Hà NộiKhám thai định kỳ ở tuần 20, người phụ nữ 29 tuổi bị cạn ối, bác sĩ phát hiện hệ tiết niệu của thai nhi không hoạt động do đột biến gene di truyền từ cha mẹ.
Ngày 17/8, bác sĩ Nguyễn Thị Sim, phụ trách đơn vị can thiệp bào thai, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, cho biết đây là lần đầu tiên bác sĩ Việt Nam xác định được gene hiếm gây bệnh loạn sản ống thận, mất chức năng thận ở thai nhi trong bụng mẹ.
Người mẹ có tiền sử thai lưu. Lần này sau khi phát hiện bị thiểu ối đã cố gắng tăng lượng nước ối như uống nhiều nước hơn, điều chỉnh chế độ ăn, tuy nhiên các biện pháp này không hiệu quả. Thai gần 22 tuần, bệnh nhân đến Đơn vị Can thiệp bào thai, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, khám không phát hiện bệnh lý nào, không rỉ ối, không ra máu âm đạo. Trên siêu âm, thai nhi có hai thận nhưng không thấy nước tiểu trong bàng quang, hết ối nên tử cung bó chặt thai.
“Chúng tôi tìm cách giải đáp câu hỏi ‘không thấy nước tiểu trong bàng quang thai nhi là hậu quả của việc lâu ngày không có nước để uống gây mất chức năng thận hay là bệnh thận trước đó gây cạn nước ối'”, bác sĩ Sim nói.
Thai phụ sau đó được bác sĩ chẩn đoán “thiểu ối nghi do bất thường thận ở thai nhi”. Các chuyên gia thận tiết niệu và di truyền hội chẩn liên viện, tiên lượng tình trạng thai nhi xấu vì nguy cơ thận mất chức năng, bất thường di truyền liên quan hệ tiết niệu của thai. Tuy nhiên, thai phụ không muốn đình chỉ thai nghén, xin về theo dõi thêm.
Hai tuần sau, thai nhi vẫn tăng trưởng, bệnh nhân đến khám lại, mong muốn tìm nguyên nhân khiến hệ tiết niệu của thai ngừng hoạt động, tìm cách để em bé tiếp tục phát triển trong bụng mẹ.
Các bác sĩ sau đó áp dụng phương pháp truyền dung dịch vào buồng ối, nhằm đánh giá đầy đủ các bất thường hình thái của thai nhi trên siêu âm khi có đủ nước ối. Đồng thời, cách này cũng để chẩn đoán các đột biến gene và nhiễm sắc thể liên quan thận tiết niệu của thai.
Khi có đủ các kết quả về di truyền phối hợp chẩn đoán hình ảnh, thai nhi được kết luận là mất chức năng hai thận bởi đột biến gene ACE đồng hợp tử di truyền từ bố mẹ. Biểu hiện trên lâm sàng là thai nhi không bài tiết được nước tiểu, tình trạng hết ối nhanh trở lại sau khi truyền dịch vào buồng ối.
“Về mặt y học, điều này có nghĩa cả bố và mẹ đều mang gene lặn di truyền cho con”, bác sĩ Sim nói, thêm rằng con sinh ra có 25% trẻ bị bệnh ở mức độ nặng.
Trường hợp này, em bé vẫn lớn, có tim thai, song hệ tiết niệu không hoạt động. Bác sĩ chẩn đoán những tháng tới, thai có thể bị lưu, trường hợp em bé chào đời cũng khó thể sống. Gia đình đã xin đình chỉ thai kỳ ở tuần thứ 28.
Theo bác sĩ Sim, khi hiểu được rõ nguyên nhân về đột biến di truyền gây tình trạng hết ối của thai nhi, gia đình được tư vấn kỹ các phương pháp sàng lọc, chẩn đoán trước sinh, tránh lặp lại tình trạng thai bất thường ở những thai kỳ tiếp theo.
Nước ối được tạo thành từ thai nhi, màng ối và máu mẹ. Song nguồn gốc nước ối quan trọng nhất là do đường tiết niệu. Sang tuần thai thứ 16, đường niệu của thai nhi trở thành nguồn sản xuất nước ối. Đó là lý do bác sĩ phải khảo sát hệ niệu thai khi người mẹ xuất hiện tình trạng thiểu ối.
Thiểu ối, hết ối là một tình trạng rất nghiêm trọng có thể dẫn đến thai lưu. Thiểu ối thường được gây ra bởi các rối loạn di truyền, chẳng hạn như rối loạn phát triển ống thận di truyền lặn trên nhiễm sắc thể thường (ARRTD). Với trường hợp của bệnh nhân này, thai nhi mang đột biến gene đồng hợp tử ACE – một nguyên nhân hiếm gặp của ARRTD.
Bác sĩ Sim cho rằng phát hiện đột biến gene lần này là một trong những thành tựu lớn của ngành y học bào thai. Trước đây, nhiều trường hợp cạn ối, thai lưu không rõ nguyên nhân, bác sĩ không giải thích được. Nay đã biết được nguyên nhân gây bệnh, từ đó có kế hoạch mang thai lần sau tránh mắc bệnh giống thai trước.
“Như vợ chồng này, hiện đã sàng lọc được 10 phôi khỏe mạnh, sắp tới có thể chuyển phôi để sinh con”, bác sĩ Sim nói.
Lê Nga