Viêm nang lông gây ngứa, đau và ảnh hưởng đến thẩm mỹ, xuất hiện chủ yếu ở lưng, mặt, da đầu, vùng kín.
BS.CKI Nguyễn Thị Kim Dung, chuyên khoa Da liễu – Thẩm mỹ Da, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết viêm nang lông là tình trạng nang lông nhiễm trùng do vi khuẩn, virus, nấm… Bệnh phổ biến vào mùa hè, khi thời tiết nóng ẩm, tuyến mồ hôi hoạt động mạnh. Tình trạng này gặp nhiều ở vùng có mật độ nang lông dày như lưng, cánh tay, đùi, da đầu, mặt, vùng kín, sau gáy, nách… Mỗi vị trí có triệu chứng, nguyên nhân nhiễm bệnh khác nhau.
Viêm nang lông trên mặt thường do mụn trứng cá bội nhiễm, vi trùng gram âm, nhiễm tụ cầu vàng. Da xuất hiện mụn đầu trắng, đầu đỏ hoặc đầu đen, ngứa, nổi mẩn đỏ, lông mọc ngược.
Viêm nang lông ở râu chủ yếu do vi nấm, tụ cầu, một số trường hợp do nhiễm virus herpes, ký sinh trùng demodex ở da gây thương tổn tương tự mụn trứng cá đỏ. Bệnh dai dẳng, hay tái phát, khó chữa, viêm nghiêm trọng khi nhiễm trùng lan sâu vào nang lông dẫn đến áp xe, nhọt.
Viêm nang vùng kín có thể do dị ứng với sản phẩm làm sạch, chăm sóc; mặc đồ lót ẩm hoặc quá chật; tẩy lông; vệ sinh không sạch sẽ; tuyến nang lông hoạt động mạnh. Viêm khó chịu, ngứa, đau rát.
Viêm nang ở lưng thường ngứa, nặng hơn tạo thành nhọt, khi chữa khỏi sẽ để lại sẹo, vết thâm. Viêm do nhiễm vi khuẩn, tụ cầu; vệ sinh cá nhân không sạch sẽ; dị ứng hoặc ma sát thường xuyên với áo có chất liệu thô cứng, thấm hút kém… Viêm nang cũng có thể gặp ở nách, chân do nhiễm trùng nấm sợi, nấm men..
Những yếu tố nguy cơ viêm nang lông như người có bệnh về da, dùng kem bôi steroid hoặc kháng sinh trị mụn trứng cá lâu tạo điều kiện cho các vi khuẩn kỵ khí phát triển, lông mọc ngược. Người mắc bệnh tự miễn làm giảm sức đề kháng, sống ở vùng khí hậu nóng ẩm, bị thương do tai nạn hoặc phẫu thuật… cũng thuộc nhóm nguy cơ.
Viêm nang lông không khó điều trị, tuy nhiên, người bệnh nên đến viện khám, chẩn đoán chính xác nguyên nhân. Tùy từng trường hợp, bác sĩ kê đơn thuốc bôi, thuốc uống nhằm giảm viêm đỏ, ức chế vi khuẩn, nấm phát triển. Điều trị bằng liệu pháp ánh sáng có thể được áp dụng cho viêm nang lông toàn thân.
Trường hợp có mụn nhọt lớn, bác sĩ sẽ chỉ định tiểu phẫu. Nếu các phương pháp trên không mang lại hiệu hiệu quả, bệnh tái phát thường xuyên, bác sĩ kết hợp thêm liệu trình triệt lông bằng ánh sáng xung cường độ cao IPL hoặc sử dụng bước sóng ngắn từ laser diode. Hai phương pháp này tác động sâu vào da, triệt tiêu chân lông, làm sạch vùng viêm nhiễm.
Bác sĩ Kim Dung lưu ý người bệnh không nên bỏ điều trị, khiến tình trạng dai dẳng, tái phát nhiều lần, biến chứng nghiêm trọng như áp xe, nhọt, viêm mô bào.
Người bệnh cần vệ sinh cơ thể sạch sẽ, chọn quần áo mềm, thấm hút tốt, không đội nón chật hoặc mặc quần áo bó sát. Không dùng chung vật dụng cá nhân, nhất là khăn tắm. Hạn chế cạo, tẩy lông tay, lông chân, lông vùng kín.
Tránh sử dụng sản phẩm chăm sóc da gây tiết nhiều dầu. Sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ da liễu – thẩm mỹ da. Người làm việc trong môi trường độc hại, thường xuyên tiếp xúc với chất hóa học, cần trang bị dụng cụ bảo hộ để bảo vệ da.
Nguyễn Vân
Độc giả có thắc mắc về bệnh da liễu, gửi câu hỏi tại đây để bác sĩ giải đáp.