Bộ GD-ĐT vừa đưa ra dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 116/2020/NĐ-CP quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm.
Theo đó, Bộ GD-ĐT đã bổ sung điểm mới vào nội dung quy định mức hỗ trợ theo kết quả học tập để tạo động lực cho sinh viên sư phạm và nâng cao chất lượng.
Cụ thể, sinh viên sư phạm được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng học phí bằng mức thu học phí của cơ sở đào tạo giáo viên nơi theo học. Ngoài ra, sinh viên sư phạm được Nhà nước hỗ trợ 3,63 triệu đồng/tháng để chi trả chi phí sinh hoạt trong thời gian học tập tại trường.
Tuy nhiên, từ năm thứ 2 và các năm học tiếp theo, nếu sinh viên có điểm trung bình chung học tập đạt loại yếu hoặc điểm rèn luyện đạt loại yếu thì sẽ không được xét hỗ trợ để chi trả chi phí sinh hoạt phí. Cơ sở đào tạo giáo viên thực hiện việc xét hỗ trợ sinh hoạt phí cho sinh viên sư phạm theo năm học.
Bên cạnh đó, Bộ GD-ĐT cũng sửa đổi bổ sung những nội dung liên quan đến cơ chế thực hiện chính sách hỗ trợ cho sinh viên sư phạm, việc xây dựng dự toán và bố trí kinh phí, việc bồi hoàn kinh phí hỗ trợ và trách nhiệm của các đơn vị liên quan.
Chia sẻ về vấn đề này, tiến sĩ Trần Hữu Duy, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Đà Lạt, nhận định: “Đề xuất sinh viên học tập yếu không được hỗ trợ 3,63 triệu đồng/tháng của Bộ GD-ĐT là hợp lý nhằm tạo động lực học cho sinh viên sư phạm. Tuy nhiên, trên thực tế do đầu vào của sinh viên sư phạm khá cao nên kết quả học tập, rèn luyện của các em nhìn chung rất tốt. Số lượng sinh viên đạt điểm dưới trung bình rất thấp, không đáng kể”.
Tiến sĩ Duy cho rằng, việc miễn giảm học phí cho sinh viên sư phạm là chính sách cần thiết nhưng hỗ trợ sinh hoạt phí hàng tháng thì có sự bất hợp lý.
“Sinh viên sư phạm đang đi học mà được hỗ trợ 3,63 triệu đồng/tháng, trong khi giáo viên mới ra trường làm việc vất vả, với hệ số lương 2,34 trừ đi bảo hiểm xã hội thì lương thực nhận lại không cao hơn 3,63 triệu đồng/tháng. Đây là điều vô cùng bất hợp lý. Nên chăng nguồn kinh phí này bổ sung vào việc tăng lương cho giáo viên thì mới có thể thu hút được bạn trẻ theo học nghề giáo và hạn chế được việc giáo viên bỏ nghề vì lương thấp”, tiến sĩ Duy chia sẻ.