ANTD.VN – Doanh thu phí bảo hiểm trong 7 tháng đầu năm giảm 5,54% so với cùng kỳ năm trước, cho thấy thị trường bảo hiểm vẫn tiếp tục gặp khó khăn.
Theo Bộ Tài chính, trong 7 tháng đầu năm tổng doanh thu phí bảo hiểm ước đạt 130.138 tỷ đồng, giảm 5,54% so với cùng kỳ năm trước. Trước đó, số liệu công bố các tháng 5 và 6 cũng cho thấy mức sụt giảm so với cùng kỳ năm ngoái, với các mức giảm xấp xỉ 1,5% và 1,6%.
Dù sụt giảm mạnh so với cùng kỳ, doanh thu phí trong tháng 7 vẫn tăng thêm hơn 83.000 tỷ đồng so với tháng liền trước, nhiều hơn đáng kể so với mức tăng khoảng gần 24.000 tỷ đồng trong tháng 6.
Thị trường bảo hiểm tiếp tục gặp khó sau loạt khủng hoảng truyền thông thời gian qua |
Trong 7 tháng đầu năm, các doanh nghiệp cũng đã chi trả quyền lợi bảo hiểm ước đạt 41.068 tỷ đồng (tăng 23,51% so với cùng kỳ năm trước).
Bộ Tài chính cho biết, tính đến hết tháng 7, thị trường bảo hiểm có tổng tài sản ước đạt 870.002 tỷ đồng (tăng 11,77% so với cùng kỳ năm trước), trong đó các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 118.871 tỷ đồng, các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ ước đạt 751.131 tỷ đồng.
Đầu tư trở lại nền kinh tế ước đạt 727.964 tỷ đồng (tăng 14,19% so với cùng kỳ năm trước), trong đó các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 65.557 tỷ đồng; các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ ước đạt 662.407 tỷ đồng.
Tổng dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm ước đạt 570.916 tỷ đồng (tăng 15,42% so với cùng kỳ năm trước), trong đó các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 33.923 tỷ đồng, các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ ước đạt 536.993 tỷ đồng.
Tổng nguồn vốn chủ sở hữu ước đạt 181.951 tỷ đồng (tăng 3,61% so với cùng kỳ năm trước).
Liên quan đến phản ánh các vi phạm trong kinh doanh bảo hiểm, Bộ Tài chính cho biết, tính đến hết ngày 31/7/2023, đã tiếp nhận, xử lý 213 kiến nghị, phản ánh qua điện thoại và 479 kiến nghị, phản ánh qua hộp thư điện tử.
Trước đó, Bộ Tài chính cũng đã công bố vi phạm của 4 doanh nghiệp bán bảo hiểm qua ngân hàng.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, Bộ đang triển khai thông qua quy trình thanh tra, sau một thời gian ngắn nữa sẽ xử lý nghiêm vi phạm của 4 doanh nghiệp bảo hiểm và tiếp tục công bố.
Theo kế hoạch năm 2023, Bộ Tài chính sẽ tiến hành thanh tra 10 doanh nghiệp, trong đó thanh tra 5 doanh nghiệp bảo hiểm, 3 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, 2 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ.
Trong đó, tập trung vào liên kết trong hoạt động kinh doanh giữa các doanh nghiệp này với các tổ chức tín dụng, các ngân hàng thương mại và hướng các nội dung thanh tra theo chỉ đạo của Chính phủ và Nghị quyết của Quốc hội đã thông qua.
Thứ trưởng cho biết, Bộ Tài chính đã phối hợp với Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo kiểm tra, giám sát, để thị trường bảo hiểm hoạt động đúng quy định của pháp luật, bảo đảm quyền lợi chính đáng, hợp pháp của các cá nhân, tổ chức tham gia bảo hiểm cũng như các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm.
Vào cuối tháng 7, Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các cơ quan có liên quan khẩn trương thanh tra, kiểm tra, giám sát việc cung cấp dịch vụ bảo hiểm, bán bảo hiểm qua ngân hàng và hoạt động của các công ty bảo hiểm để nhanh chóng xác định, làm rõ có dấu hiệu sai phạm hay không, có hành vi gian dối, lừa đảo, vi phạm pháp luật hay không để có cơ sở xử lý nghiêm theo quy định pháp luật và có giải pháp chấn chỉnh kịp thời, hiệu quả.