Với việc hiện đang bị cấm tham gia ở hầu hết các công việc tại Afganistan, phụ nữ nước này đã chuyển sang làm việc tại nhà hoặc trong các doanh nghiệp bí mật.
Năm tháng sau khi những người ủng hộ Taliban đập phá nhà hàng của cô, nữ doanh nhân người Afghanistan Laila Haidari đã mở một trung tâm thủ công bí mật, cho phép các phụ nữ có thể kiếm một khoản thu nhập nhỏ từ việc may những bộ váy cầu kỳ và sản xuất đồ trang sức từ vỏ đạn được nung chảy.
Xưởng của Laila Haidari là một trong số rất nhiều các cơ sở hoạt động ngầm từ phòng tập thể dục đến thẩm mỹ viện, thậm chí cả trường học cho nữ sinh được các chị em Afghanistan thành lập kể từ khi Taliban lên nắm quyền vào năm 2021, buộc họ từ bỏ việc làm.
“Tôi mở trung tâm để tạo việc làm cho những phụ nữ cần”, Haidari nói, “Đây không phải là một giải pháp lâu dài, nhưng ít nhất nó sẽ giúp họ có thức ăn hàng ngày”.
Ngày 15/8 đúng hai năm trước, Chính quyền Taliban lên nắm quyền, cấm phụ nữ tham gia hầu hết các công việc, không được học trung học và đại học, đồng thời áp đặt những hạn chế khắc nghiệt đối với quyền tự do đi lại của họ.
Haidari, 44 tuổi, từng sở hữu một nhà hàng sôi động ở Kabul, nổi tiếng với những buổi tối trình diễn âm nhạc và thơ ca, được giới trí thức, nhà văn nhà báo và người nước ngoài yêu thích. Lợi nhuận thu được sẽ được cô rót vào một trung tâm cai nghiện ma túy do cô thành lập gần đó. Nhưng vài ngày sau khi Taliban chiếm đất nước, các tay súng và người dân địa phương đã đuổi các bệnh nhân của trung tâm phục hồi chức năng, phá hủy nhà hàng của cô và cướp phá đồ đạc.
Doanh nghiệp thủ công mỹ nghệ của cô hiện đang tài trợ các tài liệu về toán, khoa học và tiếng Anh cho một trường học hoạt động bí mật với 200 nữ sinh. Hình thức học kết hợp cả trực tuyến và trực tiếp.
“Tôi không muốn các cô gái Afghanistan quên đi kiến thức của họ và sau đó, trong vài năm nữa, chúng ta sẽ có một thế hệ mù chữ khác”, cô chia sẻ, đề cập đến những phụ nữ và trẻ em gái bị tước quyền đi học trong thời kỳ cai trị cuối cùng của Taliban từ năm 1996 đến 2001.
Trung tâm này cũng sản xuất quần áo, thảm và đồ trang trí nhà cửa cho nam giới, sử dụng khoảng 50 phụ nữ với mức lương 58 USD/tháng.
Việc Taliban trở lại nắm quyền đã nhanh chóng đảo ngược hai thập kỷ nỗ lực được quốc tế hậu thuẫn nhằm thúc đẩy các cơ hội kinh tế cho phụ nữ khi các nhà tài trợ đổ hàng tỷ USD vào các chương trình trao quyền cho phụ nữ.
Hầu hết các doanh nghiệp do phụ nữ thành lập trước năm 2021 thuộc các ngành tiểu thủ công nghiệp không chính thức như tiệm bánh. Nhưng sau đó, dần dần nữ giới đã lấn sân sang các lĩnh vực truyền thống dành cho nam giới như CNTT, dịch vụ truyền thông, xuất khẩu, du lịch lữ hành, thậm chí cả xây dựng.
Quán cà phê và nhà hàng mà những phụ nữ như Haidari đang điều hành từng được coi là lãnh địa của nam giới ở Afghanistan, do những điều cấm kỵ xung quanh việc phụ nữ giao tiếp với đàn ông bên ngoài gia đình.
Một số phụ nữ Afghanistan khác tham gia điều hành các doanh nghiệp lớn từ nước ngoài trong các lĩnh vực bao gồm khai thác mỏ, hậu cần và xuất nhập khẩu.
Tuy nhiên, cũng có nhiều phụ nữ đã phải đóng cửa doanh nghiệp của họ trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng của Afghanistan. Việc Taliban tiếp quản đã gây ra cuộc khủng hoảng sau khi các chính phủ nước ngoài cắt giảm tài trợ và đóng băng tài sản ngân hàng của đất nước.
Cuộc khủng hoảng đã ảnh hưởng nặng nề đến tất cả các doanh nghiệp, nhưng những khó khăn đối với phụ nữ càng tăng thêm do Taliban hạn chế đi lại của họ, bao gồm lệnh cấm đi lại mà không có một người họ hàng nam giới đi kèm.
Thợ may Wajiha Sekhawat, 25 tuổi, từng đến Pakistan và Iran để mua vải cho xưởng may của cô ở thành phố Herat phía tây, nơi cô tạo ra trang phục cho khách hàng lấy cảm hứng từ các bài đăng trên mạng xã hội của những người nổi tiếng. Tuy nhiên, với mức thu nhập đã bị cắt giảm do khủng hoảng kinh tế, cô không đủ khả năng để mang theo một người đi cùng. Chính vì vậy, cô đã quyết định nhờ một nam thanh niên trong gia đình đến Pakistan thay cô, tuy nhiên, sản phẩm anh ta mang về không đáp ứng được yêu cầu của cô.
Thu nhập hàng tháng của Sekhawat đã giảm từ khoảng 600 USD xuống dưới 200 USD do nhu cầu trang phục dự tiệc và trang phục dành cho phụ nữ chuyên nghiệp giảm mạnh sau khi hầu hết họ mất việc làm. Các quy định của Taliban về người đi kèm khiến phụ nữ gặp khó khăn trong việc mua nguyên liệu thô, gặp gỡ mọi người để kinh doanh hoặc bán hàng hóa của họ. Các hạn chế cũng khiến khách hàng nữ khó tiếp cận họ hơn.
“Tôi từng thường xuyên đi công tác nước ngoài một mình, nhưng giờ tôi thậm chí không thể ra ngoài uống cà phê”, Sekhawat nói. “Thật ngột ngạt. Có những ngày tôi chỉ biết chui vào phòng và la hét.”
Những hạn chế của Taliban đặc biệt khó khăn đối với đất nước ước tính có khoảng 2 triệu góa phụ, cũng như phụ nữ độc thân và những người đã ly hôn. Một số là trụ cột duy nhất của gia đình họ, nhưng có thể không có nam giới nào đóng vài trò hộ tống phụ nữ.
Sau khi chồng qua đời vào năm 2015, Sadaf dựa vào thu nhập từ thẩm mỹ viện bận rộn ở Kabul để nuôi 5 đứa con. Cô cung cấp dịch vụ tạo mẫu tóc, trang điểm, làm móng tay và trang điểm đám cưới cho các nhóm khách hàng từ nhân viên chính phủ đến người dẫn chương trình truyền hình.
Sadaf, 43 tuổi, bắt đầu điều hành công việc kinh doanh của mình tại nhà sau khi Taliban yêu cầu cô đóng cửa tiệm của mình.
Nhưng với những khách hàng đã mất việc làm, hầu hết họ đã ngừng đến hoặc cắt giảm. Thu nhập hàng tháng của cô giảm từ khoảng 600 USD xuống còn 200 USD.
Tuy nhiên, tháng trước, chính quyền đã ra lệnh đóng cửa tất cả các thẩm mỹ viện, nói rằng họ cung cấp các phương pháp điều trị đi ngược lại các giá trị Hồi giáo của họ. Hơn 60.000 phụ nữ có khả năng mất việc làm, theo ước tính của ngành. Sadaf lo ngại Taliban cũng sẽ bắt đầu nhắm mục tiêu vào những phụ nữ như cô khi điều trị tại nhà cho họ.
Doanh nghiệp siêu nhỏ của phụ nữ
Mặc dù không cho phụ nữ tham gia hầu hết vào các lĩnh vực của đời sống công cộng, Taliban vẫn không cấm họ điều hành doanh nghiệp và một số tổ chức viện trợ vẫn tiếp tục giám sát các dự án việc làm.
Tổ chức từ thiện toàn cầu CARE điều hành một chương trình lớn bắt đầu từ trước khi Taliban nắm quyền.
“Có rất nhiều nhu cầu vì không ai muốn phải phụ thuộc vào viện trợ nhân đạo,” Melissa Cornet, cố vấn của CARE Afghanistan cho biết. “Phụ nữ chỉ tuyệt vọng để có được bất kỳ loại sinh kế nào họ có thể.” Nhưng các cơ quan viện trợ đã phải điều chỉnh các chương trình của họ.
Cornet cho biết: “Chúng tôi đã phải tập trung hơn vào việc đào tạo phụ nữ về các nghề thủ công mà họ có thể làm tại nhà – may vá, thêu thùa hoặc làm các món ăn như bánh quy, mứt, dưa chua…
Mặc dù thu nhập thường dưới 100 USD/tháng, Cornet cho biết điều này có thể thay đổi cuộc sống của một gia đình vào thời điểm tỷ lệ thất nghiệp cao ngất ngưởng và 85 % dân số đang sống dưới mức nghèo khổ.
Các cơ quan viện trợ cho biết họ đã thúc đẩy lợi ích kinh tế của việc cho phép phụ nữ làm việc khi đàm phán với chính quyền Taliban.
Cornet cho biết “Chúng tôi nói với họ nếu chúng tôi tạo ra việc làm, điều đó có nghĩa là những người phụ nữ này có thể nuôi sống gia đình họ, điều đó có nghĩa là họ đang đóng thuế”. “Chúng tôi cố gắng có một cách tiếp cận thực tế và thường nó khá thành công”.