Mở cửa phiên giao dịch ngày 16/8 trên sàn chứng khoán Nasdaq của Mỹ, cổ phiếu VFS của hãng xe điện VinFast giảm khoảng 30%, về mức 26 USD/cp.
Sau đó VFS lại diễn biến ngược dòng, tăng mạnh.
Kết thúc phiên giao dịch 16/8 trên sàn chứng khoán Mỹ (rạng sáng ngày 17/8 giờ Việt Nam), so với phiên đầu, cổ phiếu VFS chỉ còn giảm khoảng gần 19%, giao dịch ở mức 30,1 USD/cp.
Ở mức này, vốn hóa của VinFast vẫn rất cao, còn hơn 69 tỷ USD.
Đây là điều khá phổ biến đối với nhiều mã cổ phiếu niêm yết mới trên thị trường chứng khoán Mỹ, đặc biệt đối với các mã cổ phiếu công nghệ.
Trong phiên đầu tiên giao dịch trên thị trường chứng khoán Mỹ, cổ phiếu VinFast đóng cửa ở mức trên ngưỡng 37 USD. 6,7 triệu cổ phiếu VFS được chuyển nhượng, cao hơn so với tổng lượng cổ phiếu lưu hành tự do (free float) là 4,5 triệu đơn vị.
Ở mức vốn hóa 85 tỷ USD, VinFast vượt qua Ford, General Motors và nhiều hãng xe danh tiếng.
VinFast cũng trở thành doanh nghiệp Việt có giá trị vốn hóa lớn nhất tính đến hiện tại và trở thành nhà sản xuất xe điện lớn thứ 3 thế giới, chỉ đứng sau Tesla và BYD.
Mức vốn hóa 85 tỷ USD của VinFast còn lớn hơn tổng giá trị 8 doanh nghiệp lớn nhất sàn chứng khoán Việt Nam cộng lại và vượt tổng vốn toàn ngành ngân hàng Việt Nam cộng lại.
Trong nước, cổ phiếu Vingroup (VIC) – công ty mẹ của VinFast hôm 16/8 tăng trần 4.900 đồng lên 75.600 đồng/cp. Theo Forbes, tỷ phú Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Vingroup có khối tài sản tăng thêm 200 triệu USD lên 5,9 tỷ USD.
Nhiều nhà đầu tư Việt Nam quan tâm nhiều tới biến động cổ phiếu VinFast.
Ban ngày nhà đầu tư theo dõi biến động cổ phiếu Vingroup tại Việt Nam và tối dõi theo biến động cổ phiếu VinFast trên sàn Nasdaq Mỹ.