Theo Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Phan Đức Hiếu, về nguyên tắc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, hiện nay, để xử lý vấn đề quy hoạch cấp quốc gia thường có độ trễ, thường cuối năm đầu của kỳ quy hoạch mới thì quy hoạch sử dụng đất quốc gia mới được thông qua trong khi Luật Đất đai quy định kế hoạch sử dụng đất cấp huyện là căn cứ để thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, do đó, Dự thảo Luật đưa ra phương án.
Theo đó, phương án 1 quy định: Các quy hoạch sử dụng đất được lập đồng thời; quy hoạch được lập, thẩm định xong trước được quyết định hoặc phê duyệt trước. Sau khi quy hoạch được quyết định hoặc phê duyệt, nếu có mâu thuẫn thì quy hoạch thấp hơn phải điều chỉnh phù hợp quy hoạch cao hơn.
Theo ông Hiếu, phương án này có ưu điểm đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn, tránh việc phải chờ quy hoạch cấp trên được ban hành. Tuy nhiên, phương án này có một số nhược điểm: Trường hợp diện tích đất đã được giao cho nhà đầu tư thì việc thu hồi, đền bù sẽ rất phức tạp, có thể dẫn đến khiếu kiện kéo dài, gây lãng phí nguồn lực xã hội; Nội dung quy hoạch sử dụng đất hiện nay là xác định các chỉ tiêu, xác định diện tích cụ thể cho các loại đất được quy định ở từng cấp quy hoạch, không phải là các định hướng, phương án phát triển có tính khái quát cao như quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh được lập theo Luật Quy hoạch. Do vậy, khi không có các chỉ tiêu sử dụng đất được phân bổ từ quy hoạch sử dụng đất cấp trên xuống thì quy hoạch sử dụng đất cấp dưới sẽ không đủ căn cứ để lập.
Mặt khác, quá trình lập đồng thời quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh có thủ tục lấy ý kiến của các cơ quan ở tất cả các cấp, nội dung quy hoạch cấp dưới sẽ có sự cập nhật nội dung quy hoạch cấp trên, trong khi việc lập quy hoạch sử dụng đất lại không có quy trình lấy ý kiến nói trên.
Bên cạnh đó, việc không có đầy đủ các căn cứ để lập, sẽ dẫn đến nếu quy hoạch sử dụng đất cấp dưới được phê duyệt trước sẽ có thể dẫn đến sau khi quy hoạch cấp trên được phê duyệt, quy hoạch cấp dưới có thể phải điều chỉnh nhiều lần gây thiếu ổn định quản lý đất đai, đặc biệt đối với trường hợp đất rừng, đất lúa, đất quốc phòng, an ninh là các loại đất quan trọng, có các điều kiện chặt chẽ khi chuyển đổi mục đích sử dụng và quản lý.
Ngoài ra, không tạo được áp lực cho quy hoạch sử dụng đất cấp trên sớm hoàn thành quy hoạch, dẫn đến chậm trễ như trong thời gian qua.
Về phương án 2 quy định: Cho phép các quy hoạch sử dụng đất được lập đồng thời nhưng quy hoạch cấp cao hơn phải được phê duyệt, quyết định trước quy hoạch thấp hơn. Khi kết thúc thời kỳ quy hoạch mà quy hoạch thời kỳ mới chưa được cấp có thẩm quyền quyết định, phê duyệt thì có sự phân biệt: Trường hợp chưa thực hiện hết các chỉ tiêu thì được tiếp tục thực hiện đến khi quy hoạch thời kỳ tiếp theo được phê duyệt; Trường hợp đã thực hiện hết chỉ tiêu thì quy hoạch được điều chỉnh nội dung và thực hiện đến khi quy hoạch thời kỳ tiếp theo được phê duyệt.
Ông Hiếu cho rằng, phương án này có ưu điểm là bảo đảm được sự đồng bộ thống nhất, ổn định của hệ thống quy hoạch. Đáp ứng yêu cầu về quản lý chặt chẽ mục đích sử dụng đất. Các quy hoạch cấp trên sẽ phải sớm hoàn thành để làm căn cứ cho quy hoạch cấp dưới được phê duyệt.
Tuy nhiên, trường hợp sử dụng hết chỉ tiêu đã được phân bổ ở kỳ quy hoạch trước thì việc điều chỉnh quy hoạch sẽ thiếu căn cứ để thực hiện điều chỉnh quy hoạch do chưa có quy hoạch cấp trên.
Về kế hoạch sử dụng đất cấp huyện, ông Hiếu cho biết, thực tế hiện nay, kế hoạch sử dụng đất được quy định là căn cứ để thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất. Về bản chất, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện là việc kế thừa, tổng hợp các công trình, dự án đã có chủ trương đầu tư, quyết định chủ trương đầu tư. Tuy nhiên, thực tế kế hoạch sử dụng đất thường được ban hành chậm so với quy định, dẫn đến không có căn cứ thu hồi đất làm chậm tiến độ hoàn thành dự án. Do đó, Dự thảo sẽ tiếp tục được rà soát để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong thời gian qua.
Góp ý về quy định nguyên tắc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất tại Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), GS.TS Đinh Dũng Sỹ đề nghị lựa chọn phương án 2 là: Cho phép các quy hoạch sử dụng đất được lập đồng thời nhưng quy hoạch cấp cao hơn phải được phê duyệt, quyết định trước quy hoạch thấp hơn. Theo GS.TS Đinh Dũng Sỹ, phương án 1 chỉ phù hợp với xử lý tình huống ở thời điểm hiện nay khi chúng ta đang gặp khó khăn trong giai đoạn chuyển tiếp lập quy hoạch theo Luật mới.
Đồng thời, để bảo đảm kỷ cương hành chính, thực hiện nghiêm Luật Quy hoạch thì cũng không nên quy định thêm về 2 trường hợp ở phương án 2 khi kết thúc thời kỳ quy hoạch mà quy hoạch thời kỳ mới chưa được cấp có thẩm quyền quyết định, phê duyệt vì như vậy sẽ mặc nhiên thừa nhận hay cho phép việc lập quy hoạch chậm ở giai đoạn tới. Điều này sẽ tạo sức ỳ cho các cơ quan thực thi.