Hiện nay, số ca bệnh tay chân miệng (TCM) và sốt xuất huyết (SXH) ở trẻ em đang có xu hướng gia tăng. Phụ huynh, người chăm trẻ cần biết cách chăm sóc tại nhà để giúp trẻ giảm thiểu các biến chứng của bệnh.
Khám, điều trị bệnh tay chân miệng cho trẻ tại Trung tâm Y tế huyện Phú Giáo
Chăm sóc đúng cách trẻ bị TCM
Bệnh TCM thường liên quan đến việc thực hành vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường không bảo đảm, đặc biệt kỹ năng vệ sinh cho trẻ; chưa thực hiện rửa tay với xà phòng thường xuyên. Bác sĩ Trần Văn Chung, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, cho biết với những trẻ bị TCM thể nhẹ (chỉ có mụn nước và loét miệng), có thể chăm sóc và theo dõi điều trị ở nhà. Về dinh dưỡng, phụ huynh cho trẻ uống nhiều nước mát, ăn thức ăn dễ tiêu và không làm trẻ đau họng thêm bằng cách dùng muỗng mềm cho ăn, không cho ngậm vú nhựa, không cho ăn, uống đồ uống có vị chua hoặc có gia vị.
Về thuốc, trẻ chỉ dùng theo chỉ định của thầy thuốc, trường hợp sốt dùng thuốc paracetamol để hạ sốt, giảm đau. Phụ huynh và người chăm sóc trẻ bù đủ nước cho trẻ nếu có sốt cao; vệ sinh miệng trẻ thường xuyên bằng các dung dịch sát khuẩn, có thể súc miệng bằng nước muối loãng nếu trẻ súc được; tại các vị trí bị thương tổn ngoài da, bôi các dung dịch sát khuẩn để tránh bội nhiễm.
Phụ huynh, người chăm sóc trẻ cần cách ly trẻ bị bệnh với các trẻ khác trong nhà. Người lớn khi tiếp xúc và chăm sóc trẻ bị bệnh nên đeo khẩu trang cho mình và cả trẻ, sau khi tiếp xúc nên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch để hạn chế sự lây lan khi phải chăm sóc trẻ lành. Quần áo, tã lót của trẻ bị bệnh nên được ngâm dung dịch sát khuẩn như cloramin B hoặc luộc nước sôi trước khi giặt bằng xà phòng và nước sạch. Vật dụng cá nhân ăn uống của trẻ như bình sữa, ly uống nước, chén, muỗng… nên được luộc sôi và sử dụng riêng biệt cho từng trẻ.
Phụ huynh, người chăm sóc trẻ tắm rửa và vệ sinh nhẹ nhàng thân thể cho bé hàng ngày bằng nước sạch để tránh nhiễm khuẩn. Đặc biệt, gia đình nên theo dõi sát tình trạng bệnh; trong 7 ngày kể từ lúc bị bệnh, ngoài việc chăm sóc tại nhà và dùng thuốc theo đơn thì hàng ngày nên đưa trẻ đi tái khám để phát hiện sớm những diễn biến bất thường.
Thận trọng dùng thuốc hạ sốt khi trẻ bị SXH
Cũng như bệnh TCM, với bệnh SXH, bác sĩ Trần Văn Chung khuyến cáo: Khi trẻ sốt cao trên 38 độ C nên cho trẻ uống thuốc hạ sốt theo liều lượng phù hợp, không uống thường xuyên mà uống lặp lại 4 – 6 giờ/lần. Nếu trẻ dùng thuốc hạ sốt quá liều, liên tục sẽ dẫn đến tổn thương gan, kể cả thuốc hạ sốt nhét hậu môn. Cách tốt nhất để giảm sốt cho trẻ là người nhà nên cho trẻ mặc đồ mỏng, nằm nơi thoáng mát, chườm khăn có thấm nước ấm hạ sốt. Phụ huynh tuyệt đối không cho trẻ dùng thuốc tùy tiện nếu không có chỉ định của bác sĩ.
Gia đình cần bổ sung đủ nước cho trẻ, cho trẻ uống từ từ, từng ngụm nhỏ, chia thành nhiều lần trong ngày, tránh uống một lúc quá nhiều. Phụ huynh cần cho trẻ uống nhiều nước hơn bình thường với các loại: Nước điện giải Oresol, nước lọc, nước đun sôi để nguội, nước trái cây, nước cam, nước chanh. Phụ huynh cũng cần cung cấp thêm vitamin từ các loại trái cây, tăng cường miễn dịch, sức đề kháng cho cơ thể trẻ để chống lại bệnh tật.
Thông thường trẻ bị sốt sẽ biếng ăn nên phụ huynh cần cho trẻ dùng thức ăn mềm, lỏng, dễ tiêu, ăn nhiều lần trong ngày, mỗi bữa một ít. Trẻ nôn ói thì đừng vội cho ăn lại ngay, cần nghỉ ngơi 1 – 2 giờ, khi trẻ bớt cơn ói hãy cho ăn ít lại dần. Phụ huynh cần tắm rửa, vệ sinh cho trẻ, không kiêng cữ nước và đưa trẻ đi khám theo đúng lịch hẹn của bác sĩ.
Vi rút dengue có 4 type khác nhau nên người đã từng bị SXH dengue vẫn có thể bị nhiễm dengue vài lần nữa. Bác sĩ Chung nhắc nhở khi chăm sóc trẻ SXH tại nhà, phụ huynh, người chăm sóc trẻ cần đưa trẻ đi viện ngay khi thấy các dấu hiệu: Tay chân lạnh, ngủ li bì, không chơi, bỏ bú, bỏ ăn uống; bé đau bụng, nôn nhiều, nôn khan; bé quấy khóc, bứt rứt, trăn trở khó chịu hoặc chảy máu cam, máu răng, nôn ra máu, tiêu phân đen.
H.LINH – D.HƯƠNG – H.MỸ