Đây là ý kiến được nhiều đại biểu nêu lên tại Hội thảo phát triển toàn diện trẻ em dưới 6 tuổi do Ủy ban Văn hóa – Giáo dục của Quốc hội và Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam (UNICEF) tổ chức ngày 18.8, tại Hà Nội.
Gia tăng tỷ lệ trẻ thừa cân, béo phì ở các thành phố lớn
Bà Nguyễn Thị Mai Thoa, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa – Giáo dục của Quốc hội, cho biết so với giai đoạn trước, tỷ lệ suy dinh dưỡng và tỷ suất tử vong trẻ em đã giảm nhiều, nhưng không đồng đều.
Trẻ em Việt Nam đang phải đối mặt với 3 gánh nặng về dinh dưỡng là suy dinh dưỡng, béo phì và thiếu vi chất dinh dưỡng. Trong đó, gia tăng tỷ lệ trẻ em thừa cân, béo phì ở các thành phố lớn và suy dinh dưỡng thể thấp còi ở miền núi, vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tình trạng trẻ em thiếu vi chất còn khá phổ biến, gần 1/3 trẻ em bị thiếu máu và 2/3 trẻ em bị thiếu kẽm.
Chỉ ra nguyên nhân gia tăng trẻ béo phì, ông Trần Đăng Khoa, Phó vụ trưởng Vụ Sức khỏe, bà mẹ, trẻ em (Bộ Y tế), cho hay tác động của quá trình toàn cầu hóa, đô thị hóa đã dẫn đến môi trường lương thực thay đổi.
“Trong khi tiếp cận thực phẩm tăng lên thì tiếp cận thực phẩm và đồ uống không lành mạnh đã tăng lên đáng kể với các cửa hàng thực phẩm, đồ uống chế biến sẵn giá rẻ, doanh số bán hàng ngày càng tăng lên, làm gia tăng tình trạng thừa cân, béo phì”, ông Khoa nói.
Ngoài nguyên nhân trên, các chuyên gia dinh dưỡng tại hội thảo cho hay, còn một nguyên nhân nữa dẫn đến béo phì là do có quá nhiều sản phẩm chế biến sẵn.
Theo thống kê của Hiệp hội Mì ăn liền, bình quân đầu người ở Việt Nam tiêu thụ 85 gói mì ăn liền/năm; tính bình quân chia theo tháng tức là 7 gói/tháng. Các sản phẩm tiện lợi có hình vẽ minh họa bắt mắt khiến người dân thiếu hiểu biết mua dùng. Trong khi đó, các sản phẩm này không có chất dinh dưỡng, hàm lượng đường, muối, chất béo, chất bão hòa rất cao.
Trong vấn đề dinh dưỡng với trẻ em dưới 6 tuổi, bà Nguyễn Thị Việt Nga, Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương, cho rằng có 2 vấn đề đáng lưu tâm là suy dinh dưỡng, trẻ em béo phì. Đặc biệt, tỷ lệ trẻ em béo phì hiện nay còn cao hơn thiếu dinh dưỡng vi chất.
Bà Nga chia sẻ: “Hiện nay, trong nhận thức của các bậc cha mẹ, đặc biệt là cha mẹ ở thành phố lớn, thường lấy cân nặng của con làm chuẩn. Khi thấy con mập mạp, bụ bẫm, nhiều người còn tự hào coi đó là nuôi con mát tay. Các bậc phụ huynh không hiểu được điều này có thể sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của các em trong những giai đoạn sau”.
Cần có quy định dán nhãn cảnh báo sức khỏe
Ông Trần Đăng Khoa thừa nhận, hiện Việt Nam chưa có quy định và chế tài về việc dán nhãn dinh dưỡng đối với thực phẩm chế biến sẵn để lựa chọn thực phẩm có lợi cho sức khỏe.
“Chúng ta chưa có các chính sách, quy định kiểm soát, hạn chế tiêu thụ chất béo bão hòa, chất béo chuyển hóa, nước ngọt có đường… Đặc biệt, còn thiếu các chính sách để hạn chế các hình thức trẻ em, học sinh tiếp cận với các thực phẩm không có lợi cho sức khỏe như quảng cáo, khuyến mại…”, ông Khoa nói.
Đưa ra giải pháp về chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ em dưới 6 tuổi, bà Nguyễn Thị Mai Thoa đề nghị: “Tăng cường thực thi và hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về thực phẩm và dinh dưỡng. Đưa chỉ tiêu suy dinh dưỡng thấp còi, thừa cân, béo phì của trẻ em dưới 5 tuổi là một trong các chỉ tiêu phát triển kinh tế – xã hội của quốc gia và địa phương”.
Qua khảo sát thực tế tại các tỉnh phía nam, ông Tạ Văn Hạ, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa – Giáo dục của Quốc hội, cho rằng từ trước đến nay, chúng ta quan tâm đến dinh dưỡng thể thấp còi, bây giờ dinh dưỡng cho trẻ em thể béo phì cần phải nghiên cứu khảo sát.
Song song với việc tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân lựa chọn các sản phẩm, một số đại biểu cho rằng cần phải có quy định bắt buộc ghi thành phần dinh dưỡng, hướng tới dán nhãn cảnh báo sức khỏe như: cảnh báo sản phẩm quá nhiều muối, nhiều đường, nhiều chất béo chuyển hóa… để người dân có thể chủ động lựa chọn sản phẩm. Đặc biệt, phải đánh thuế cao các sản phẩm không có lợi cho sức khỏe của người tiêu dùng.
Đồng tình với ý kiến trên, đại diện UNICEF cho rằng, để giảm tỷ lệ trẻ em béo phì cần quan tâm thực phẩm bán sẵn có thể làm trẻ béo phì. Những người chăm sóc trẻ phải quan tâm đến điều này, Chính phủ cần có các chương trình truyền thông, trong đó những người chăm sóc trẻ cần phải được truyền thông đầu tiên.
Đưa ra khuyến nghị cho Việt Nam, bà Lesley Miller, Phó trưởng đại diện UNICEF tại Việt Nam, cho rằng Việt Nam cần rà soát việc thực hiện Đề án quốc gia về phát triển trẻ thơ toàn diện và thực hiện các điều chỉnh cần thiết để đạt được các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra tới năm 2025, chuẩn bị cho giai đoạn sắp tới 2026 – 2030 phù hợp với chương trình nghị sự phát triển bền vững của Việt Nam.
Mặt khác, Việt Nam cần cải thiện hệ thống dữ liệu với các chỉ số thiết yếu về sự phát triển của trẻ nhỏ để theo dõi tiến trình và cung cấp thông tin cho việc hoạch định và thực hiện chính sách; tăng cường cơ cấu điều phối ở tất cả các cấp để cải thiện sự tích hợp các dịch vụ.