Hội nghị Sản phụ khoa Việt – Pháp 2023 với các phiên thảo luận chuyên đề về sản phụ khoa; hỗ trợ sinh sản và nội tiết; chẩn đoán trước sinh; sản khoa sơ sinh; tiếp cận các phương pháp điều trị mới, được tổ chức hôm nay 15.8, tại Hà Nội.
Hội nghị có sự tham gia của các chuyên gia đầu ngành chuyên khoa sản – phụ khoa trong nước và quốc tế, cùng chia sẻ kinh nghiệm về điều trị, chẩn đoán cũng như cập nhật các kiến thức mới trong lĩnh vực sản khoa, phụ khoa, sơ sinh, hỗ trợ sinh sản, y học thai nhi…
Trao đổi bên lề hội nghị, PGS-TS Trần Danh Cường, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản T.Ư, cho biết từng có trường hợp phá thai bằng cành cây, đó là cành cây gió để khô rồi đặt vào cổ tử cung. Còn trong tây y hiện đã có các phương pháp phá thai an toàn nhưng chỉ được thực hiện tại các cơ sở y tế đủ điều kiện chuyên môn, trang thiết bị bao gồm điều kiện nghiêm ngặt về vô trùng.
“Còn với việc gây sảy thai bằng cành cây, rễ cây hoặc phá thai không an toàn sẽ gây thủng tử cung, vỡ tử cung, gây ra nhiễm trùng rất nặng với phụ nữ, em gái dẫn đến phải cắt tử cung do viêm phúc mạc toàn thể, nhiễm trùng huyết, cực kỳ không an toàn”, PGS Cường lo ngại.
Giám đốc Bệnh viện Phụ sản T.Ư cho rằng, việc tự phá thai tại nhà bằng thuốc như xảy ra mới đây, cho thấy quản lý dược của chúng ta có vấn đề, chúng ta sử dụng các đơn thuốc tràn lan để cho người ta phá thai. Chính việc đó dẫn đến người dân tự mua thuốc để dùng khi có thai muốn phá thai, trong khi chính các thuốc đó chỉ được dùng khi có đơn, bắt buộc phải có đơn của bác sĩ sản khoa.
“Hiện, trong y tế có các phương pháp phá thai an toàn (nạo hút thai, biện pháp dùng thuốc để đình chỉ thai nhưng đều phải đến bệnh viện và phải được chỉ định phù hợp với tuổi thai, vì mục đích cuối cùng là phải bảo toàn chức năng sinh sản cho các em gái sau này”, PGS Cường lưu ý.
Theo Vụ Sức khỏe Bà mẹ – trẻ em (Bộ Y tế), tuyệt đối không được tự mua thuốc phá thai về uống mà phải đến cơ sở y tế để làm các xét nghiệm, kiểm tra sức khỏe trước khi thực hiện phá thai nội khoa. Phương pháp này chỉ an toàn khi người cung cấp dịch vụ là các cán bộ y tế đã được đào tạo và có đủ kỹ năng thực hiện để kiểm soát các tai biến có thể xảy ra gây nguy hiểm, ví dụ như ra máu quá nhiều, nhiễm trùng cần được điều trị.