Sát giờ “G” vẫn chờ hướng dẫn
Hào hứng gửi thông tin cho các đối tác và làm sản phẩm phù hợp với chính sách mới để chào bán cho mùa cao điểm cuối năm nay và năm sau ngay khi Quốc hội thông qua chính sách nới thời gian lưu trú miễn thị thực từ hồi tháng 6, song, ông Trần Thế Dũng, Tổng giám đốc Lữ hành Vietluxtour, cho biết đến sát “giờ G”, các công ty vẫn chưa rõ các nước nào sẽ được áp dụng nâng thời hạn visa lên 90 ngày; nước nào được cấp tạm trú 45 ngày; chưa rõ chỉ khách xin visa điện tử mới được thời hạn visa 90 ngày hay khách xin visa đi tour qua lãnh sự quán cũng được áp dụng chính sách này; danh sách các nước được miễn thị thực đơn phương có tiếp tục được nới ra không, nếu có thì mở thêm những thị trường nào…
“Phải có hướng dẫn chi tiết, cụ thể thì chúng tôi mới quảng bá, chào bán sản phẩm cho khách hàng được. Trước mắt, chúng ta xác định thị trường khách đi hơn 14 ngày hoặc hơn 30 ngày đa số là khách châu Âu, Úc, Mỹ. Những thị trường khách này thường lên kế hoạch đi từ rất sớm. Nếu có thông tin từ tháng 6 thì công ty du lịch bắt đầu xây dựng chương trình tour mới dài ngày hơn, liên hệ với các hãng hàng không, book dịch vụ… mất khoảng 3 – 4 tháng, sớm nhất cũng phải tới tháng 10 – 11 các chính sách mới bắt đầu thật sự “ngấm”. Giờ đã sang nửa cuối tháng 8 rồi, thời gian càng kéo dài thì càng nhiều cơ hội bị bỏ lỡ”, ông Trần Thế Dũng nói.
Tương tự, Công ty Du lịch Việt cũng đã gửi thông tin từ rất sớm tới các đối tác để họ chủ động chuẩn bị các bước phù hợp khi áp dụng chính sách visa mới. Tuy nhiên, đại diện DN cho biết công ty vẫn chưa thể “chốt” được đoàn khách đúng như kế hoạch do chưa có thông báo chính thức và hướng dẫn từ Bộ VH-TT-DL. Phải hoàn thiện phần thủ tục mới lên được giá tour và đối tác cũng phải chờ chi tiết hướng dẫn mới biết cần làm những gì về phần thủ tục.
Cũng đang chờ thông tin chính thức từ cơ quan chức năng để biết chi tiết thủ tục đăng ký e-visa cho khách hàng, ông Nguyễn Thiên Phúc, Giám đốc sản phẩm Vidotour Indochina Travel, thông tin dù mới chỉ gửi chủ trương chung về chính sách nhưng Vidotour đã nhận được nhiều tín hiệu tích cực từ các đối tác. Chủ yếu làm tour cho khách đoàn từ 13 nước châu Âu đã được miễn thị thực đơn phương, các đối tác của Vidotour đã đăng ký điều chỉnh lại tour từ tối đa 14 – 15 ngày, kéo dài lên trung bình 21 ngày. Trong đó, đa phần khách muốn dành thêm nhiều thời gian để đi biển và xây dựng lại chương trình du lịch Đông Dương với thời gian “xông xênh” hơn.
“Trước đây, khách đến VN, muốn đi Lào, Campuchia là phải đi luôn, không quay lại được. Khách Pháp là “khổ” nhất vì từ Lào, kiếm chuyến bay quốc tế về Pháp rất khó. Với chính sách mới, họ có thể từ VN qua Lào rồi quay lại Hà Nội ở thêm 1 – 2 đêm, bay về dễ dàng hơn nên họ rất thích”, ông Phúc dẫn chứng. Mặc dù vậy, lãnh đạo Vidotour cũng dự báo phải tới quý 2/2024, chính sách visa mới thật sự có thể tạo đột phá về lượng khách quốc tế đến vì các đoàn khách giờ đã lên xong hết kế hoạch cho chuyến đi từ giờ đến quý 1/2024.
Lãnh đạo Cục Du lịch quốc gia VN cho biết về cơ bản, hướng dẫn chính sách visa mới đã được ban hành cụ thể tại điều 2, luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại VN. Sáng nay (15.8), Bộ VH-TT-DL sẽ tổ chức Hội nghị phổ biến, quán triệt việc áp dụng chính sách mới tới các sở du lịch địa phương cùng các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan.
Đón khách vào rồi, lấy gì giữ khách ở lại?
Không chỉ khởi sắc về lượng khách, theo ông Nguyễn Thiên Phúc, việc nới chính sách visa còn mang đến cơ hội cho ngành du lịch VN tái cơ cấu hệ thống sản phẩm, tăng trưởng du lịch cả về “chất”.
Chẳng hạn hiện nay có những dòng sản phẩm truyền thống như du lịch biển đảo, sinh thái… nhưng do giới hạn về thời gian lưu trú nên các DN du lịch chưa thể đẩy mạnh. Tour 14 ngày thì chỉ xếp được 2 đêm đi biển. Nhưng với chính sách hiện nay, có thể đa dạng dòng sản phẩm, làm chương trình 5 – 6 ngày đi biển, từ TP.HCM đưa khách đi Long Hải hoặc Phú Quốc. Hệ thống nhà hàng, khách sạn, điểm đến sẽ được hưởng lợi nhiều hơn. Song song, tùy đối tượng khách để xây dựng thêm nhiều sản phẩm mới. Khách thích khám phá văn hóa địa phương, trước đây nếu đi Hội An 2 đêm thì chỉ đi Huế được 1 đêm hoặc ngược lại. Giờ thì có thể ở cả 2 nơi 2 – 3 đêm.
Hoặc thay vì lo “chạy” lịch bay cho kịp giờ như trước, khách có thể đi xuyên Việt bằng xe lửa mà không còn bị “cắt” các vùng ở giữa tuyến như Nha Trang, Quy Nhơn… Các điểm đến trước không thuận tiện về đường bay như các tỉnh Tây nguyên giờ cũng sẽ có nhiều cơ hội xây dựng tour vì khách có thêm thời gian, đủ để khám phá nhiều nơi. Với cách tiếp cận như vậy, chính sách visa kéo khách ở càng lâu thì chi tiêu càng nhiều và nhiều địa phương trước đây không phải trung tâm du lịch lớn cũng sẽ có cơ hội được khai phá tiềm năng, phát triển mạnh mẽ hơn.
“Tuy nhiên, cần lưu ý rằng chính sách visa mới sẽ tạo cơ hội cho khách đến VN 1 lần có thể đi nhiều điểm, khám phá nhiều khía cạnh, đồng nghĩa với áp lực mới là làm sao để khách quay trở lại. Vì thế, ngành du lịch cần chú trọng phát triển sản phẩm, luôn có chương trình mới, sản phẩm mới hấp dẫn. Đồng thời, cải thiện liên kết giữa các yếu tố trong hệ sinh thái du lịch, từ lữ hành tới vận chuyển (bao gồm cả hàng không, tàu hỏa, đường bộ, đường thủy), lưu trú, nhà hàng… để có được những gói sản phẩm giá tốt, tăng sức cạnh tranh điểm đến”, ông Nguyễn Thiên Phúc nhấn mạnh.
Giám đốc Công ty Du lịch Nam Phương – Lý Việt Cường cũng khẳng định tính đồng bộ là vô cùng quan trọng trong chiến lược phát triển du lịch. Chúng ta mở rộng cửa đón khách, tạo điều kiện cho khách lưu trú dài ngày nhưng phải “có cái gì” thì khách mới ở lại và chi tiền. Các khách hàng của Nam Phương chủ yếu từ thị trường Mỹ, Úc, New Zealand… họ không còn xa lạ gì với chính sách visa cởi mở từ các quốc gia du lịch.
Vì thế, họ không quá hồ hởi hay ngạc nhiên về chính sách visa mới của VN mà ngược lại, điều khách hàng quan tâm là VN bây giờ có những điểm đến nào mới hấp dẫn không, có sản phẩm gì đặc sắc hơn không, bạn cho chúng tôi ở thêm ngày nhưng có đảm bảo đủ chỗ chơi, chỗ tiêu tiền để chúng tôi ở lại thêm từng ấy ngày không… Nếu chỉ dẫn ra thêm nhiều điểm đến, lấy TP.HCM làm trung tâm thì không khác gì nối 2 – 3 tour lại, không đủ hấp dẫn.
“Đơn cử, trước khách đến ở TP.HCM 3 ngày, đi hết 5 điểm tham quan và 5 điểm mua sắm. Giờ mình làm tour kéo lên 5 ngày thì 2 ngày kia họ làm gì, đi đâu? Chúng ta mới chỉ đáp ứng những sản phẩm sẵn có. Cần đa dạng hóa hoặc mở rộng thêm. Sản phẩm đường sông trước đi 1 ngày là hết thì giờ tăng thêm điểm, tăng thêm hoạt động trên tuyến 1 – 2 ngày; hoặc hình thành những khu mua sắm, những sản phẩm vui chơi giải trí chất lượng để khách phải mở hầu bao, xài tiền nhiều… Có như vậy thì du lịch mới được cải thiện về chất lượng và chính sách visa mới thật sự phát huy hết tác dụng”, ông Lý Việt Cường góp ý.
Từ 15.8, nâng thời hạn tạm trú cho công dân 13 nước lên 45 ngày
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 14.8 sửa đổi Nghị quyết số 32/NQ-CP về việc miễn thị thực cho công dân một số nước. Theo đó, sẽ miễn thị thực cho công dân các nước: CHLB Đức, Pháp, Ý, Tây Ban Nha, Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ailen, Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đan Mạch, Thụy Điển, Na Uy, Phần Lan và Belarus với thời hạn tạm trú 45 ngày kể từ ngày nhập cảnh, không phân biệt loại hộ chiếu, mục đích nhập cảnh, trên cơ sở đáp ứng đủ các điều kiện nhập cảnh. Trước đó, Quốc hội đã thông qua luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân VN và luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại VN. Theo đó, thời hạn tạm trú đối với công dân của các nước được VN đơn phương miễn thị thực được mở rộng lên 45 ngày, tăng 30 ngày so với quy định trước đây.
Mai Hà