Chỉ rộng hơn 20 m, quốc lộ 1 qua huyện Bình Chánh như “nút thắt cổ chai” nhiều năm qua, khiến cửa ngõ phía Tây TP HCM thường xuyên ùn tắc, nhất là dịp lễ, tết.
Chiều 17/8, tài xế Văn Chiến lái xe tải chở hàng đông lạnh loại 6 tấn nhích từng chút giữa dòng ôtô nối dài trên quốc lộ 1, đoạn với đường Đoàn Nguyễn Tuấn, huyện Bình Chánh. Dù không phải giờ cao điểm, xe vẫn dày đặc, chậm chạp di chuyển trên ba làn đường mỗi hướng. Một số ôtô lấn sát lề đường để thoát ùn ứ hoặc rẽ vào các cửa hàng ven đường, làm hàng trăm xe máy phải luồn lách, bóp còi inh ỏi.
Cách đó hơn ba km, đoạn quốc lộ 1 gần cầu Bình Điền cũng trong tình trạng căng thẳng khi xe từ đường Nguyễn Hữu Trí, Hoàng Đạo Thuý liên tục dồn đến. Đây là nút giao lớn nên CSGT, thanh niên xung phong chốt trực điều tiết mỗi ngày. Tuy vậy, ùn ứ vẫn thường xảy ra, nhất là giờ cao điểm vì lượng ôtô tải, container, xe khách quá đông.
“Kẹt xe nhưng vẫn phải đi mỗi ngày vì không còn lựa chọn, bởi về miền Tây chỉ còn hướng khác là quốc lộ 50 nhưng tuyến này cũng đã quá tải”, tài xế Chiến nói và cho biết nhiều hôm hành trình hơn 10 km từ quận Bình Tân đến cao tốc TP HCM – Trung Lương mất cả giờ dù đoạn quốc lộ 1 này cho ôtô chạy 60 km/h.
Quốc lộ 1 qua Bình Chánh dài gần 10 km, từ An Lạc đến giáp ranh tỉnh Long An. Đây là cửa ngõ chính từ thành phố về Đồng bằng sông Cửu Long, đồng thời là đoạn liên kết nhiều trục đường lớn như đại lộ Võ Văn Kiệt, Nguyễn Văn Linh, cao tốc TP HCM – Trung Lương, cũng là tuyến dẫn vào bến xe Miền Tây. Ngoài tình trạng ùn tắc do mặt đường hẹp, chỉ có 6 làn xe, khu vực này cũng tiềm ẩn nguy cơ tai nạn vì đây là đoạn quốc lộ 1 duy nhất ở thành phố chưa thể làm dải phân cách ngăn làn ôtô và xe máy.
Cách đây hơn 10 năm, TP HCM đã tính mở rộng đoạn đường trên nhưng chưa thể làm vì thiếu vốn. Năm 2012, ngành giao thông thành phố đề xuất nâng cấp trước đoạn 2,5 km, từ Tân Kiên đến nút giao Bình Thuận để tháo dần điểm nghẽn cho khu vực sau khi cao tốc TP HCM – Trung Lương khai thác, xe tăng cao. Tuy vậy, kế hoạch này cũng chưa thực hiện được.
Ba năm sau, Công ty cổ phần Đầu tư phát triển hạ tầng (IDICO) – nhà đầu tư dự án BOT An Sương – An Lạc, đề xuất bổ sung vào hợp đồng hạng mục nâng cấp, mở rộng quốc lộ 1 qua Bình Chánh. Đoạn đường này khi đó dự tính được mở rộng lên 35 m, tổng mức đầu tư gần 1.900 tỷ đồng, bao gồm giải phóng mặt bằng. Nhưng do vướng quy định không được áp dụng hình thức BOT trên đường hiện hữu nên dự án lại bế tắc.
Trong bối cảnh quốc lộ chưa thể mở rộng, năm 2016, thành phố triển khai dự án đường nối từ đại lộ Võ Văn Kiệt qua cao tốc TP HCM – Trung Lương theo hình thức BOT (xây dựng – kinh doanh – chuyển giao), tổng vốn hơn 1.550 tỷ đồng. Công trình dài 2,7 km giúp xe thuận tiện qua lại giữa hai trục đường, thay vì phải vòng xuống quốc lộ 1. Tuy nhiên, khi mới thi công được 12%, dự án phải dừng do nhà đầu tư là Công ty Yên Khánh không đủ năng lực, liên quan hàng loạt sai phạm. Đến nay, công trình vẫn “bất động”, đang chờ chấm dứt hợp đồng BOT.
Tuyến đường nối dang dở nên hiện toàn bộ ôtô từ đại lộ Võ Văn Kiệt khi qua cao tốc TP HCM – Trung Lương và ngược lại phải qua quốc lộ 1, khiến áp lực giao thông ở khu vực này ngày càng lớn. Vào các dịp lễ, tết, ùn tắc ở đoạn đường này càng nghiêm trọng khi hàng vạn người cùng đổ về các tỉnh miền Tây, rồi quay lại TP HCM sau kỳ nghỉ.
Trước yêu cầu cấp bách, Sở Giao thông Vận tải TP HCM đề xuất mở rộng 10 km quốc lộ 1 từ An Lạc đến giáp Long An (cùng với 4 dự án khác) theo hình thức BOT, sau khi Nghị quyết 98 cho thành phố áp dụng loại hợp đồng này trên các tuyến đường hiện hữu. Theo đó, đoạn này sẽ được mở rộng lên 52 m, kinh phí dự kiến gần 12.900 tỷ đồng, trong đó giải phóng mặt bằng khoảng 7.700 tỷ. Ngân sách sẽ góp 50%, còn lại do nhà đầu tư huy động.
Ủng hộ phương án trên, TS Chu Công Minh (Đại học Bách Khoa TP HCM), cho rằng các dự án cần nguồn vốn rất lớn nên không thể trông chờ vào đầu tư công. Do vậy, cơ chế đặc thù trong Nghị quyết 98 mở ra cơ hội lớn cho thành phố thu hút nguồn lực, sớm đầu tư hoàn thiện các công trình quan trọng chậm trễ nhiều năm như quốc lộ 1, 13… “Càng chậm trễ kinh phí đầu tư càng lớn, chưa tính thiệt hại xã hội vì ùn tắc gây ra”, ông nói.
Cũng theo ông Minh, việc áp dụng hình thức BOT mở rộng trục đường chính, cửa ngõ, quốc lộ ngoài giúp huy động vốn sẽ đẩy nhanh tiến độ dự án so với đầu tư công. Bởi doanh nghiệp khi bỏ tiền đầu tư sẽ chủ động hơn trong lập kế hoạch, kiểm soát rủi ro, sớm hoàn thành nhằm thu hồi vốn. Tuy nhiên, ông cho rằng giải pháp căn cơ thành phố nên đẩy nhanh khép kín Vành đai 2 để hạn chế xe qua nội đô.
Chủ tịch Hiệp hội vận tải hàng hoá TP HCM Bùi Văn Quản, cũng cho rằng quốc lộ 1 ở cửa ngõ phía Tây thành phố là điểm nghẽn nhiều năm qua, ảnh hưởng rất lớn nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hoá của doanh nghiệp vận tải. “Kẹt xe đồng nghĩa với kẹt hàng nên thay vì có thể chạy 3-4 chuyến mỗi ngày thì chỉ được một. Điều này không chỉ ảnh hưởng kinh doanh mà còn phát sinh nhiều chi phí khác, làm đội chi phí vận tải, hàng hoá”, ông nói.
Trước kế hoạch mở rộng đoạn quốc lộ 1 theo hình thức BOT, ông Quản cho rằng đây biện pháp tạm thời và quá trình thực hiện cần có hợp đồng chặt chẽ nhằm đảm bảo hài hoà lợi ích giữa người dân và doanh nghiệp. Về lâu dài, ông cũng kiến nghị thành phố tính tới việc khai thác giá trị đất tăng lên sau khi đầu tư hạ tầng, tức là những người hưởng lợi lớn phải có trách nhiệm chi trả cho dự án.
Gia Minh