Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 của Việt Nam đã đề ra nhiều mục tiêu cụ thể như xanh hóa lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững; xanh hóa các ngành kinh tế… Tuy nhiên để các chính sách khả thi và phát huy hiệu quả trong thực tế, việc triển khai cần có những bước đi cụ thể, vừa sức.
70% doanh nghiệp chưa hiểu rõ kinh tế xanh
Là lực lượng trực tiếp tham gia vào quá trình sản xuất, thúc đẩy phát triển kinh tế, các doanh nghiệp có vai trò quan trọng trong tăng trưởng xanh. Tuy nhiên thách thức đối với nhiều doanh nghiệp trong thực hiện kinh tế tuần hoàn, phát triển xanh hiện nay là chưa am hiểu nhiều về tiêu chuẩn môi trường, trách nhiệm xã hội.
Theo kết quả một khảo sát do Cục phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện được chia sẻ tại tọa đàm “Phát triển xanh – Cách tiếp cận cho các thương hiệu Việt” diễn ra vào trung tuần tháng 8/2023, có đến 70% doanh nghiệp được khảo sát chưa hiểu rõ thế nào là kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn cũng như lợi ích mang lại từ hoạt động trên.
Doanh nghiệp cũng gặp khó khăn do hạn chế về nguồn lực đổi mới công nghệ. Kinh tế xanh hướng đến sử dụng năng lượng tái tạo, các bon thấp, đầu tư khôi phục hệ sinh thái, giải quyết sinh kế gắn với phục hồi môi trường nên công nghệ tiên tiến là một trong những điều kiện tiên quyết. Tuy nhiên, công nghệ sản xuất ở Việt Nam hiện nay so với thế giới phần lớn là công nghệ cũ, tiêu hao năng lượng lớn, xử lý chất thải kém dẫn đến hiệu quả sản xuất thấp, phát sinh lượng lớn chất thải gây ô nhiễm và gia tăng phát thải khí nhà kính. Các ngành sản xuất năng lượng sạch, như: năng lượng hạt nhân, gió, mặt trời, sinh khối, địa nhiệt… chưa phát triển đủ mạnh để đáp ứng được nhu cầu năng lượng quốc gia.
Theo khảo sát của Cục phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hầu hết doanh nghiệp tiên phong đi đầu trong sản xuất xanh đều là các doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp đại chúng, doanh nghiệp có tiềm lực và có sản phẩm xuất khẩu. Các doanh nghiệp nhỏ và vừa chủ yếu dừng lại ở mức độ cân nhắc chứ chưa có bước triển khai toàn diện hoặc có tính đầu tư lớn.
Bắt đầu từ hành động nhỏ…
Để phát huy hiệu quả các chính sách trên thực tế, nhiều ý kiến cho rằng doanh nghiệp cần tư duy đúng về tăng trưởng xanh và triển khai từng bước phù hợp khả năng của mình. “Doanh nghiệp phát triển xanh chưa cần phải nghĩ đến những điều vĩ mô với sự đầu tư lớn. Nhiều hành động dù nhỏ nhưng vẫn đi theo tiêu chuẩn của phát triển bền vững như tiết kiệm năng lượng, sử dụng sản phẩm tái chế, giảm thiểu chất thải… giúp doanh nghiệp từng bước đi trên con đường phát triển bền vững. Ví dụ, một quán ăn nhỏ lấy đồ ăn vừa đủ cho khách, không để thừa, đấy cũng là phát triển xanh thông qua chống lãng phí và giảm thiểu rác thải”, ông Lại Tiến Mạnh, Giám đốc Điều hành Công ty CP Mibrand Việt Nam nói.
Nhiều ý kiến chuyên gia cũng cho rằng, người tiêu dùng Việt Nam ngày càng quan tâm đến môi trường sống xanh và có xu hướng lựa chọn sản phẩm của các thương hiệu có chiến lược phát triển bền vững, hài hòa giữa lợi ích kinh doanh và đóng góp làm cho cộng đồng trở nên tốt đẹp hơn.
Thực tế, nhiều doanh nghiệp lớn trong nước, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài khi kinh doanh tại Việt Nam đã lấy chiến lược kinh doanh xanh làm nền tảng phát triển và tạo vị thế cạnh tranh của mình. AEON Việt Nam từ khi khai trương trung tâm bách hóa tổng hợp và siêu thị đầu tiên tại Việt Nam năm 2014 đã sử dụng túi phân hủy sinh học (PHSH) để bao gói hàng hóa trên toàn hệ thống của AEON Việt Nam. Năm 2019, nhà bán lẻ này triển khai dự án giảm thiểu rác thải nhựa dùng 1 lần, tập trung vào các sáng kiến hỗ trợ khách hàng và nhân viên đưa ra quyết định tiêu dùng bền vững, từng bước thiết lập thói quen mang túi riêng khi mua sắm.
Lotte Mart tổ chức hẳn khu vực riêng cho các sản phẩm thân thiện môi trường như túi, dao thìa nĩa sinh học phân hủy hoàn toàn, ống hút tinh bột, ống hút tre và đặt mục tiêu trở thành siêu thị đầu tiên tại Việt Nam không sử dụng túi nilon vào năm 2025. Hệ thống siêu thị của Saigon Co.op thường xuyên kết hợp với các nhà sản xuất triển khai các chương trình ưu đãi đối với các sản phẩm thân thiện với môi trường để kích cầu tiêu dùng, giúp lối tiêu dùng xanh được phổ biến đến nhiều gia đình…
Các doanh nghiệp cũng cần tiếp cận theo hướng đổi mới sáng tạo, dịch vụ xanh. Đồng thời, phải khẳng định được với cộng đồng xã hội, cơ quan quản lý về kết quả của doanh nghiệp trong thực hiện phát triển xanh cũng như phải kiên định mục tiêu phát triển xanh của mình. Bởi phát triển xanh là sự đầu tư đòi hỏi phải đi một chặng đường dài mới cho kết quả rõ nét.
Thùy Dương