Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất sinh viên sư phạm sẽ không được hỗ trợ 3,63 triệu đồng sinh hoạt phí mỗi tháng nếu kết quả học tập yếu.
Bộ Giáo dục và Đào tạo giữa tháng 8 công bố dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của nghị định 116 năm 2020 về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm.
Sinh viên sư phạm vẫn được nhà nước hỗ trợ học phí cùng 3,63 triệu đồng sinh hoạt phí mỗi tháng, không quá 10 tháng một năm học. Tuy nhiên, từ năm thứ hai và các năm học tiếp theo, Bộ đề xuất không xét hỗ trợ sinh hoạt phí với sinh viên có điểm trung bình học tập hoặc điểm rèn luyện đạt loại yếu (dưới 2/4).
Trước đó, nghị định 116 không đưa ra yêu cầu về học lực hay điểm rèn luyện của sinh viên. Bộ Giáo dục và Đào tạo cho hay đề xuất này tạo động lực để sinh viên học tập, từ đó nâng cao chất lượng.
Theo nghị định 116, kinh phí hỗ trợ học phí, sinh hoạt phí cho sinh viên sư phạm lấy từ nguồn ngân sách hàng năm chi cho giáo dục, đào tạo của các địa phương, bộ, ngành, không phải do trường đại học chi trả.
Nghị định có hiệu lực từ năm học 2021-2022, được Bộ Giáo dục và Đào tạo đánh giá có tác động tích cực đến việc thu hút sinh viên giỏi theo ngành sư phạm. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng việc hỗ trợ 3,63 triệu đồng sinh hoạt phí mỗi tháng cho sinh viên là không hợp lý, chỉ giải quyết phần ngọn. Thay vào đó, bộ, ngành nên có chính sách tăng lương giáo viên để thu hút người tài. Hiện, lương giáo viên dao động 3,8-12,2 triệu đồng tùy cấp học và hạng giáo viên, chưa tính phụ cấp.
Việc hỗ trợ sinh hoạt phí cho sinh viên sư phạm cũng gặp nhiều vướng mắc. Năm ngoái, hàng nghìn sinh viên từ nhiều trường như Đại học Sài Gòn, Sư phạm TP HCM hay Đại học Thủ đô Hà Nội không nhận được sinh hoạt phí do các địa phương chưa giải ngân.
Trong khi đó, chính sách miễn học phí được thực hiện từ Luật giáo dục năm 1998, cũng nhằm thu hút sinh viên vào sư phạm. Tuy nhiên, nhiều sinh viên ra trường thất nghiệp hoặc làm trái ngành, gây lãng phí lớn, nhiều em vào sư phạm chỉ vì được miễn học phí chứ không yêu thích nghề. Vì vậy, từ cuối năm 2017, các chuyên gia đề nghị bỏ quy định này.
Luật Giáo dục 2019 và nghị định 116 sau đó quy định học sinh, sinh viên sư phạm được hỗ trợ học phí và chi phí sinh hoạt nhưng phải bồi hoàn nếu công tác trong ngành không đủ thời gian (6-8 năm), chuyển sang ngành khác, bỏ học, không hoàn thành chương trình hoặc bị buộc thôi học.
Bộ Giáo dục và Đào tạo cho hay lấy ý kiến về Dự thảo sửa đổi nghị định 116 đến hết ngày 14/10.