Để triển khai Dự án 6 “Về bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025, công tác tuyên truyền được huyện Cư Jút chú trọng và tổ chức thực hiện bằng nhiều hình thức. UBND huyện đã thành lập Ban chỉ đạo để kịp thời trao đổi, nắm bắt, tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện.
Trong năm 2022, từ nguồn kinh phí hơn 1,2 tỷ đồng được phân bổ (trong đó địa phương đối ứng 351 triệu đồng), huyện Cư Jút đã hỗ trợ xây dựng điểm đến du lịch tiêu biểu vùng đồng bào dân tộc thiểu số buôn Nui, xã Tâm Thắng – nơi gắn với điểm du lịch Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông. Địa phương đã hỗ trợ bảo tồn văn hóa đàn tính, hát then của dân tộc Tày, Nùng tại 4 xã: Nam Dong, Đắk D’rông, Cư K’nia, Ea Pô.
Năm 2023, từ nguồn kinh phí hơn 700 triệu đồng được phân bổ, Cư Jút đầu tư điểm đến du lịch thôn Phú Sơn, xã Ea Pô và công trình buôn văn hóa truyền thống gắn với điểm đến du lịch buôn Buôr, xã Tâm thắng. Hiện nay, 2 xã đang xây dựng kế hoạch thực hiện.
Theo ông Vũ Văn Bính, Phó Chủ tịch UBND huyện Cư Jút, Dự án 6 đã tạo thêm nguồn lực để địa phương đẩy mạnh các giải pháp bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số.
Tại buổi giám sát việc triển khai thực hiện Dự án 6 ở huyện Cư Jút, đồng chí Hà Thị Hạnh, UVTV Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân tộc HĐND tỉnh Đắk Nông cho rằng, huyện Cư Jút có 50% số dân là dân tộc thiểu số, nên việc gìn giữ văn hóa truyền thống trong giai đoạn hiện nay rất quan trọng.
Trên cơ sở kết quả bước đầu thực hiện dự án, huyện Cư Jút tiếp tục đẩy mạnh và đa dạng hóa hơn nữa công tác tuyên truyền, để người dân hiểu được tầm quan trọng của Dự án 6 đối với bảo tồn, gìn giữ các giá trị truyền thống dân tộc thiểu số nói riêng và các chương trình mục tiêu quốc gia nói chung. Việc triển khai Dự án 6 là nhiệm vụ chính trị quan trọng nên địa phương cần huy động mọi nguồn lực, nhân lực để thực hiện hiệu quả.