Năm 2012, Công ty CP BOT đường tránh Thanh Hóa được Bộ Giao thông vận tải (GTVT) cho phép thu phí tại trạm thu phí mới, thuộc km 286+397, quốc lộ 1A, đoạn qua thị xã Bỉm Sơn để hoàn vốn dự án xây dựng quốc lộ 1A đoạn tránh thành phố Thanh Hóa theo hình thức BOT. Đây là trạm thu phí BOT một thời được coi là “đắt nhất Việt Nam”.
Đến tháng 8/2017, Bộ GTVT yêu cầu Trạm thu phí Bỉm Sơn dừng hoạt động để đàm phán và xử lý theo quy định.
Tuy nhiên, đến nay đã gần 6 năm kể từ khi dừng hoạt động, Trạm thu phí Bỉm Sơn như một “lô cốt” chắn ngang Quốc lộ 1A. Trong khi đó, lưu lượng người và phương tiện tham gia giao thông trên quốc lộ này mỗi ngày là rất lớn. Việc trạm thu phí không hoạt động nhưng cũng chưa được dỡ bỏ đã ảnh hưởng và tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông tại vị trí này.
Theo ghi nhận của phóng viên, hầu hết các hạng mục công trình trạm thu phí và nhà điều hành, biển báo… bỏ hoang, phủ bụi, nghiêng đổ. Một số vị trí làn đường phía nam trạm bị sụt lún, bong tróc.
Hầu hết các phương tiện lưu thông qua đây phải hạn chế tốc độ. Và đã từng có tai nạn xảy ra tại trạm thu phí bỏ hoang này.
“Tôi thường lái xe đi qua khu vực này. Không hiểu sao nhiều năm qua trạm thu phí dừng hoạt động mà cũng chưa được dỡ bỏ cứ nằm chình ình ngay giữa đường, mỗi lần qua đây đều phải quan sát kỹ và cứ nơm nớp lo tai nạn”, anh Nguyễn Văn Bình, làm nghề tài xế chia sẻ.
Trao đổi với phóng viên Dân trí, một lãnh đạo Sở GTVT Thanh Hóa cho biết, vấn đề này đang được báo cáo với Khu quản lý đường bộ II và Cục đường Bộ Việt Nam, Bộ GTVT để có hướng xử lý.
Cũng theo vị lãnh đạo Sở GTVT Thanh Hóa, sau khi hồ sơ được nghiệm thu, còn thiếu của nhà đầu tư BOT gần 1.000 tỷ đồng. Về nội dung này, tỉnh Thanh Hóa cũng có ý kiến gửi cho Bộ GTVT.
Ông Mai Xuân Sơn, Phó giám đốc Khu quản lý đường bộ II, cho biết, Trạm thu phí Bỉm Sơn thuộc Công ty CP BOT đường tránh Thanh Hóa quản lý, phục vụ thu phí hoàn vốn đường tránh phía đông và phía tây thành phố Thanh Hóa. Hiện nay đã đầu tư xong 6km đường tránh phía tây thành phố Thanh Hóa nhưng chưa thu phí, và chưa biết đến khi nào.
Theo ông Sơn, trạm thu phí, nhà trạm, cổng trạm… do Công ty CP BOT đường tránh Thanh Hóa quản lý, chưa bàn giao lại cho nhà nước. Khu quản lý đường bộ II không quản lý 150m trước và sau trạm.
Hàng tháng, hàng quý, đơn vị này vẫn đi kiểm tra và yêu cầu Công ty CP BOT đường tránh Thanh Hóa phải đảm bảo giao thông, nếu hư hỏng thì phải sửa chữa.
“Nếu không hoạt động, không thu phí nữa thì tháo dỡ là tốt nhất. Nhưng giờ Bộ GTVT và chủ đầu tư chưa thống nhất được cách giải quyết”, ông Sơn cho biết.
Năm 2022, theo rà soát của Bộ GTVT, còn tồn tại 4 trạm thu phí BOT chưa xử lý bất cập nên chưa được thu phí, trong đó có Trạm thu phí Bỉm Sơn.
Mặc dù đã phối hợp với các địa phương và cơ quan liên quan nghiên cứu nhiều giải pháp xử lý, tháo gỡ khó khăn cho các trạm thu phí/dự án BOT này nhưng đều không bảo đảm hiệu quả về tài chính và tính khả thi để triển khai thực hiện.
Từ đó, Bộ GTVT báo cáo Thủ tướng Chính phủ và kiến nghị phương án chấm dứt hợp đồng trước thời hạn. Dùng tiền ngân sách hoàn vốn cho 4 dự án BOT, trong đó, Trạm thu phí Bỉm Sơn bố trí vốn ngân sách nhà nước khoảng 920 tỷ đồng để thanh toán cho nhà đầu tư.