Lầu Năm Góc vừa thành lập lực lượng đặc nhiệm trí tuệ nhân tạo (AI) tổng hợp đầu tiên, trước tình hình cạnh tranh khốc liệt với Trung Quốc trong lĩnh vực quan trọng này.
Theo tuyên bố của Lầu Năm Góc ngày 10/8, Lực lượng Đặc nhiệm Lima sẽ đánh giá, đồng bộ hóa và áp dụng Generative AI (AI tạo sinh) trong Bộ Quốc phòng Mỹ, nhằm đảm bảo rằng cơ quan này luôn đi đầu trong các công nghệ tiên tiến để bảo vệ an ninh quốc gia.
Ông Craig Martell, quan chức phụ trách kỹ thuật số và trí tuệ nhân tạo của Lầu Năm góc, đồng thời là lãnh đạo lực lượng đặc nhiệm Lima, cho biết Lầu Năm Góc có nhiệm vụ bắt buộc phải vận dụng các mô hình AI tạo sinh để giảm thiểu rủi ro an ninh quốc gia. Ông nói thêm: “Chúng ta cũng phải xem xét mức độ mà các đối thủ sẽ sử dụng công nghệ này và tìm cách phá vỡ các giải pháp dựa trên AI của chính chúng ta”.
Theo Diễn đàn Kinh tế Thế giới, Generative AI được định nghĩa là một loại thuật toán AI tạo ra kết quả đầu ra mới dựa trên dữ liệu mà chúng đã được đào tạo, với nhiều ứng dụng bao gồm tạo hình ảnh, văn bản và âm thanh. Ứng dụng AI tạo sinh được biết đến rộng rãi nhất là chatbot ChatGPT, được ra mắt vào năm 2022.
Bằng cách tận dụng các mô hình AI tạo sinh với tiềm năng sử dụng các tập dữ liệu khổng lồ để huấn luyện các thuật toán và tạo ra sản phẩm, Lầu Năm Góc muốn củng cố chiến dịch trong các lĩnh vực như chiến tranh, y tế và chính sách.
Chỉ huy nhiệm vụ của Lực lượng Đặc nhiệm Lima, Đại úy M. Xavier Lugo của Hải quân Mỹ, cho biết Lầu Năm Góc đã công nhận tiềm năng của AI tạo sinh trong việc cải thiện đáng kể hoạt động tình báo, lập kế hoạch tác chiến cũng như các quy trình hành chính và kinh doanh. “Tuy nhiên, vấn đề triển khai có trách nhiệm chính là chìa khóa để quản lý những rủi ro liên quan một cách hiệu quả”, ông lưu ý.
Washington ngày càng cảnh giác với việc Bắc Kinh tiếp cận công nghệ AI của nước này cho mục đích quân sự và đã công bố kế hoạch hạn chế đầu tư của Mỹ vào các lĩnh vực nhạy cảm như “một số hệ thống AI” ở Trung Quốc, theo sắc lệnh hành pháp mà Tổng thống Joe Biden ký hôm 9/8.
Ông Biden cho biết động thái này là để đáp lại sự tiến bộ nhanh chóng về năng lực của Trung Quốc trong chất bán dẫn và vi điện tử, công nghệ thông tin lượng tử và trí tuệ nhân tạo, đồng thời tăng cường khả năng tiến hành các hoạt động đe dọa an ninh quốc gia của Mỹ.
Theo một báo cáo gần đây của Trung tâm Nghiên cứu An ninh Mỹ Mới có trụ sở tại Washington, sự xuất hiện của AI quân sự có thể sẽ làm sâu sắc thêm sự cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc, đồng thời làm tăng rủi ro chiến lược.
Trung Quốc cung cấp rất ít thông tin về các nỗ lực hiện đại hóa quân sự, trong đó có cả AI, điều mà một ngày nào đó có thể dẫn đến bất ngờ chiến lược cho Mỹ nếu Bắc Kinh tìm cách tạo ra những bước đột phá trong bí mật.
Phát biểu tại phiên điều trần tại Hạ viện Mỹ hồi tháng 5, cựu Giám đốc điều hành tập đoàn Google Eric Schmidt cho biết Trung Quốc đang đầu tư nhiều vào AI quân sự hơn so với Mỹ.
Theo ông Schmidt, Washington đang dẫn trước vài năm trong các lĩnh vực quan trọng như AI và điện toán lượng tử, nhưng ông cảnh báo rằng “có mọi lý do để nghĩ rằng họ có nhiều người làm việc hơn trong lĩnh vực AI chiến lược”.
Những rủi ro của việc sử dụng AI trong quân đội vẫn còn gây tranh cãi. Trên 60 quốc gia, trong đó có Mỹ và Trung Quốc, đã ký một “lời kêu gọi hành động” ủng hộ việc sử dụng trí tuệ nhân tạo có trách nhiệm trong quân đội.
Đức Trí/Báo Tin tức