LCĐT – Năm 2023, huyện Văn Bàn đặt kỳ vọng hoàn thành và đưa vào khai thác nhiều công trình hạ tầng giao thông kết nối quan trọng, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội địa phương. Tuy nhiên, một số dự án đang chậm tiến độ hoặc chưa thể khởi công do vướng giải phóng mặt bằng.
Gói thầu XL01 – 1 trong 3 gói thầu (XL01, XL02, XL03) thuộc tuyến nối Lai Châu với đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai đi qua địa phận huyện Văn Bàn chính thức phát lệnh triển khai thi công từ tháng 9/2022, tuy nhiên sau hơn nửa năm, tiến độ vẫn rất ì ạch. Đại diện Ban Quản lý Dự án 2 (Bộ Giao thông vận tải) cho biết, do mặt bằng được bàn giao “xôi đỗ” nên nhà thầu không thể huy động tổng lực phương tiện, máy móc vào thi công.
Theo báo cáo của UBND huyện Văn Bàn, Dự án kết nối giao thông các tỉnh miền núi phía Bắc, đoạn qua địa phận huyện Văn Bàn phải thu hồi, giải phóng mặt bằng hơn 128 ha đất, gồm 60,7 ha liên quan đến đất rừng và gần 69 ha đất khác; có 1.731 hộ/tổ chức bị ảnh hưởng.
Đến nay, UBND huyện Văn Bàn đã niêm yết phương án đối với 1.054/1.731 hộ/tổ chức; ban hành quyết định thu hồi 8,368 ha của 480/1.054 hộ và phê duyệt, chi trả 26,91 tỷ đồng. Đến ngày 25/2/2023, UBND huyện đã thu hồi và phê duyệt cho 390 hộ, còn 184 hộ đang có ý kiến về đơn giá bồi thường nên phải tổ chức đối thoại. Huyện Văn Bàn đã bàn giao cho Ban Quản lý Dự án 2 được 12,6/63,4 km (đạt 19,93%) đủ điều kiện để thi công.
Khó khăn lớn nhất hiện nay là dự án chưa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng hơn 32,46 ha rừng. Trên toàn tuyến có 240 hộ/tổ chức liên quan đến đất rừng, trong đó 68 hộ/tổ chức là đất có rừng; 69 hộ được Nhà nước giao đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là đất rừng phòng hộ. Cụ thể, gói thầu XL01 có khoảng 14/18,5 km dọc tuyến bị ảnh hưởng; gói thầu XL02 có khoảng 8,6/21,5 km dọc tuyến bị ảnh hưởng; gói thầu XL03 có khoảng 14/23,4 km dọc tuyến bị ảnh hưởng.
Đối với đất rừng phòng hộ, 69 hộ, cá nhân được Nhà nước giao đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là đất rừng phòng hộ từ năm 2004 đến năm 2007, tuy nhiên đến nay các vị trí này đã được quy hoạch là đất rừng sản xuất hoặc đưa ra khỏi quy hoạch 3 loại rừng (32,46 ha) theo Quyết định số 2916 ngày 25/11/2022 và Quyết định số 3145 ngày 16/12/2022 của UBND tỉnh về việc điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng giai đoạn 2016 – 2025.
Dự án nâng cấp đường thị trấn Khánh Yên đi các xã Khánh Yên Thượng, Khánh Yên Trung, Khánh Yên Hạ, Liêm Phú cũng đang chậm tiến độ so với yêu cầu vì phát sinh nhiều vướng mắc.
Tại xã Khánh Yên Thượng có 30 hộ, cá nhân bị ảnh hưởng. Trong quá trình tổ chức kiểm đếm có 8 hộ, cá nhân có tài sản trên đất thuộc hành lang an toàn giao thông. Theo ý kiến của chính quyền địa phương, toàn bộ diện tích hành lang các hộ đang sử dụng ổn định (hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất năm 1998). Tuy nhiên, do quá trình nâng cấp mở rộng Tỉnh lộ 151B, thời điểm đo đạc chuẩn hóa hồ sơ địa chính năm 2008 – 2009 không cấp phần diện tích hành lang cho các gia đình, dẫn đến khó khăn trong xác định diện tích thu hồi.
Tại xã Khánh Yên Trung có 236 hộ, cá nhân, tổ chức bị ảnh hưởng. Nhiều hộ phải thực hiện thông báo lại do các hộ mua bán, chuyển nhượng, chuyển mục đích sử dụng đất, điều chỉnh ranh giới, trích lục sai diện tích. Trong khi đó, tại xã Khánh Yên Hạ hiện còn 17/226 hộ chưa rà soát xong thông tin địa chính, 6 hộ chưa làm hồ sơ thừa kế nên chưa thể tiến hành các bước tiếp theo để thu hồi đất.
Ông Khuất Văn Chuyên, chỉ huy trưởng công trường cho biết: Do những vướng mắc trong giải phóng mặt bằng, nhà thầu phải chia thành từng đoạn để thi công chứ không thể thi công đồng loạt trên toàn tuyến. Có thời điểm, đơn vị phải tạm dừng thi công gần 3 tháng.
Ngoài 2 dự án trên, thời gian tới, trên địa bàn huyện Văn Bàn sẽ tiếp tục thực hiện cải tạo, nâng cấp các dự án giao thông quan trọng như Tỉnh lộ 151B đoạn Nậm Dạng – Hòa Mạc, đường kết nối Võ Lao – Cam Cọn (Bảo Yên), Tỉnh lộ 151C, đường Võ Lao – Nậm Mả… Tuy nhiên, những vướng mắc phát sinh trong giải phóng mặt bằng đang khiến chủ đầu tư và các nhà thầu gặp khó khăn để triển khai. Điều này không chỉ làm chậm tiến độ, không phát huy được hiệu quả dự án, mà còn ảnh hưởng đến mục tiêu phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn.
Trước những phát sinh trong giải phóng mặt bằng, trung tâm Phát triển Quỹ đất huyện Văn Bàn đã tham mưu cho UBND huyện kiến nghị UBND tỉnh có văn bản gửi Bộ Giao thông vận tải đề nghị Chính phủ chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng diện tích rừng dự án đường kết nối. Đối với các tuyến đường do UBND huyện làm chủ đầu tư, trung tâm đã phối hợp với các phòng, ban liên quan của huyện thực hiện kịp thời và triển khai giải quyết các vướng mắc về mặt bằng thuộc phạm vi dự án, làm tốt việc giải quyết kiến nghị và khiếu nại liên quan đến bồi thường, tái định cư theo quy định của pháp luật, đảm bảo quyền lợi cho người dân.