Nội dung kiến nghị sau giám sát ngày càng cụ thể, có căn cứ pháp lý
Ngày 16/8, tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 25, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Báo cáo sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết liên tịch số 403/2017/NQLT-UBTVQH14-CP-ĐCTUBTWMTTQVN ngày 15/6/2017 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và Đoàn Chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quy định chi tiết các hình thức giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Trình bày Báo cáo, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trương Ngọc Ánh cho biết, sau 5 năm thực hiện Nghị quyết liên tịch số 403, công tác giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên ngày càng đi vào chiều sâu, cụ thể hơn, chặt chẽ hơn, phát huy hiệu quả thiết thực, được cấp ủy, chính quyền ghi nhận, đánh giá cao; vị trí, vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị – xã hội các cấp ngày càng được khẳng định, phát huy trong hệ thống chính trị và đời sống xã hội.
Khẳng định, với những quy định cụ thể tại Nghị quyết liên tịch số 403, công tác giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị – xã hội từng bước đi vào nền nếp; hoạt động giám sát, phản biện xã hội không ngừng mở rộng trong hệ thống Mặt trận cũng như các tổ chức chính trị – xã hội. Số lượng, chất lượng các cuộc giám sát, phản biện xã hội ngày càng nâng lên, lĩnh vực, nội dung giám sát ngày càng đáp ứng yêu cầu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng, những vấn đề bức xúc của Nhân dân; nội dung kiến nghị sau giám sát ngày càng cụ thể, có căn cứ pháp lý.
Hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân nhiều nơi còn hạn chế, hình thức
Bên cạnh những ưu điểm đã đạt được, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trương Ngọc Ánh cũng cho biết việc thực hiện Nghị quyết liên tịch 403 của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị – xã hội còn những hạn chế. Một số cấp ủy chưa thực sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng hoạt động giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị – xã hội. Việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 403 ở một số địa phương chưa thường xuyên. Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị – xã hội ở một số địa phương nhất là cấp cơ sở còn lúng túng trong lựa chọn nội dung giám sát; chất lượng một số cuộc giám sát còn hạn chế, chưa đưa ra những kiến nghị cụ thể sau giám sát, chưa giám sát kết quả thực hiện các kiến nghị sau giám sát…
Một số địa phương mới chú trọng hình thức giám sát theo đoàn và phối hợp giám sát; chưa quan tâm đến giám sát theo hình thức nghiên cứu, xem xét văn bản. Phương pháp giám sát chưa thu hút được sự quan tâm, tham gia của nhân dân. Hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân, Ban giám sát đầu tư của cộng đồng nhiều nơi còn hạn chế, hình thức. Việc theo dõi, đôn đốc việc giải quyết kiến nghị sau giám sát, theo dõi, đôn đốc, tiếp thu, phản hồi sau phản biện xã hội ở nhiều nơi chưa được chú trọng. Một số địa phương, điều kiện cơ sở vật chất, kinh phí cho công tác giám sát và phản biện xã hội còn khó khăn, kính phí bảo đảm cho công tác giám sát, phản biện, nhất là cho hoạt động của Ban thanh tra nhân dân, Ban giám sát đầu tư của cộng đồng còn nhiều hạn chế, vướng mắc.
Đề nghị bổ sung trách nhiệm phản hồi ý kiến phản biện của Mặt trận Tổ quốc đối với dự thảo văn bản
Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trương Ngọc Ánh, qua sơ kết 5 năm triển khai thi hành Nghị quyết liên tịch 403 cho thấy một số nội dung của Nghị quyết cần được sửa đổi, bổ sung như: bổ sung quy định cụ thể về đối tượng phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị – xã hội; bổ sung quy định cụ thể thời điểm thực hiện phản biện xã hội đối với dự thảo văn bản trong quy trình soạn thảo, ban hành văn bản quy phạm pháp luật; quy định cụ thể trách nhiệm của các cơ quan chủ trì soạn thảo phải gửi văn bản đề nghị và dự thảo văn bản đến Mặt trận Tổ quốc cùng cấp để thực hiện phản biện xã hội; trách nhiệm nghiên cứu, tiếp thu, giải trình, phản hồi ý kiến phản biện của Mặt trận Tổ quốc đối với dự án, dự thảo văn bản.
Sửa đổi, bổ sung quy định về trách nhiệm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ đối với công tác phản biện xã hội các dự án, dự thảo văn bản, chính sách theo hướng tăng cường chỉ đạo của Ủy ban thường vụ Quốc hội tới các cơ quan của Quốc hội trong việc phối hợp các chương trình giám sát giữa hai cơ quan; quy định cụ thể về trách nhiệm của Chính phủ trong việc chỉ đạo các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các cấp thực hiện đúng quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật về việc gửi văn bản đến Mặt trận Tổ quốc để phản biện. Nghiên cứu, điều chỉnh các hình thức giám sát, phản biện phù hợp với yêu cầu, thực tiễn, khả năng thực hiện và điều kiện bảo đảm.
Ngoài ra, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cũng đề nghị sửa đổi các quy định về lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí bảo đảm hoạt động giám sát, phản biện xã hội của Ủy ban Mặt trạn Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị – xã hội; hướng dẫn cụ thể hóa quy định về kinh phí giám sát đầu tư của cộng đồng do Hội đồng nhân dân xã quyết định để tạo điều kiện cho Ban giám sát đầu tư ở cộng đồng hoạt động hiệu quả hơn. Quan tâm chính sách đối với cán bộ hoạt động không chuyên trách cấp xã. Sớm ban hành Nghị định quy định chi tiết về tổ chức và hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân, Ban giám sát đầu tư của cộng đồng.