Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên chất vấn.
Tại điểm cầu Thừa Thiên Huế, tham dự có các ĐBQH: UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Lê Trường Lưu; Phó Trưởng đoàn ĐBQH Nguyễn Thị Sửu; Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế Phạm Như Hiệp.
Ở nhóm vấn đề thuộc trách nhiệm của Bộ NN&PTNT, các đại biểu đề nghị Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan làm rõ nội dung liên quan đến quy hoạch đất trồng lúa; giải pháp để tạo liên kết sản xuất với tiêu thụ nông sản giải pháp đảm bảo an ninh lương thực quốc gia; giải pháp quản lý tàu cá thống nhất theo yêu cầu về khai thác thủy sản IUU; tính đồng bộ trong gỡ thẻ vàng; những chính sách sẽ được áp dụng trong hỗ trợ chuyển đổi nghề khai thác hải sản ảnh hưởng đến môi trường sinh thái; giải pháp hỗ trợ kinh phí những trường hợp bắt buộc tiêu huỷ vật nuôi do dịch bệnh…
Trong phần trả lời chất vấn, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đã phân tích nhiều vấn đề như, liên kết theo chuỗi để nâng cao giá trị nông sản; quy hoạch đất trồng lúa để đảm bảo an ninh lương thực; biến đổi khí hậu, biến động thị trường và biến chuyển xu thế tiêu dùng ảnh hưởng đến nền nông nghiệp Việt Nam; vấn đề thực thi nghiêm quy định, trong đó có quy định tại Luật Thủy sản…
Phát biểu kết thúc phiên chất vấn và trả lời chất vấn lĩnh vực NN&PTNT, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, đã có 26 đại biểu chất vấn, 3 đại biểu tranh luận; một số đại biểu chất vấn liên quan đến trách nhiệm của các Bộ trưởng: Công thương, Y tế, Tài chính. Còn 20 đại biểu có câu hỏi nhưng do điều kiện thời gian đề nghị đại biểu gửi câu hỏi để trả lời bằng văn bản.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải khẳng định, phiên chất vấn diễn ra sôi nổi, trách nhiệm, thẳng thắn và xây dựng. UBTV Quốc hội đánh giá cao Bộ trưởng Bộ NN&PTNT đã chuẩn bị tốt nội dung, tập trung trả lời các vấn đề mà ĐBQH quan tâm; giải trình khá đầy đủ có tinh thần trách nhiệm và cầu thị các vấn đề liên quan đến những tồn tại, hạn chế; đồng thời ghi nhận nỗ lực của Bộ trưởng trong việc đề xuất các giải pháp nhằm khắc phục những bất cập trong phạm vi phụ trách khi trả lời các câu hỏi của các vị đại biểu Quốc hội. Bộ trưởng Bộ Công thương cũng đã phát biểu làm rõ một số nội dung có liên quan.
Kết luận phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, sau một ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc, dân chủ, trí tuệ, trách nhiệm cao, phiên chất vấn đã kết thúc tốt đẹp.
Chủ tịch Quốc hội ghi nhận các ĐBQH từ kinh nghiệm hoạt động của mình đã chuẩn bị kỹ các câu hỏi có chất lượng, phản ánh sát thực tế và đời sống, nguyện vọng của cử tri; thực hiện đầy đủ các quy định về cách thức chất vấn, trao đổi, tranh luận, đảm bảo đúng thời gian quy định. Các Bộ trưởng và Trưởng ngành tham gia trả lời chất vấn, với tinh thần trách nhiệm cao, nắm chắc thực trạng ngành, lĩnh vực phụ trách đã giải trình làm rõ thực trạng và đề xuất được nhiều giải pháp đối với các vấn đề chất vấn. UBTV Quốc hội và các ĐBQH đánh giá cao phần trả lời chất vấn, tán thành và ghi nhận các giải pháp, cam kết tại phiên chất vấn này.
Từ các vấn đề đặt ra, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các Bộ trưởng, Trưởng ngành có liên quan tiếp thu tối đa ý kiến góp ý của các đại biểu Quốc hội, chỉ đạo quyết liệt thực hiện các giải pháp đề ra nhằm khắc phục các tồn tại, hạn chế.
Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, từ các chất vấn của ĐBQH, nhiều vấn đề tồn tại và đang bức xúc trong xã hội đã được kịp thời xem xét, giải quyết; nhiều chủ trương, chính sách đã được ban hành, góp phần quan trọng vào quá trình phát triển kinh tế – xã hội của đất nước, đảm bảo an sinh xã hội.
Thông qua hoạt động chất vấn, còn giúp phát hiện những bất cập, hạn chế trong quá trình thực thi pháp luật cũng như nâng cao trách nhiệm của các Bộ trưởng trong việc tìm ra các giải pháp để khắc phục những hạn chế, tồn tại; tiếp tục khẳng định đây là hình thức giám sát rất có hiệu quả của Quốc hội, UBTV Quốc hội.
Chủ tịch Quốc hội bày tỏ tin tưởng rằng, với các giải pháp mà các Bộ trưởng đã cam kết, với quyết tâm cao của tập thể Chính phủ, sự đồng hành của Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội, lĩnh vực quản lý thuộc trách nhiệm của Bộ Tư pháp sẽ có nhiều chuyển biến rõ nét, vươn lên tầm cao mới, đi vào thực chất hơn; ngành nông nghiệp vượt qua khó khăn, thách thức, tiếp tục là bệ đỡ vững chắc của nền kinh tế, tạo cơ sở, tiền đề quan trọng để hướng tới nền nông nghiệp hiện đại, hội nhập quốc tế và thích ứng với biến đổi khí hậu.