Theo Sở Y tế Hà Nội, số ca mắc sốt xuất huyết (SXH) ghi nhận trên địa bàn TP liên tục tăng từ tháng 7, một số ổ dịch có nhiều bệnh nhân (BN), diễn biến kéo dài. Ngày 14.8, toàn TP ghi nhận hơn 3.500 trường hợp mắc SXH tại 30/30 quận, huyện, thị xã; 440/579 xã, phường, thị trấn (chiếm 76%). BN có xu hướng tăng nhanh trong 4 tuần gần đây, trung bình mỗi tuần ghi nhận từ 500 – 600 trường hợp mắc. Số mắc tăng nhiều so với cùng kỳ 2022 (760 ca mắc, 0 tử vong).
Giám sát đến 15.8 cho thấy, một số huyện, quận ghi nhận nhiều ca mắc SXH như: Thạch Thất (537 ca); Thanh Trì (342 ca); Hoàng Mai (282 ca); Bắc Từ Liêm (266 ca); Hà Đông (206 ca). Qua kết quả kiểm tra, giám sát của ngành y tế, một số ổ dịch SXH không được xử lý triệt để ngay từ ban đầu tại địa bàn, để sót nhiều ổ bọ gậy, chỉ số bọ gậy cao vượt ngưỡng nguy cơ, dẫn đến lây lan, bùng phát kéo dài.
ĐẢM BẢO GIƯỜNG ĐIỀU TRỊ
Thông tin từ Bệnh viện (BV) E (Bộ Y tế), từ tháng 7, mỗi ngày Khoa Bệnh nhiệt đới của BV tiếp nhận khoảng 10 – 20 ca SXH, trong đó có 5 – 10 trường hợp phải nhập viện theo dõi, điều trị. Đã ghi nhận ca mắc SXH là phụ nữ mang thai, người cao tuổi và người có nhiều bệnh lý (đái tháo đường, tim mạch…), có trường hợp hầu như năm nào cũng mắc SXH. Có thời điểm số BN SXH điều trị nội trú lên đến 30 – 40 người. Trong 7 tháng qua, gần 200 người bệnh SXH nội trú đã được ra viện.
Sở Y tế Hà Nội đã kiểm tra, giám sát công tác thu dung, điều trị, đảm bảo giường bệnh để đáp ứng điều trị. Tổng số giường kế hoạch tại các BV của Hà Nội phục vụ cho điều trị BN SXH là 712 giường nhưng đã thực kê 1.104 giường. Tuần gần đây, số BN SXH điều trị nội trú là 776 người.
Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà đã yêu cầu các địa phương giám sát và xử lý ổ dịch hiệu quả. Sở đã chỉ đạo các đơn vị cử đội cơ động phòng chống dịch trực tiếp đến các quận, huyện, thị xã để hướng dẫn biện pháp phòng chống dịch. Vùng nguy cơ cao là vùng có chỉ số bọ gậy BI từ 20 trở lên, trong khi có xã chỉ số BI là 85 và cần phải khống chế chỉ số này xuống dưới 20 để phòng chống dịch SXH.
Xử lý ổ dịch sớm trong 3 ngày đầu
Theo Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, kết quả kiểm tra giám sát tại các ổ dịch cho thấy một số tồn tại: xử lý chưa triệt để, chỉ số côn trùng sau xử lý cao vượt ngưỡng nguy cơ, tỷ lệ phun hóa chất chưa đạt yêu cầu… Dự báo thời gian tới số mắc có thể tiếp tục gia tăng và xuất hiện thêm các ổ dịch, đặc biệt lưu ý các khu vực ổ dịch cũ, các xã, phường có diễn biến dịch các năm phức tạp.
Phó giám đốc CDC Hà Nội Khổng Minh Tuấn lưu ý: Nếu phát hiện sớm ca bệnh, ổ dịch trong 3 ngày đầu thì việc dập dịch mới hiệu quả. Ngược lại, khi ổ dịch phát sinh từ 10 BN thì nguy cơ dịch SXH bùng phát trên diện rộng là khó tránh khỏi.
Tại cuộc họp giao ban về phòng chống dịch SXH tại Hà Nội chiều 16.8, Phó chủ tịch UBND TP.Hà Nội Vũ Thu Hà yêu cầu các sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã chủ động rà soát toàn bộ các điều kiện phòng chống dịch bệnh, tập trung tuyên truyền sâu rộng đến từng người dân, từng hộ gia đình các biện pháp phòng chống SXH, nhấn mạnh diệt bọ gậy là biện pháp đầu tiên và quan trọng nhất.
Qua điều trị thực tế, các bác sĩ đã gặp các diễn biến nặng của người bệnh SXH như ho ra máu, xuất huyết âm đạo trước chu kỳ, đi ngoài phân đen, men gan tăng cao, tràn dịch màng phổi, màng bụng, tụt huyết áp… Các bác sĩ khuyến cáo: Người dân nếu thấy sốt cao đột ngột cần vào BV khám ngay, vì SXH có thể chuyển từ mức độ nhẹ sang mức độ nặng, BN cần được thăm khám, phân độ lâm sàng để tiên lượng bệnh và có kế hoạch xử trí thích hợp.
Đặc biệt, người cao tuổi nhiều bệnh lý nền hoặc phụ nữ mang thai mắc SXH thường diễn biến nặng hơn, nhiều biến chứng. Phụ nữ mang thai mắc SXH có thể sinh non, con nhẹ cân, xuất huyết khi sinh và sau sinh.
(Nguồn: Bệnh viện E)