15/08/2023 13:05
Là một nhánh của dân tộc Giẻ Triêng vùng Bắc Tây Nguyên, người Triêng sống lâu đời ở gần biên giới thuộc địa bàn huyện Ngọc Hồi tự hào với nét đẹp văn hóa truyền thống phong phú, đa dạng. Trong đó, ngoài cồng chiêng – xoang, còn phải kể đến các nhạc cụ dân tộc độc đáo được làm từ mây, tre, nứa, gỗ.
Ở làng Đăk Răng, xã Đăk Dục, huyện Ngọc Hồi, già làng Brôl Vẻ vinh dự là “nhạc trưởng” trong dàn nhạc dân tộc có sức cuốn hút đặc biệt. Làm quen với ống sáo, cây đàn từ lúc 13-14 tuổi, đến nay, ở tuổi ngoài 70, ông đã tự chế tác và sử dụng gần 20 nhạc cụ các loại. Từ nỗ lực nhen nhóm của già làng tâm huyết, tình yêu với nhạc cụ truyền thống ngày được lan tỏa trong cộng đồng. Các thế hệ tiếp nối niềm say mê cho tiếng sáo, tiếng đàn ngân vang.
Nhiều năm trước, sơ khảo về nhạc cụ dân tộc của người Triêng ở Đăk Răng đã được giới thiệu, thông qua kết quả tìm hiểu, nghiên cứu ban đầu của cố nhạc sĩ Phạm Cao Đạt – nguyên cán bộ ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh. Theo đó, người Triêng có vốn âm nhạc dân gian (gồm nhạc hát và nhạc đàn) rất phong phú, đa dạng và độc đáo. Về nhạc đàn, ngoài chủ đạo là cồng chiêng, còn phải kể đến hệ thống “nhạc khí” dân dã.
|
Theo tập hợp ban đầu, nhạc khí kích âm bằng hơi gồm có các loại sáo, chủ yếu như talen, talun, talét. Talen là sáo 4 lỗ, được thổi dọc. Talun 3 lỗ nhưng có chiều dài hơn talen và âm trầm hơn. Talét thì chỉ có 1 lỗ ở giữa ống, được tạo nên âm thanh bằng cách kết hợp vừa thổi bằng miệng vừa vỗ và bịt hờ lòng bàn tay vào phía đầu ống.
Gor được chế tác từ 1 ống sậy rất nhỏ (đường kính chỉ 1-1,5cm) nhưng dài tới 1 mét, có màng rung bằng lưới gà tạo nên âm sắc đặc biệt.
Khèn bè gồm 7 cặp ống gắn kết với nhau bằng sáp ong. Theo già Brôl Vẻ, khèn lấy ý tưởng từ “doar” – một nhạc cụ truyền thống đa âm sắc rất được yêu mến của người Triêng. Thân doar gồm 6 ống nứa nhỏ, dài ngắn khác nhau, kết với nhau và gắn với một chiếc vỏ bầu khô vừa để cộng hưởng âm sắc vừa có tác dụng tạo dáng.
Ở dạng tù và để thổi, có kayol và ka kit. Kayol làm bằng sừng con sơn dương dài 12-15cm. Đầu lớn của sừng được bịt lại bằng sáp ong, trong khi phía đầu nhọn sừng được cắt vát tạo lỗ hở đường kính khoảng 0,5cm. Kích âm được tạo ra phía bên trong đường cong của chiếc sừng. Kayol tiếng trong và chỉ cần thổi nhẹ làn hơi. Kakit làm bằng sừng trâu, hơi thổi nặng và trầm đục. Kakit được dùng như tiếng kẻng để kêu gọi, tập hợp dân làng mỗi khi có việc. Ka don lại thổi thổi để báo hiệu cho người làng biết mỗi khi bẫy được heo rừng.
Nằm trong bộ nhạc khí của người Triêng, không thể không kể đến đinh tút, là nhạc cụ gồm 6 ống được 6 người cùng lúc sử dụng, tạo thành âm thanh rất đẹp và độc đáo.
|
Brôl Thị là một trong số trai trẻ làng Đăk Răng đầu tiên được già Brôl Vẻ chỉ dạy cách sử dụng và chế tác mô bin (m’bin) – loại đàn phổ biến nhất của người Triêng. Đến nay, đã có hơn 10 cây đàn được chính tay anh tạo nên. Một số đàn được chọn trưng bày tại Nhà trưng bày, giới thiệu sản phẩm đặc trưng của làng. Mô bin hình dáng nhỏ (như đàn măngđôlin, hay đàn ta lư của người Vân Kiều…), được làm bằng gỗ sữa, song theo Brôl Thị, không kiên trì, chịu khó, không thể cắt gọt thành. Độc đáo của mô bin là chỉ với hai dây gắn trên phím nhỏ cũng đủ tạo nên âm thanh êm ái. Cùng họ với mô bin, còn có mô bin pui giống với đàn goong của dân tộc Ba Na .
Cùng về đàn, oong eng của người Triêng gồm oong eng ót và ong eng nhâm giống nhau về cấu tạo, chỉ khác cách cầm đàn. Oong eng phát ra tiếng rất nhỏ, chỉ vo ve như tiếng muỗi, được chế tác theo nguyên lý đàn kơní (dân tộc Gia Rai) nhưng sơ khai hơn. Ngoài một thanh gỗ, sợi dây mây, cần kéo của oong eng là 1 cật nứa nhỏ, dẻo, cọ vào dây đàn.
Theo đánh giá, nhạc khí tự chế tác từ tre, nứa, gỗ của người Triêng chiếm đến 2/3 tổng số nhạc cụ hiện được dùng trong cộng đồng làng Đăk Răng. Đặc trưng âm nhạc dân gian của đồng bào là nhẹ nhàng, êm đềm, như lời tâm sự nhẹ nhàng trong không gian hẹp, thể hiện tình cảm sâu nặng, cuộc sống yên bình người Triêng.
Bằng nhạc cảm đặc biệt và sự trải nghiệm lâu năm cùng nhạc cụ dân tộc, già làng Brôl Vẻ cho hay rằng mỗi chiếc đàn, cây sáo, cái khèn… được chế tác, sử dụng dường như đều là một câu chuyện, một số phận, cuộc đời gắn với sinh hoạt, đời sống của con người trong ngôi làng nhỏ. Từ thuở trước, trong khi mô bin phổ biến được đàn trong cả sinh hoạt hằng ngày lẫn lễ hội, thì doar thường được cặp kè để thổi mỗi khi lên rẫy. Khèn chuyên thổi trong những dịp hội vui, lễ lớn. Oong eng ót là khúc nhạc tình của chàng trai nhớ người yêu, người thân đi xa nhớ bạn bè, buôn làng… Đặc biệt, hòa tấu các loại nhạc cụ phát huy hiệu quả đáng kể khi được đệm cho các khúc dân ca, góp phần tạo nên hòa âm đặc sắc, quyến rũ. Cùng với cồng chiêng – xoang, nhạc cụ dân tộc đã theo bước các nghệ nhân của làng đến với những lễ hội, sự kiện văn hóa do các cấp, ngành, địa phương tổ chức.
Nỗ lực tiếp nối lớp nghệ nhân đi trước của các bạn trẻ hôm nay góp phần lan tỏa nét đẹp văn hóa lâu đời của cộng đồng.
Thanh Như