“Ngày đầu tiên đi học” luôn là một dấu mốc đặc biệt trong hành trình của mỗi trẻ. Nhiều người nghĩ chỉ cần giúp trẻ chống “sốc”, nhưng thực tế người cần chuẩn bị tâm lý cũng chính là các bậc phụ huynh.
KHÔNG ĐỘT NGỘT ĐƯA TRẺ TỚI MÔI TRƯỜNG LẠ
Các nhà quản lý giáo dục cho biết để hành trình con đến lớp học nhẹ nhàng, vui vẻ, gia đình và nhà trường đều nên có một “bước đệm” chuẩn bị. Sai lầm là không nói gì với trẻ, hoặc nói dối trẻ là “mẹ đi chợ”, “mẹ đi đây một lát, chút quay lại đón con”, và đột ngột đưa trẻ tới trường, để con ở lại trường cả ngày.
Cô Phạm Bảo Hạnh, Hiệu trưởng Trường mầm non Phú Mỹ, Q.7, TP.HCM, cho biết với trẻ lần đầu tiên đi học, tâm lý thông thường của nhiều cha mẹ là xót con, thấy con khóc nhiều là khóc theo, hay tiếp tục cho con ở nhà.
Ở Trường mầm non Phú Mỹ có phương pháp rất hay là từ khi có thông tin học sinh, nhà trường chia lớp xong, các cô giáo tạo nhóm với các phụ huynh, gửi hình ảnh cô giáo, các hình ảnh trong lớp để phụ huynh cho trẻ xem và hình dung ra lớp học. Trước khi đi học chính thức, trẻ có ngày đến lớp làm quen. Trước đó, từ các nhóm Zalo, trẻ đã biết mặt các cô và không gian lớp nên khi gặp cô, trẻ sẽ có cảm giác thân quen.
Đồng thời các giáo viên cũng sẽ trò chuyện với phụ huynh để các ba mẹ trò chuyện cùng con, động viên con đến lớp để vui chơi, học được nhiều điều hay, có nhiều bạn bè mới chứ không phải bỏ con vào một môi trường xa lạ. “Trẻ nhỏ rất sợ cảm giác bị bỏ rơi, không bao giờ nên đột ngột dắt trẻ vào lớp và tuyên bố là con đi học mà chưa chuẩn bị tâm lý cho trẻ, các con sẽ rất dễ bị sốc”, cô Hạnh khuyên.
TRÒ CHUYỆN CÙNG CON NHIỀU HƠN
Cô Lê Trúc Lan Vy, giáo viên Trường mầm non Bông Sen, Q.Tân Phú, TP.HCM, cho biết khi con sắp đi học trường mầm non thì việc đầu tiên là cha mẹ cần chuẩn bị tâm lý cho bản thân trước, hãy tin tưởng trường học và giáo viên. Nhiều phụ huynh xót con, thường ngày ở nhà chăm con rất kỹ nên hay có suy nghĩ sợ gửi con vào trường thì con không được chăm kỹ như ở nhà. Hoặc nhiều cha mẹ không tin tưởng các thầy cô giáo, sợ các cô không yêu thương con.
“Về phần trẻ nhỏ, những buổi đầu tiên đi học chắc chắn các con sẽ khóc, phụ huynh đừng quá lo. Trước khi đến lớp, ba mẹ nên trò chuyện với trẻ về những điều thú vị ở trường, như đến trường con sẽ được học vẽ tranh, học nặn tượng, học các kỹ năng tự phục vụ bản thân và các kỹ năng cần thiết khác. Bên cạnh đó, con được tham gia ngoại khóa, được vui chơi cùng bạn bè và các cô. Về nhà phụ huynh nên tâm sự thêm và động viên bé, dần dần các con sẽ vui vẻ và an tâm đến lớp học”, cô Lan Vy nói.
Cô Nguyễn Hồ Bảo Châu, giáo viên Trường mầm non Vàng Anh, Q.5, TP.HCM, cho hay trẻ mới lần đầu đến trường nên để bé học nửa ngày để dần dần làm quen với trường lớp, cô giáo, các bạn. Các cô giáo cũng tạo nhiều hoạt động cho trẻ được vui chơi ngoài trời, tham gia các hoạt động cùng bạn để các con thấy ở trường rất vui.
Lớp học luôn có nhóm Zalo để phụ huynh cùng nắm những hoạt động của con ở lớp. Về nhà, ba mẹ nên trò chuyện nhiều hơn cùng con, hỏi thăm về những hoạt động của con ở trường, bình tĩnh quan sát những tiến bộ của con mỗi ngày.
QUAN TÂM CON KHÔNG PHẢI LÀ XÉT NÉT, “CANH” CÔ GIÁO
Cô Nguyễn Huỳnh Hải Yến, phụ trách dự án Trường Nhà Hạnh Phúc của Self Hiil (Học viện thông minh nội tâm), cho rằng sự quan tâm của ba mẹ, đồng hành cùng con trong những ngày con mới đến trường, dù là con học mầm non hay tiểu học, đều cần thiết. Nhưng quan tâm, đồng hành tích cực không phải là xét nét, “canh me” camera, bắt lỗi cô giáo từng chút một.
“Tôi cũng là phụ huynh, từng rất lo lắng, sốt ruột, căng thẳng những ngày con mới đi học. Ba mẹ nhiều khi “sốc” nhiều hơn con. Để chống “sốc” cho cả phụ huynh thì các ba mẹ nên kết nối sâu với con, ngày ngày hỏi con cảm xúc thế nào. Nếu con lo lắng thì hỏi con lo lắng vì điều gì, con buồn vì điều gì, con vui vì sao, để con được tỏ lòng. Để con hòa nhập nhanh ở môi trường lớp học, ba mẹ cần trang bị cho con những kỹ năng như giới thiệu về bản thân, lắng nghe kiến tạo, bày tỏ ý kiến, bày tỏ khi cần sự giúp đỡ…”, cô Yến nói.
Theo cô Yến, những câu không nên nói với con là dọa nạt “đi học ghê lắm, không ngoan là bị cô đánh”, hoặc những câu “có gì đâu, đi học có gì mà lo”. Điều nên làm là lắng nghe, cho con bày tỏ những cảm nhận thật của mình, sau đó cùng con tìm hiểu nguyên nhân vì sao con lo lắng, vì sao con bất an… và tìm ra giải pháp, thúc đẩy khả năng nơi con, cùng con vượt qua những thử thách.
Cô Yến cho rằng cha mẹ không thể suốt đời bảo bọc con từng li từng tí, nên điều cần thiết và quan trọng nhất là đi cùng con một cách lâu dài, bền vững. Cha mẹ nên trao cho con khả năng vượt qua thử thách, để sau này dù khó khăn nào xảy ra, con cũng có thể bước qua.