Các công trình của tổ chức, cá nhân nằm trong đất rừng
Theo tài liệu phóng viên thu thập được, giai đoạn trước năm 1993, huyện Sóc Sơn chỉ có 234ha rừng thông và bạch đàn, còn lại là đất trống, đồi núi trọc để hoang hóa. Thực hiện các chương trình trồng rừng phủ xanh đất trống, đồi núi trọc (PAM từ năm 1989, Chương trình 327 năm 1992), diện tích rừng của huyện Sóc Sơn đã được tăng lên đáng kể.
Ngày 29/5/2008, UBND TP Hà Nội ban hành Quyết định số 2100/QĐ-UB về điều chỉnh Quy hoạch rừng phòng hộ, đặc dụng huyện Sóc Sơn thành rừng phòng hộ bảo vệ môi trường. Theo đó, Hà Nội quy hoạch toàn bộ 4.557ha đất thành rừng phòng hộ bảo vệ môi trường.
Tuy nhiên, tại Quyết định số 2346/QĐ-UBND ngày 20/4/2023 của UBND TP về việc công bố hiện trạng rừng trên địa bàn Hà Nội năm 2022 thì tổng diện tích có rừng của huyện Sóc Sơn là 3.266,12ha; còn lại là đất khác như: đất quốc phòng, an ninh, đất được Nhà nước giao cho các tổ chức thuê, đất tôn giáo tín ngưỡng, đường giao thông, đất ở và đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân (có trong bản đồ đất khu dân cư tỷ lệ 1/1000 đo đạc năm 1993).
Đáng chú ý, trong những diện tích rừng trên địa bàn huyện Sóc Sơn, có bao gồm quy hoạch các khu chức năng phát triển rừng kết hợp với du lịch, dịch vụ và nghỉ ngơi cuối tuần. Tổng diện tích được quy hoạch để phục vụ phát triển các khu chức năng là 968,1ha.
Trong số này có nhiều dự án lớn như: Khu du lịch văn hóa kết hợp với nghỉ dưỡng cuối tuần Đền Sóc; Khu vui chơi, giải trí, du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng cuối tuần hồ Đồng Đò (xã Minh Trí); Làng sinh thái, du lịch và nghỉ dưỡng cuối tuần thuộc xã Minh Phú; Khu du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng cuối tuần hồ Hoa Sơn – hồ Hàm Lợn (xã Nam Sơn); Trung tâm cứu hộ động vật hoang dã Hà Nội (xã Tiên Dược)…
Quyền Trưởng phòng TN&MT huyện Sóc Sơn Nguyễn Văn Toàn cho biết, thực tế, Quy hoạch rừng năm 2008 huyện Sóc Sơn còn trùng, lấn diện tích đất của nhiều đơn vị quốc phòng, an ninh; Công trình dự án được Nhà nước giao đất, cho thuê đất; đất của hộ gia đình cá nhân (có trong bản đồ đất khu dân cư tỷ lệ 1/1000 đo đạc năm 1993). Thậm chí, có nhiều xã như xã Minh Trí, cả thôn Minh Tân vẫn đang nằm trong rừng. Diện tích đất rừng chồng lấn trên toàn huyện là 1.300 ha. Toàn bộ diện tích rừng chưa được cắm mốc, đo đạc địa chính, chưa được cập nhật bản đồ số hóa. Vì vậy, công tác quản lý đất đai rất bất cập.
Trên cơ sở rà soát hiện trạng rừng, UBND huyện Sóc Sơn đã có báo cáo UBND TP cho phép điều chỉnh quy hoạch rừng. TP. Hà Nội cũng đã ban hành kế hoạch 57/KH-UBND ngày 18/2/2022 về việc thực hiện Chiến lược phát triển lâm nghiệp trên địa bàn Hà Nội giai đoạn 2022 – 2025 và những năm tiếp theo. Trong đó, tập trung công tác đo đạc, cắm mốc ranh giới rừng, xây dựng bản đồ số hóa để quản lý đất rừng. Đối với khu vực chồng lấn thì đề xuất để điều chỉnh ra khỏi bản đồ quy hoạch rừng 2008.
Bà Nguyễn Hương Giang – Phó Giám đốc Ban Quản lý (BQL) dự án đầu tư xây dựng huyện Sóc Sơn, Hà Nội, cho biết, sau khi TP. Hà Nội ban hành KH 57/KH – UBND, huyện đã giao cho BQL làm chủ đầu tư dự án điều tra, rà soát hiện trạng rừng và đất nông nghiệp trên địa bàn. BQL đã triển khai đấu thầu, nội nghiệp, ngoại nghiệp và bay thực trạng để thực hiện. Với mục đích đưa ra là điều tra khảo sát toàn bộ hiện trạng rừng Sóc Sơn và điều tra hiện trạng bất cập rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn. Sau đó, có phương án đề xuất giải pháp và hướng xử lý đối với diện tích chồng lấn.
“Hiện tại, chúng tôi đã làm việc với 11 xã có rừng. Đơn vị tư vấn đã tập hợp hồ sơ liên quan, tổ chức bay nội nghiệp, dự kiến sẽ kết thúc 30/9. Sau đó, đơn vị tư vấn sẽ báo cáo huyện về hiện trạng. Huyện sẽ có văn bản tổng hợp trình các cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt và cập nhật vào quy hoạch chung của TP.”- bà Giang cho biết.