Đủ cách kích cầu
Để kích thích tăng trưởng tín dụng, các NHTM đã triển khai nhiều chương trình, giải pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân. Cụ thể, sau một tuần triển khai gói 7.000 tỷ đồng với lãi suất từ 8,8%/năm, mới đây BVBank tiếp tục triển khai gói vay ưu đãi giảm đến 2%/năm với quy mô 1.000 tỷ đồng dành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa với lãi suất chỉ từ 8,5%/năm.
Tương tự, Sacombank đang có gói tín dụng 30.000 tỷ đồng dành cho khách hàng cá nhân vay với lãi suất từ 7,5%/năm cho sản xuất kinh doanh và 9%/năm vay tiêu dùng; gói tín dụng 11.000 tỷ đồng với lãi suất từ 6,2%/năm cho doanh nghiệp vay để phát triển sản xuất, kinh doanh.
Agribank ngoài việc triển khai gói tín dụng 3.000 tỷ đồng dành cho lĩnh vực lâm sản, thủy sản với lãi suất thấp hơn từ 1%-2%/năm so với mức lãi suất thông thường thì cũng vừa dành thêm 10.000 tỷ đồng với lãi suất giảm 0,7%/năm so với thông thường để doanh nghiệp nhỏ và vừa vay bổ sung vốn lưu động thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh…
Ông Đinh Ngọc Dũng, Phó Giám đốc phụ trách Khối Ngân hàng Doanh nghiệp của SHB, cho biết, không chỉ thực hiện các chương trình tín dụng ngắn và trung hạn dành cho doanh nghiệp sản xuất – kinh doanh với lãi suất thấp hơn đến 2%/năm so với cho vay thông thường, SHB còn đơn giản hóa quy trình cho vay, tiết giảm chi phí để hạ lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp và người dân. Bên cạnh đó, SHB xây dựng chương trình riêng “may đo” cho từng đối tượng khách hàng doanh nghiệp để kích cầu tín dụng.
Ông Từ Tiến Phát, Tổng Giám đốc ACB, thông tin, trong 6 tháng đầu năm 2023, ACB đã thực hiện nhiều giải pháp kích cầu tín dụng thông qua các chương trình cho vay ưu đãi 30.000 tỷ đồng, lãi suất giảm tối đa 3%/năm so với biểu lãi suất, áp dụng rộng rãi đối với tất cả khách hàng, không giới hạn đối tượng, lĩnh vực.
“Giảm được lãi suất cho vay mới đảm bảo được tăng trưởng tín dụng, giảm nguy cơ nợ xấu phát sinh và góp phần thúc đẩy khu vực kinh tế trong nước phát triển. ACB sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp để giảm thêm lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phục hồi và phát triển sản xuất – kinh doanh”, ông Từ Tiến Phát cho hay.
Không nên quá nới lỏng
Theo ước tính của các công ty chứng khoán, lãi suất cho vay từ đầu năm đến nay đã giảm khoảng 1,5%-2%. Mức lãi vay thế chấp của nhiều NHTM cũng được đưa ra chỉ từ 7%-8%/năm, nhưng trên thực tế vẫn có sự phân hóa rõ rệt. Với các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh có chất lượng tín dụng tốt, lãi suất cho vay đã về mức thấp dưới 10%; nhưng các doanh nghiệp chất lượng tín dụng thấp, lãi suất khi vay ngân hàng vẫn đạt mốc 12%-17%/năm.
TS Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, khuyến nghị, để kích cầu tín dụng cũng như hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, cần có sự phối hợp hiệu quả giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ cũng như các chính sách vĩ mô khác, đồng thời đánh giá đúng thực trạng doanh nghiệp để tháo gỡ các tồn tại, vướng mắc.
Trong bối cảnh này, TS Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế – tài chính, nhận định, một trong những rủi ro lớn nhất của nền kinh tế Việt Nam hiện nay là lãi suất cho vay vẫn còn cao, nhiều doanh nghiệp đang phải chịu lãi vay tới trên 10%/năm ngay cả khi NHNN đã có nhiều nỗ lực giảm lãi suất điều hành.
Tuy nhiên, theo ông Nghĩa, nhiều khả năng cuối năm nay, Fed dừng tăng lãi suất và có thể giảm lãi suất từ cuối năm sau. Châu Âu cũng có thể dừng tăng lãi suất từ cuối năm nay do lạm phát giảm nhanh hơn dự đoán. Đây là cơ hội để NHNN giảm thêm lãi suất, hỗ trợ doanh nghiệp.
Liên quan đến việc có nên nới lỏng chính sách tiền tệ để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế hay không, ông Trần Ngọc Báu – CEO Wigroup, đơn vị cung cấp dữ liệu tài chính và nghiên cứu thị trường, nhận định, trong giai đoạn kinh tế khó khăn như hiện tại thì việc khơi thông vốn cho nền kinh tế và nới lỏng các quy định cho hệ thống ngân hàng là điều cấp thiết nhất, bởi va vào “vòng tròn suy giảm” sẽ rất khó thoát ra.
Thế nhưng, ông Báu cũng lo ngại, việc đẩy mạnh tín dụng trong trạng thái sức cầu yếu như hiện tại sẽ khó tránh khỏi dòng chảy tín dụng có sự sai lệch, chạy vào khu vực rủi ro. Tuy nhiên, đây là giải pháp cần thiết nhằm giải tỏa việc thiếu hụt vốn trong nền kinh tế. Sau khi mọi thứ đã cân bằng hơn, có thể xem xét phương án điều chỉnh lại.
Trong khi đó, ông Nguyễn Bá Hùng, chuyên gia kinh tế trưởng tại Việt Nam của Ngân hàng Phát triển châu Á, lại cho rằng, mặc dù chính sách giảm lãi suất của NHNN đã tác động tích cực lên thị trường, nhưng tăng trưởng tín dụng 7 tháng đầu năm 2023 vẫn ở mức thấp cho thấy hiệu quả của việc giảm lãi suất còn phụ thuộc vào cầu tín dụng của nền kinh tế. Do đó, cơ quan điều hành cần có chính sách linh hoạt hỗ trợ tín dụng nhưng không nên quá nới lỏng, bởi có thể gây ra “bong bóng về tài sản” khi dòng tiền không vào nền kinh tế thực mà chảy vào các sản phẩm đầu cơ.
Theo ông Hùng, khi doanh nghiệp hoạt động sản xuất – kinh doanh chưa tạo ra được lợi nhuận cao hơn lãi suất đi vay, thì doanh nghiệp vẫn không vay vốn để đầu tư, phục vụ hoạt động sản xuất. Theo đó, tác động từ chính sách tiền tệ vào tổng cầu chỉ là tác động gián tiếp thông qua cung tín dụng, còn tác động từ chính sách tài khóa và các chính sách kích thích tiêu dùng, kích thích đầu tư tư nhân sẽ tác động trực tiếp đến hoạt động trong nền kinh tế.