Ngày xưa ở Tây Nguyên có một trận lụt rất lớn. Nước dâng ngập cả lên ngọn núi cao, đồi to. Núi Nâm Nung ngập hết chỉ còn đỉnh núi to bằng cái rổ xúc cá, núi Nâm N’Jang ngập chìm chỉ còn lại bằng bàn tay, núi Gà Rừng còn bằng một vạc trẻ. Trong lúc đó, người nào kịp làm bè, ngồi trên bè mới thoát chết. Bon nào gần núi cao, đồi cao ở trên núi mới thoát chết. Nước lụt dâng lên cao tới bảy ngày, bảy đêm. Lúc đó, trên núi Gúng Klo (núi gần Uỷ ban Đắk Song bây giờ) người ta nhìn thấy một con ốc khổng lồ to bằng quả núi. Người ta nhìn thấy con ốc to đó uống nước. Con ốc hút nước xuống dần dần đến khi cạn. Khi nước đã cạn rồi, người ta không thấy con ốc to nữa. Người ta tưởng con ốc to theo nước từ biển lên.
Trong lúc đó, chỉ còn ít người sống sót thôi. Người kịp làm bè ngồi trên bè, khi nước xuống bè dừng lại nơi nào họ ở luôn nơi đó, không còn biết nơi bon cũ của mình ở đâu nữa. Họ cũng không tìm bon cũ của mình nữa. Bon nào ở gần đồi núi cao còn sống nhiều hơn. Người ta làm lại nhà, nương rẫy, trỉa lúa, trỉa bắp. Người nào không có giống bắp, giống lúa thì ăn củ khoai rừng để sống qua ngày. Thời gian sau đi tìm bà con để xin giống lúa, giống bắp, giống dưa, giống bí, giống đậu, giống mướp. Người ta làm nhà, lập bon từng nhóm khắp bờ suối, chân núi.
Con cháu đời sau thấy con ốc sống ở bon Bu N’Drung. Bon Bu N’Drung ở bên bờ suối Đắk N’Drung. Người ta làm rẫy, trỉa lúa, trỉa bắp lên tốt tươi. Lúa trong rẫy đang lúa trổ, đến tối bị con gì ăn. Con gì ăn lúa mỗi đêm hết dần, hết dần. Lúc đầu người ta tưởng lợn nhà ăn, hoặc lợn rừng ăn. Người ta tìm dấu chân con lợn, con nai không thấy. Người ta cứ tưởng là lợn nhà ăn. Bon làng đổ thừa cho nhau giữa những nhà nuôi lợn (thời đó người ta nuôi lợn thả rông). Người trong bon bàn tính với nhau phải làm chuồng lợn, nếu càng thả lợn thế này lúa rẫy sẽ hết, ta không có lúa để ăn nữa, bon ta sẽ chết đói thôi. Người ta rào xung quanh bon gọi đàn lợn về nhốt bên trong hàng rào bon. Không còn một con lợn nào đi ăn bên ngoài hàng rào nữa.
Sáng ngày hôm sau người ta đi thăm rẫy, thấy lúa trong rẫy vẫn bị ăn gần hết. Họ bàn với nhau: Chắc là con nai, lợn rừng ăn, thú rừng ăn. Nếu con thú, con nai, con lợn ăn sao không thấy dấu chân. Thôi bây giờ ta rào kín xung quanh rẫy. Người trong bon đi làm rẫy chung một chỗ đất rộng. Người ta chặt cây tre, cây nứa làm rào rẫy chắc chắn và cao. Người ta làm rào rẫy gần đến mười ngày mới xong, giáp xung quanh rẫy. Họ đã rào trên khắp bờ rẫy, không còn đường nào thú chui lọt nữa. Sáng ngày hôm sau người ta đi thăm rẫy, lúa rẫy càng hao nhiều hơn nữa. Làm sao thế này? Lúa trong rẫy sắp hết rồi. Thôi bây giờ ta rình xem. Người thì cầm lao, người thì cầm nỏ, đi phục ngủ luôn trong rẫy, người ta ngủ trong chòi, chòi của ai nấy ngủ, chòi nào cũng có người canh giữ. Sáng dậy xem lúa trong rẫy càng lúc càng hao thêm nhiều. Người ta bàn tiếp: Bây giờ ta không ngủ ở trong chòi nữa. Tối hôm sau, người ta rình ngay nơi gần lúa bị mất, người ta phục khắp nơi lúa bị ăn. Người ta phục nơi này, nó ăn chỗ kia. Người ta phục phía trên nó ăn phía dưới. Người ta phục trên bờ rẫy, nó ăn ở giữa rẫy. Dân bon đã hết phương cách rồi, không còn cách nào để cứu rẫy. Thôi ta không thèm phục nữa, ta về nhà ngủ hết đi cho nó ăn hết lúa trong rẫy cũng phải chịu. Tất cả mọi người đều về nhà ngủ, không có người ngủ canh giữ trong rẫy nữa.
Đến nửa đêm cho hai người đi rình xem. Hai người đi rình, một người cầm lao, một người cầm nỏ. Đêm hôm đó, trời có trăng sáng tỏ. Hai người bước đi rất nhẹ, không gây một tiếng động nào. Hai người đi đến bờ rẫy quan sát cũng không nghe tiếng động tý nào. Hai người nhìn ở giữa rẫy có vật gì rất to.
Họ thấy một vật màu trắng to bằng cái bành voi. Họ đi nhẹ nhẹ không cho có tiếng động, còn cách xa với vật đó khoảng một tầm bắn nỏ. Người cầm nỏ suy nghĩ một mình, ông nửa muốn bắn, nửa không dám bắn nữa. Nếu bắn bằng nỏ, cái nỏ nhỏ con vật to sợ không chết nổi. Nếu bắn dở không chết, sợ con vật lại cắn mình. Nếu không bắn thì làm sao, để cho nó ăn lúa thì mỗi đêm hết dần, mỗi đêm hết dần, khi hết lúa đâu còn cơm mà ăn nữa. Ta quyết phải bắn thử xem. Ông dương nỏ, lắp tên nhưng chưa biết phải nhắm chỗ nào, định bắn ngay vào thân to sợ không thủng. Ông nhắm mũi tên ngay chỗ ngọn lúa rung rinh. Ông bóp cò nỏ bắn một phát hình như trúng ngay con mắt. Bị tên trúng ngay con mắt, con vật bị đau lăn lộn, nhưng không nghe tiếng kêu la gì cả. Bắn xong hai người hoảng sợ, vội vã chạy về bon mình.
Về đến nhà họ kể lại với bà con: Chúng tôi thấy con vật to ăn lúa, con vật to bằng núi, nhìn trời đêm chỉ thấy màu trắng, không nhìn thấy có chân, có tay, chỉ thấy ngọn lúa rung. Tôi dương nỏ, lắp tên bắn nhắm đại ngay ngọn lúa rung rinh. Tôi chỉ kịp bắn một phát, nhìn thấy con vật lăn lộn, thấy con vật to bằng núi. Chúng tôi hoảng sợ vội vàng chạy về. Tối hôm đó, một số ngủ, một số người canh đề phòng. Họ sợ con vật bị bắn đau, nó đuổi người về bon. Suốt đêm đến sáng không thấy có vật gì đuổi về bon.
Đến khi trời sáng, bon làng kéo đông người ra rẫy xem. Nhiều người đi, người cầm lao, người cầm nỏ, người cầm gươm, dân bon kéo đi từ từ, vừa đi vừa cảnh giác đến rẫy. Họ quan sát nhìn từ bờ rẫy thấy con vật màu trắng ở giữa rẫy. Họ chỉ nhìn thấy màu trắng thôi, không thấy con vật cử động, có người đoán đã chết, có người đoán còn sống, không có một người nào dám đi xem đến nơi. Ta thử bắn tiếp xem, nếu còn sống thì nó phải cử động, nếu đã chết thì nằm im. Có người nói: Con vật to như thế làm gì chết, tên nỏ này nhỏ xíu làm sao chết nổi. Bà con đi lần lần, bước đi nhẹ nhẹ tiến lần, tiến lần khi đến gần tầm nỏ bắn tốt. Họ dương nỏ, lắp tên bắn thử một phát không thấy động đậy, bắn hai phát không thấy động. Họ bắn nhiều mũi tên vào không thấy nhúc nhích. Nhưng tên bắn phát nào, mũi tên tung lên trời, không có một mũi tên nào cắm vào vật, không thấy con vật cử động. Người ta đi tiến dần, tiến dần. Họ đến gần rồi cứ phóng lao tới. Người ta phóng vào hai, ba lưỡi lao. Người ta phóng lao vào con vật to ấy cũng không thủng, cũng không thấy cử động. Họ nói: Chắc con vật đã chết thật rồi. Họ đến gần thấy con vật nằm im một chỗ giống hệt con ốc. Họ đoán không còn sai nữa, chính là con ốc. Thấy con ốc to quá lại không dám xẻ thịt ăn. Người ta để con ốc thối rục giữa rẫy, con ốc chết giữa rẫy, rẫy trên núi.
Kể từ ngày đó, người ta đặt tên núi này là núi Con Ốc. Từ ngày bắn con ốc mẹ, bon gần đó không phát rẫy trên ngọn núi con ốc nữa. Người ta sợ con ốc mẹ còn đó, người ta sợ con ốc con lại ăn lúa. Cũng từ lúc bắn con ốc vùng rừng núi ốc bắt đầu lạnh. Dân bon tại chỗ đoán: Mẹ ốc xưa kia hút nước biển nhiều, đến khi ốc mẹ chết nước vào trong núi, nhả hơi nước làm cho vùng núi rừng này bị lạnh. Vì vậy, nên vùng núi con ốc và xung quanh núi có thời tiết lạnh quanh năm. Trước hiện tượng này, người dân vùng Đắk Song gọi vùng đất này là Núi rừng lạnh.
Câu chuyện còn phản ánh cuộc đấu tranh chinh phục núi rừng, thiên nhiên của người dân nơi đây để xây dựng và phát triển cộng đồng.