Hấp dẫn người dân, du khách
Sau buổi ăn tối trên du thuyền chạy dọc sông Sài Gòn cùng gia đình mới đây, anh Nguyên Vũ (34 tuổi, ngụ Q.Bình Thạnh) đã “lập kèo” hẹn đồng nghiệp cùng tiếp tục trải nghiệm. “Tàu xuất phát từ Q.1 lúc 19 giờ 30 phút, khách có khoảng 2 tiếng để dùng bữa tối, thưởng thức âm nhạc. Từ du thuyền, chúng tôi ngắm nhìn được ánh đèn lung linh của thành phố về đêm và tận hưởng không gian mát mẻ, trong lành trên dòng sông Sài Gòn mà không bị quá đông đúc, ồn ào”, anh nhận xét.
Anh cho rằng, mức giá của các món ăn và vé du thuyền cao hơn so với các nhà hàng dọc bờ sông, nhưng đổi lại khách có nhiều trải nghiệm mới mẻ. “Tàu về bờ sớm và nhiều đoạn bên sông không có cảnh quan là những điều làm khách chưa thật sự cảm thấy thỏa mãn”, anh nói.
Ông Vũ Minh Tân (50 tuổi, du khách đến từ Nha Trang) cũng nhận xét: “Sau 1 ngày chen chúc trên đường phố tấp nập, ồn ào thì ăn tối trên tàu nhà hàng chạy dọc sông Sài Gòn là một trải nghiệm thú vị, rất mát mẻ, yên bình, tôi chụp được nhiều hình với các biểu tượng của Thành phố”.
Không chỉ các tàu nhà hàng, nhiều nhóm bạn trẻ cũng rủ nhau đi buýt đường sông (waterbus) vào ban ngày hay ban đêm với giá chỉ từ 15.000 đồng để check-in, ngắm cảnh. Vì mức giá “sinh viên” này và lịch tàu chạy liên tục từ Ga tàu thủy Bạch Đằng nên dịch vụ được đông đảo người dân lựa chọn.
Ông Trần Quang Duy, Giám đốc điều hành Công ty DV Lữ hành Chim Cánh Cụt cho biết, trước đây, khi nhắc đến TP.HCM, mọi người chỉ nghĩ đến các điểm nổi bật như: Nhà thờ Đức Bà, Dinh Thống Nhất, Bảo tàng Chứng tích chiến tranh… Vì vậy khi đưa ra một trải nghiệm du lịch mới, đầy độc đáo như tour du lịch sông nước thì thu hút được sự quan tâm, nhất là khách quốc tế.
“Du khách rất thích trải nghiệm tour ăn tối, dùng bữa trên sông Sài Gòn, ngắm nhìn vẻ đẹp lung linh huyền ảo của dòng Sông Sài Gòn về đêm. Ngoài ra, khách quốc tế còn quan tâm đến các sản phẩm tour khác như kênh Nhiêu Lộc, các tour truyền thống Củ Chi, Cần Giờ. Khách rất cần những trải nghiệm mang tính đặc trưng đem lại cảm giác mới lạ, độc đáo và hấp dẫn”, ông Duy nhận xét.
Đa dạng tour đường thủy
Bà Trần Thị Bảo Thu, Giám đốc Ban Tiếp thị và Truyền thông, Lữ hành Vietluxtour cho biết, công ty ban đầu mở tour trên sông để phục vụ thị trường khách inbound, nhưng dần du khách nội địa cũng ưa chuộng loại hình này và thường chọn tour cho hoạt động giải trí cuối tuần của nhóm khách gia đình.
“Loại hình sản phẩm này nếu phát triển đa đạng, sẽ thu hút không chỉ du khách quốc tế, nội địa và cả người dân địa phương”, bà Thu nhận xét.
Với 4 tuyến sông chính chảy qua địa bàn là: Sài Gòn, Đồng Nai, Lòng Tàu và Soài Rạp TP.HCM có mạng lưới đường thủy kết nối các tỉnh lân cận như: Bình Dương, Tây Ninh, Long An, Tiền Giang, Bà Rịa – Vũng Tàu và Đồng bằng sông Cửu Long. Do vậy, TP vừa có thể khai thác giao thông vận tải đường thủy vừa có nhiều tiềm năng phát triển loại hình du lịch đường thủy còn khá mới mẻ này.
Theo dự thảo Kế hoạch phát triển sản phẩm du lịch đường thủy TP.HCM giai đoạn 2023 – 2025, TP phấn đấu đến năm 2025, tổng số phương tiện vận chuyển đường thủy phục vụ khách du lịch đạt 200 ca nô, 100 tàu, thuyền và du thuyền các loại.
Để đạt mục tiêu trên, ngành du lịch TP đặt nhiệm vụ trọng tâm là cải thiện, nâng cao các sản phẩm du lịch đường thủy hiện có như: tuyến du lịch nội đô Nhiêu Lộc – Thị Nghè; tuyến Bình Quới, tuyến du lịch Củ Chi, Cần Giờ (xuất phát từ Bến Bạch Đằng)… Đồng thời, chú trọng phát triển các tuyến du lịch đường thủy mới trong TP và kết nối đến các tỉnh Đông Nam bộ, miền Tây hay sang Campuchia.