Tác phẩm của họa sĩ người Pháp Jean-Louis Paguenaud (1876-1952) gây chú ý ở triển lãm Mộng Viễn Đông, khai mạc chiều 14.8. Tranh dài 513 cm, rộng 212 cm, là tác phẩm lớn nhất của một họa sĩ thời Đông Dương từng được trưng bày.
Bức “Vịnh Hạ Long” (sơn dầu, năm 1934) của Jean-Louis Paguenaud là điểm nhấn của triển lãm “Mộng Viễn Đông”
Ngắm bức tranh tại triển lãm, nhà nghiên cứu Ngô Kim Khôi – chuyên về mỹ thuật Đông Dương – đánh giá tác phẩm là kiệt tác thú vị với gam màu rực rỡ, thể hiện cảm quan của một họa sĩ châu Âu lần đầu đến một đất nước nhiệt đới. Tranh tiêu biểu cho phong cách exoticism (hương xa) – chỉ nguồn cảm hứng nghệ thuật được gợi từ những vùng đất xa lạ, mới mẻ.
Ông Ace Lê – giám tuyển sự kiện – cho biết việc trưng bày bức tranh này là thử thách lớn với Sotheby’s, nhà tổ chức triển lãm. Tranh thuộc bộ sưu tập cá nhân của một người ở Hà Nội, từng xảy ra hiện tượng chùng toan, bị mai một do thời tiết. Khi mượn tranh, các chuyên gia chỉ có 12 ngày để vận chuyển, phục chế lại tình trạng tốt nhất trước khi giới thiệu với công chúng.
Công đoạn hạ và bọc tranh mất bốn ngày do tác phẩm nặng 160 kg. Êkíp huy động một nhóm art-handling (các chuyên gia hậu cần tranh) gồm 15 người để dọn đồ, dựng dàn giáo. Đến bước vận chuyển tranh vào TP Hồ Chí Minh, do tư gia nhà sưu tập nằm trong một con ngõ, đội ngũ phải tính toán để mang tranh ra mặt đường lớn với độ rung lắc ít nhất, sau đó gói giấy bong bóng, chuyển bằng xe container suốt ba ngày vào Nam.
Bước cuối – phục chế và căng toan – là công đoạn khó nhất, do trong nước còn thiếu chuyên gia. Hiền Nguyễn – người chuyên học phục chế và thực hành ở Pháp 17 năm – nghiên cứu thực hiện với nhóm 20 người. Theo Ace Lê, Jean-Louis Paguenaud có kỹ năng vẽ xuất sắc, mặt tranh vẫn còn tốt đến 90%, êkíp chỉ mất hai ngày rưỡi để phục chế những xây xát nhỏ. Họ cũng tính toán lắp đặt vách tường đủ chắc để treo tranh suốt bốn ngày tại địa điểm triển lãm.
Bức “Rặng Ba Vì nhìn từ ruộng Sơn Tây”, Joseph Inguimerty (1896-1971) vẽ năm 1932-1933
Phòng thứ hai trưng bày tác phẩm của các “họa sĩ hải quân” đến Việt Nam cuối thế kỷ 19 – đầu thế kỷ 20, đặt nền móng cho mỹ thuật Đông Dương sau đó. Phòng thứ ba là tranh của các “họa sĩ du hành” – những người đến Việt Nam theo diện học bổng, di cư gia đình, thể hiện cuộc viễn du nghệ thuật của hội họa phương Tây.
56 tác phẩm được ban tổ chức mượn từ 25 nhà sưu tập Việt đang sinh sống trong và ngoài nước. So với Hồn xưa bến lạ – Sotheby’s từng mở ở TP Hồ Chí Minh năm 2022 về bốn danh họa Việt, các tranh trong triển lãm lần này dễ xác minh về lai lịch hơn, do đa số họa sĩ Pháp đều còn người thân sinh sống. Loạt tranh được giới thiệu với mục đích phi thương mại, chủ yếu tập trung vào giá trị văn hóa, lịch sử để khán giả Việt có dịp tìm hiểu, tiếp cận.
Bức “Ngược dòng kênh Tàu Hủ” của Adolt Obst (1869-1945)
Sotheby’s là một trong những nhà đấu giá tranh và đồ cổ lớn nhất thế giới, có mặt ở 40 quốc gia và vùng lãnh thổ. Năm 2021, doanh thu của Sotheby’s là 5 tỷ USD riêng ở mảng tranh. Ace Lê là một nhà nghiên cứu, giám tuyển nghệ thuật độc lập. Anh hiện là cố vấn của Kho dữ liệu Nghệ thuật Việt Nam (ViAA), thành viên chương trình Lãnh đạo Nghệ thuật Quốc tế 2022 của Hội đồng Nghệ thuật Australia. Anh tốt nghiệp thạc sĩ về Nghiên cứu Bảo tàng và Thực hành Giám tuyển tại Nanyang Technological University, Singapore.
Theo VnExpress