Với sự đan xen cùng đối ngoại nhân dân để tạo sự gắn kết sâu rộng trong quan hệ giữa các nước, đối ngoại văn hóa được đánh giá sẽ phát huy hiệu quả sâu rộng khi được đầu tư phù hợp.
Sức mạnh mềm thời hội nhập
Đó là nhận xét của một cựu đại sứ VN tại một nước châu Âu khi trả lời Thanh Niên về ngoại giao văn hóa trong chiến lược ngoại giao quốc gia, xây dựng hình ảnh, vị thế đất nước. Theo ông, có nhiều định nghĩa và cách hiểu khác nhau về ngoại giao văn hóa, nhưng dù định nghĩa nào thì thực chất cũng là: “sử dụng văn hóa trong hoạt động đối ngoại để đạt được những mục tiêu đối ngoại”. Qua đó, cần tận dụng nội hàm văn hóa để thúc đẩy hoạt động đối ngoại và dùng đối ngoại để thúc đẩy phát triển văn hóa.
“Ngoại giao văn hóa là cách thức hiệu quả nhất gây dựng và gia tăng sức mạnh mềm của đất nước. Có thể khái quát: Ngoại giao văn hóa góp phần tạo động lực phát triển cho đất nước và tạo nên sức mạnh mềm cho đất nước”, vị cựu đại sứ phân tích và khẳng định ngoại giao văn hóa là: “Cần thiết và quan trọng ở thời hội nhập quốc tế và toàn cầu hóa. Càng hội nhập quốc tế và toàn cầu hóa mạnh mẽ, sâu rộng thì càng cần tận dụng và thúc đẩy ngoại giao văn hóa”.
“Ngoại giao văn hóa đưa văn hóa VN ra với thế giới và đưa văn hóa thế giới đến với VN, tạo cầu nối giữa VN và thế giới, vì thế quan trọng và không thể thiếu đối với tham gia hội nhập quốc tế và toàn cầu hóa”, ông nói thêm. Trong quá trình đó, luôn kết hợp hài hòa giữa phát triển văn hóa và giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc với giao thoa giữa các nền văn hóa trên thế giới và tiếp thu tinh hoa văn hóa thế giới. Theo ông, cần phải có cách tiếp cận mở, thực tiễn và cầu thị về ngoại giao văn hóa.
Thực tế, sự giao thoa độc đáo văn hóa dân tộc của VN với văn hóa thế giới đã để lại những dấu ấn sâu sắc trong các sự kiện ngoại giao. Điển hình, món nem rán của VN đã hiện diện trong Quốc yến diễn ra tại Phủ tổng thống Ý ở thủ đô Rome vào tối 26.7 (theo giờ địa phương). Quốc yến do Tổng thống Ý Sergio Mattarella và con gái chủ trì để chiêu đãi Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao VN.
Cụ thể, với tên gọi Ravioli In Carta Di Riso “Nem ran Luglio” (tạm dịch: Ravioli bánh tráng “nem rán tháng bảy”), món ăn này được chế biến bằng vỏ bánh tráng do Đại sứ quán VN tại Ý cung cấp và phần nhân của món Ravioli – một loại pasta bên trong có nhân. Đây là thành quả của đầu bếp Đinh Thị Huế sau 2 tháng phối hợp cùng đội ngũ đầu bếp của Phủ tổng thống Ý.
Kết quả, không chỉ là một món ăn tích hợp âm hưởng văn hóa VN xuất hiện trong Quốc yến, mà còn là cả quá trình của sự giao lưu, hợp tác giữa một đầu bếp VN đang sống tại Ý với đội ngũ đầu bếp trứ danh của Phủ tổng thống Ý. Quá trình đó đã góp phần mạnh mẽ vào việc quảng bá ẩm thực Việt với nước khác, với thành quả là món ăn gây nhiều chú ý cho thực khách tham dự Quốc yến tại Phủ tổng thống Ý.
Cần có một khung chính sách
Trả lời Thanh Niên, đại sứ Phạm Quang Vinh, nguyên Ðại sứ VN tại Mỹ và là nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, phân tích: “Rất nhiều nước biết đến VN qua ẩm thực, qua cảnh đẹp, qua truyền thống, qua cung cách của con người. Đó chính là ngoại giao văn hóa. Như chúng ta biết đến Nhật Bản, Hàn Quốc thì không phải chỉ biết đến câu chuyện thần kỳ về kinh tế mà còn từ rất nhiều lĩnh vực như phim ảnh, ca nhạc, thời trang… đã tạo được nhiều gắn bó hơn với người VN”.
“Nếu chúng ta cũng làm được như vậy thì sẽ tăng cường sự hiểu biết của các nước với VN để qua đó thúc đẩy quan hệ hợp tác”, đại sứ Phạm Quang Vinh khẳng định và nói thêm rằng: “Nếu các nước tăng cường tiếp cận với VN hay VN tiếp cận các nước, mà trong quá trình đó, hàm lượng văn hóa được tăng cường thì chiều sâu quan hệ sẽ mạnh hơn, sự tin cậy sẽ nhiều hơn”.
Theo đại sứ Phạm Quang Vinh, ngoại giao văn hóa có những đặc thù riêng và để phát huy sức mạnh của những đặc thù thì nhà nước cần xây dựng khung chính sách, xây dựng những động lực, hệ thống giáo dục để từng người dân, tổ chức xã hội đều có thể làm được.
Tương tự, vị cựu đại sứ VN tại một nước châu Âu ở trên cũng nhấn mạnh: “Mỗi người dân đều là sứ giả văn hóa. Mọi hành động, lời nói, hình ảnh… đều hiện thân cho ngoại giao văn hóa, đều có thể đưa lại hiệu ứng thiết thực về ngoại giao văn hóa”. Bên cạnh đó, ông cho rằng: “Để làm tốt ngoại giao văn hóa cần hiểu văn hóa của chính mình và văn hóa thế giới, hiểu thế giới và thời cuộc để có chiến lược ngoại giao văn hóa thích hợp, phải có đội ngũ con người hiểu biết về ngoại giao văn hóa và biết cách làm ngoại giao văn hóa”.
Đưa VN hòa nhập vào dòng chảy của thời đại
Những nội dung cơ bản của tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh đều bắt nguồn từ triết lý và truyền thống ngoại giao của ông cha ta, và chính Người đã phát triển những giá trị đó lên tầm cao mới; kết hợp nhuần nhuyễn chủ nghĩa yêu nước, văn hóa dân tộc, truyền thống ngoại giao VN với tinh hoa văn hóa và kinh nghiệm ngoại giao thế giới. Trong đó, luôn luôn đề cao mục tiêu độc lập dân tộc, tinh thần hòa hiếu, hữu nghị, dùng ngoại giao để đẩy lùi xung đột; gắn với thực tiễn của thế giới, để đưa VN hòa nhập vào dòng chảy của thời đại.
Trích phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (tại Hội nghị Đối ngoại toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, ngày 14.12.2021)
Thanhnien.vn