Đến với triển lãm Mỹ thuật khu vực Bắc miền Trung, công chúng bị thu hút bởi sự bình dị, thân thuộc khi nhiều tác phẩm được triển lãm lấy cảm hứng từ cuộc sống mưu sinh, sinh hoạt gia đình rất đỗi thân quen.
“Hình ảnh nông thôn với những người nông dân đang thu hoạch vụ mùa hiện ra một cách chân thật. Tác giả không đặc tả nhiều về những người lao động trong bức tranh, nhưng những gam màu vàng sáng thể hiện một vụ mùa bội thu tương phản với sự bình dị, trầm lặng của gam màu trầm- nơi những người nông dân khiến người xem cảm nhận được nét đẹp lao động của họ, tuy vất vả nhưng vẫn đầy niềm vui”, Hoàng Văn Thành, sinh viên Trường đại học Khoa học, Đại học Huế chia sẻ về tác phẩm “Nông thôn ngày mùa” của họa sĩ Trịnh Hoàng Tân (tỉnh Quảng Trị).
Những mùa bội thu cũng là đề tài được nhiều tác giả lựa chọn. Sử dụng những gam màu trầm, tương phản, tác phẩm “Giấc mộng bay” của họa sĩ Nguyễn Lương Sáng (tỉnh Quảng Bình) đưa người xem đến với một chuyến tàu đánh cá, với sự vất vả của những ngư dân.
Hình ảnh đôi bàn tay đã đi qua biết bao sương gió, đôi chân trần vững vàng trước sóng biển và con thuyền, đàn cá thể hiện những ước mong có những chuyến xa bờ thành công. Triển lãm cũng giới thiệu đến công chúng tác phẩm “Mùa cá trích” của họa sĩ Lê Thuận Long (tỉnh Quảng Bình) bằng chất liệu vải thủ công. Hình ảnh đàn cá trích tung tăng bơi lội trong đại dương được họa sĩ thể hiện khéo léo, chất liệu mới lạ cũng nhận được cảm tình của người xem.
Xã hội trong thời kỳ đổi mới cũng tạo nên cảm hứng cho nhiều tác giả. Hình ảnh về bến tàu tại nhà máy Formosa (Hà Tĩnh), với những chuyến tàu chở hàng, xuất hàng bền bỉ ngày đêm được họa sĩ Nguyễn Văn Dương (tỉnh Hà Tĩnh) gửi đến công chúng thông qua bức tranh “Bến tàu có mái che” bằng chất liệu bột màu.
Những bức tranh “Phố cảng” (họa sĩ Ngọ Duy Lương, tỉnh Thanh Hóa), “Âm thanh ngày mới” (họa sĩ Lê Đan Tê, tỉnh Quảng Bình) hay “Quê hương đổi mới” (họa sĩ Phạm Thị Hồng Đạt, tỉnh Quảng Bình) mô tả công việc của những con người trong thời kỳ đổi mới của đất nước.
Đặc biệt, tác phẩm “Nhịp sống mới” của họa sĩ Nguyễn Đình Truyền (tỉnh Nghệ An) đưa công chúng đến với những nhịp đập, những thanh âm của thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Bằng chất liệu trổ giấy, họa sĩ đã mô tả những người công nhân lao động, kiến tạo nên những con đường, những công trình hiện đại. Đây cũng là một trong hai tác phẩm đã đạt giải B tại triển lãm.
Tác phẩm đạt giải B còn lại là bức tranh “Vi vu” của họa sĩ Hoàng Thanh Phong (tỉnh Thừa Thiên Huế). Bức tranh nhìn “thật” đến mức có người tưởng chừng là ảnh chụp. Hình ảnh hai quả thông nằm trên nền đất gợi cho công chúng về những buổi chiều vi vu rong ruổi của tuổi trẻ, về những suy tư miên man, chằng chịt, rối mù như cách những chiếc lá thông nằm trên nền đất. Hình ảnh quả thông cũng được xem là biểu tượng của sự sống, của hạnh phúc.
Hình ảnh của những người lính cũng xuất hiện trong các tác phẩm tại triển lãm. Tác phẩm “Quà đến Trường Sa” (họa sĩ Hồ Thanh Thọ, tỉnh Quảng Trị) và “Chúng tôi lính đảo xa” (họa sĩ Lê Trọng Tấn, tỉnh Thanh Hóa) là niềm yêu thương gửi đến những người chiến sĩ nơi đầu sóng ngọn gió, dù có khó khăn vẫn bám đất, bám biển để giữ vững giang sơn tổ quốc.
Tác phẩm “Cuộc chiến” của họa sĩ Trương Minh Luyện (tỉnh Quảng Bình) cũng gây xúc động cho người xem với hình ảnh người lính cứu hỏa quên mình lao vào ngọn lửa để giải cứu em bé bị mắc kẹt.
Bà Mai Thị Ngọc Oanh, Phó Chủ tịch thường trực Hội Mỹ thuật Việt Nam chia sẻ, triển lãm năm nay mặc dù chưa có nhiều điểm mới về lực lượng phát triển (chưa có nhiều họa sĩ trẻ tham gia), diện mạo (chưa có nhiều thể loại mới mẻ), nhưng cũng đã tạo cơ hội để những nghệ sĩ rèn lại tay nghề, thay đổi về cách nhìn, tìm tòi những cái mới để thoát ra khỏi vùng an toàn của bản thân.
Những tác phẩm tham gia triển lãm đã phản ánh những giá trị truyền thống văn hóa tốt đẹp, những thành tựu kinh tế – xã hội của quê hương, đất nước; qua đó, tạo ra những giá trị văn hóa tinh thần mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc.
Ông Hồ Đăng Thanh Ngọc, Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT tỉnh cho rằng, triển lãm là cơ hội để những nghệ sĩ ở các tỉnh Bắc miền Trung có điều kiện gặp gỡ, trao đổi.
“Đối với các nghệ sĩ, triển lãm không chỉ là cơ hội được chiêm ngưỡng những tác phẩm của đồng nghiệp để làm đồng lực tiếp tục sáng tạo, mà đó còn là nguồn động viên các họa sĩ tiếp tục phát triển sự nghiệp của bản thân.
Mặc dù hoàn cảnh, điều kiện vật chất để sáng tác đôi khi còn nhiều hạn chế, nhưng các nghệ sĩ vẫn dấn thân sáng tạo, khám phá thế giới nội tâm của mình, cống hiến những trải nghiệm, tình cảm cho công chúng, cho xã hội bằng những tác phẩm của mình”, ông Hồ Đăng Thanh Ngọc bày tỏ.