên liệu đã sử dụng của hai công ty này sắp đầy. Chính phủ Nhật Bản đang khuyến khích sử dụng năng lượng hạt nhân như một nguồn điện thải ít carbon, nhưng các nhà máy hạt nhân của họ sắp hết khả năng lưu trữ nhiên liệu đã sử dụng, AP hôm 18/8 đưa tin.
Vấn đề bắt nguồn từ chương trình tái sử dụng nhiên liệu hạt nhân của Nhật Bản để tái chế và tái sử dụng plutonium từ nhiên liệu cũ. Chính phủ tiếp tục theo đuổi chương trình này bất chấp những thụt lùi lớn về mặt kỹ thuật. Một lò phản ứng sử dụng plutonium ở nhà máy Monju bị hỏng và phải ngừng hoạt động. Trong khi đó, việc vận hành nhà máy tái xử lý Rokkasho ở phía bắc Nhật Bản bị trì hoãn gần 30 năm.
Sau sự cố nóng chảy nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi năm 2011, nhiều lò phản ứng tạm dừng hoạt động và quá trình khởi động lại bị trì hoãn, góp phần giảm lượng nhiên liệu đã sử dụng. Tuy nhiên, chính quyền của thủ tướng Fumio Kishida quyết định tối đa hóa năng lượng hạt nhân như nguồn điện sạch, dấy lên lo ngại về tình trạng thiếu nơi lưu trữ nhiên liệu đã sử dụng.
Đầu tháng 8, điện lực Chugoku trình đề xuất xây dựng cơ sở lưu trữ, kết hợp với điện lực Kansai, nhưng kế hoạch vấp phải phản đối gay gắt từ người dân. Kế hoạch xây dựng một nhà máy điện hạt nhân tại Kaminoseki của điện lực Chugoku bị trì hoãn hơn một thập kỷ sau thảm họa Fukushima Daiichi, dẫn tới chậm trễ trợ cấp cho thị trấn hẻo lánh với dân số đang lão hóa và ngày càng thưa dân.
Kansai Electric, đơn vị vận hành nhà máy hạt nhân lớn nhất Nhật Bản, đang gấp rút tìm thêm nơi lưu trữ nhiên liệu đã sử dụng. Các bể làm mát ở nhà máy của họ đã đầy hơn 80%. Công ty cam kết tìm địa điểm lưu trữ tạm thời vào cuối năm nay.
Khoảng 19.000 tấn nhiên liệu đã sử dụng, phụ phẩm từ quá trình sản xuất điện hạt nhân, được lưu trữ ở các nhà máy điện trên khắp Nhật Bản, chiếm khoảng 80% công suất lưu trữ, theo Bộ Kinh tế và Công nghiệp. Việc tiếp tục chương trình tái xử lý nhiên liệu đã sử dụng tạo thêm áp lực cho trữ lượng plutonium vốn đã lớn của Nhật Bản, khiến cộng đồng quốc tế lo ngại nước này đang thiếu chỗ chứa chất thải hạt nhân.
Một cơ sở trung gian được thiết kế để lưu giữ nhiên liệu hạt nhân đã sử dụng trong thùng phuy khô ráo hàng thập kỷ cho tới khi tái xử lý hoặc chuyển tới chỗ chứa cuối cùng. Các chuyên gia cho rằng đó là lựa chọn an toàn hơn so với lưu giữ trong bể làm mát ở nhà máy. Nếu đề xuất tại Kaminoseki được thông qua, đó sẽ là cơ sở thứ hai tại Nhật Bản. Cơ sở lưu trữ duy nhất hiện nay nằm ở Mutsu, gần Rokkasho, dành riêng cho công ty điện lực Tokyo.
An Khang (Theo AP)