Từ quốc lộ 1A men theo chân núi Tàu phủ đầy hoa bằng lăng tím về hướng đông với quãng đường không xa lắm, ta bắt gặp làng chài nhỏ có khoảng 90 hộ dân với hơn 500 khẩu nằm bên eo biển nước xanh trong. Người dân làng chài nơi đây sống chủ yếu với nghề đánh bắt cá ven bờ bằng thuyền công suất nhỏ và thuyền thúng.
Chúng tôi dạo quanh làng chài trên con đường bê tông rộng rãi; hai bên đường nhà tôn, nhà ngói đan xen san sát của dân chài, họ sống thật thà, chất phác, đoàn kết, đùm bọc và thương yêu nhau. Nhiều hộ dân có cơ sở thu mua hải sản, chế biến nước mắm, mở tiệm buôn bán tạp hóa, kinh doanh viễn thông… Những hộ sống bằng nghề biển thì vợ chồng cùng nhau bám biển, kiếm ngày ít nhất cũng được 600.000 đồng, ngư dân làm nghề bẫy tôm hùm giống thì thu nhập khá hơn nhiều. Lão ngư Nguyễn Thái, tuổi đã ngoài 75 chia sẻ: “Ngày xưa nơi đây là vùng đất trũng, nước từ các khu rừng Vĩnh Hảo, núi Tàu theo con suối đổ về. Qua thời gian nước xé động cát trắng tạo thành cửa thông ra biển. Vì thế có tên gọi là Cửa Sứt.
Chúng tôi đứng ở Cửa Sứt, phóng tầm mắt ra xa là một không gian bao la, lồng lộng gió biển. Những chiếc thuyền thúng lắc lư theo con sóng nhẹ, chồng chèo, vợ thu lưới.
Gần bờ nước trong xanh thấy rõ từng cụm san hô trắng, đỏ hình thù kỳ lạ, đẹp mắt. Làng chài Cửa Sứt bây giờ không chỉ đủ cái ăn, cái mặc, nhiều hộ thoát nghèo mà chuyện học hành của con cái cũng lo đến nơi đến chốn. Tại xóm Cửa Sứt hiện có một điểm trường (thuộc Trường tiểu học Phước Thể 2 – Tuy Phong) với 50 học sinh đang học từ lớp 1 – 5. Thi thoảng, Thư viện tỉnh đưa xe lưu động đến xóm chài Cửa Sứt phục vụ học sinh đọc sách, truy cập internet để các em mở mang kiến thức.
Khi các dự án lớn mở ra (muối Vĩnh Hảo, nuôi tôm núi Tàu), đất đai làng chài bị thu hẹp lại. Đã có lúc người dân tính chuyện di dời đến nơi khác, thế nhưng dân biển khi “gác chèo, bỏ lưới” thì mưu sinh sao đây? Thế rồi, gần cả trăm hộ dân bám trụ Cửa Sứt, dựa lưng núi Tàu, hướng mặt ra biển cả để an cư lập nghiệp, mưu sinh với biển…Làng biển nhỏ nằm bên chân đồi bằng lăng tím không còn nghèo và cô lập như xưa nữa, sản phẩm nghề biển được thương lái đến tận nơi thu mua mỗi ngày, cung cấp cho các chợ và các cơ sở dịch vụ, sản xuất công nghiệp.
Những ngày biển động người dân làng chài lớn tuổi lại kể cho con cháu, lữ khách nghe bao câu chuyện kỳ bí về “giếng vàng” nơi chân sóng và hấp dẫn hơn là chuyện tìm kiếm “kho báu 4.000 tấn vàng”, do tướng Nhật chôn giấu sâu trong lòng núi Tàu…Biết những câu chuyện ấy là lời đồn thổi như truyền thuyết, nhưng lữ khách vẫn thấy hấp dẫn và cuốn hút mỗi khi nghe chính người dân làng chài Cửa Sứt kể lại.