Chiều 16/8, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phối hợp với Đại sứ quán Nam Phi tại Hà Nội tổ chức tọa đàm “Vai trò của phụ nữ Việt Nam và Nam Phi trong phát triển kinh tế đất nước: Xây dựng quan hệ đối tác hướng tới thịnh vượng chung”.
Tọa đàm nhằm tăng cường giao lưu và hợp tác giữa phụ nữ hai nước, góp phần thiết thực kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Nam Phi (22/12/1993 – 22/12/2023) và Ngày Phụ nữ Nam Phi.
Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Trần Lan Phương phát biểu khai mạc tọa đàm. (Ảnh: Hà Anh) |
Phát biểu khai mạc tọa đàm, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam Trần Lan Phương khẳng định, quan hệ hợp tác giữa hai nước không ngừng phát triển, với nhiều thành tựu đạt được trong các lĩnh vực quan trọng như chính trị, ngoại giao, quốc phòng, an ninh, thương mại, đầu tư, nông nghiệp… Trong đó, phụ nữ Việt Nam và Nam Phi đang từng bước thúc đẩy giao lưu, kết nối nhằm tăng cường sự hiểu biết và cơ hội hợp tác giữa hai bên.
Tuy nhiên, phụ nữ chưa phát huy hết tiềm năng trong phát triển kinh tế đất nước khi vẫn đang phải đối mặt với hàng loạt vấn đề, những rào cản, thách thức, như định kiến giới trong kinh doanh; gánh nặng của công việc gia đình không được trả công; thu nhập bình quân thấp hơn so với nam giới cho cùng loại công việc; tỷ lệ lao động nữ qua đào tạo dạy nghề chưa cao, nguy cơ thất nghiệp cao nhất là trong bối cảnh đại dịch Covid-19.
Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Trần Lan Phương mong muốn thông qua phụ nữ Nam Phi, Việt Nam sẽ có thêm nhiều cơ hội giao lưu với phụ nữ toàn châu Phi. Về phần mình, Hội LHPN Việt Nam sẵn sàng kết nối phụ nữ Nam Phi với phụ nữ các nước trong khu vực ASEAN.
Chia sẻ tại đây, Đại sứ Nam Phi tại Việt Nam Vuyiswa Tulelo khẳng định, toạ đàm là dịp kết nối, nêu lên tiếng nói của phụ nữ hai nước và đưa ra những trao đổi hợp tác trong thời gian tới.
Đại sứ Nam Phi tại Việt Nam cho biết, phụ nữ Nam Phi đóng nhiều vai trò trong xã hội về các lĩnh vực như tái sản xuất, người chăm sóc, công nhân hoặc thậm chí là chủ doanh nghiệp. Trong đó, Nam Phi đã áp dụng nhiều chương trình khác nhau để hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp và trao quyền cho phụ nữ, như các chương trình ươm tạo, trung tâm phát triển thanh niên, đào tạo phát triển nghệ nhân và các chương trình trao quyền cho thanh niên.
Đại sứ Vuyiswa Tulelo cho rằng, cần đảm bảo ngày càng có nhiều phụ nữ tham gia với tư cách là doanh nhân hoặc các nhà xuất/nhập khẩu trong phát triển nền kinh tế xã hội. Bà Tulelo cũng chia sẻ những lưu ý về các thách thức mà phụ nữ phải đối mặt liên quan biến đổi khí hậu; hỗ trợ thúc đẩy bình đẳng giới thông qua các nội dung được thống nhất phối hợp thực hiện giữa Hội LHPN Việt Nam và Đại sứ quán Nam Phi tại Việt Nam.
Tại tọa đàm, các đại biểu cũng trao đổi, thảo luận về các khả năng tăng cường kết nối, hợp tác nhằm thúc đẩy vai trò của phụ nữ Việt Nam và Nam Phi trong phát triển kinh tế đất nước thời gian tới, góp phần tăng cường quan hệ hữu nghị tốt đẹp giữa hai nước.
Một tiết mục biểu diễn chào mừng sự kiện của Hội LHPN Việt Nam. (Ảnh: Hà Anh) |
Bà Phạm Thị Hương Giang – Trưởng ban Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, Hội LHPN Việt Nam, cho biết, Hội đã tham mưu với Đảng và Chính phủ Việt Nam các chính sách hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, hiện thực hoá Nghị quyết của Ban chấp hành Trung ương Đảng các Nghị quyết về đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước; Nghị quyết về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; Nghị quyết về tiếp tục đổi mới, phát triển nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể.
Trong đó, Đề án Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025 và Đề án Hỗ trợ Hợp tác xã do phụ nữ tham gia quản lý, tạo việc làm cho lao động nữ đến năm 2030 đã được Chính phủ phê duyệt, mang lại các cơ hội thay đổi và làm chủ cuộc sống cho rất nhiều phụ nữ.
Đến công tác tại Việt Nam trong dịp này, bà Refilwe Mts-Tsipane – Chủ tịch tỉnh Mpumalanga (Nam Phi), chia sẻ mong muốn phụ nữ hai nước sẽ có thêm nhiều cơ hội giao lưu, học hỏi trong phát triển kinh tế, cũng như ngày càng có nhiều phụ nữ tham gia với tư cách là doanh nhân, nhà xuất – nhập khẩu hàng hóa, tăng cường trao đổi giữa hai nước.
Bên cạnh đó, bà tin tưởng quan hệ đối tác với phụ nữ Việt Nam sẽ có lợi trong việc hỗ trợ thúc đẩy bình đẳng giới, góp phần xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn.
Chủ tịch tỉnh Mpumalanga, cũng cho biết, nền kinh tế của tỉnh Mpumalanga được củng cố bởi các lĩnh vực: nông nghiệp, du lịch, khai thác mỏ, chế tạo… , trong đó, có sự đóng góp đầu tư của các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ.
Ngoài ra, chính phủ Nam Phi đang có những chính sách nhằm thúc đẩy các cơ hội kinh tế và giải phóng phụ nữ, giúp phụ nữ được hưởng lợi từ các chính sách liên quan đến kinh tế vĩ mô; công nghiệp; du lịch; giáo dục và đào tạo; tiếp cận đất đai, vốn và thị trường một cách bình đẳng…
Bên lề buổi toạ đàm, các đại biểu đã có dịp tham quan triển lãm “Phụ nữ Việt Nam – những khoảnh khắc” với hai chủ đề “Vì độc lập, thống nhất đất nước” và “Vì sự phát triển và hội nhập”.
Triển lãm đã điểm lại những khoảnh khắc đẹp trong hành trình suốt 90 năm mà phụ nữ Việt Nam, Hội LHPN Việt Nam đã chung tay cùng cả nước tạo nên sức mạnh, niềm tin, tự hào và vị thế Việt Nam, để đất nước vững bước hội nhập với tư thế của một quốc gia bình yên và hạnh phúc. Tại đây, các đại biểu cũng được nhìn lại các hình ảnh về quan hệ hợp tác giữa Hội LHPN Việt Nam và phụ nữ Nam Phi.
Đại biểu tham dự tọa đàm chụp ảnh lưu niệm. (Ảnh: Lê An) |
Phụ nữ Việt Nam chiếm 49,04% tổng số lao động cả nước. Tỷ lệ nữ giám đốc, chủ doanh nghiệp, hợp tác xã đạt 28,2%. Phụ nữ chiếm đến hơn 54% lao động đảm nhận các vị trí chuyên môn kỹ thuật bậc cao và bậc trung. Phụ nữ Nam Phi tham gia đông đảo trong lực lượng lao động với hơn 51% tổng số phụ nữ từ 15 tuổi trở lên (4/2023). Tỷ lệ doanh nghiệp do nữ làm chủ chiếm hơn 21% (2022). 47% doanh nghiệp vừa và nhỏ là do nữ làm chủ. |