Sáng 15/8, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức Chương trình “Bộ trưởng Bộ GD&ĐT gặp gỡ nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên ngành giáo dục năm 2023”. Chương trình được trực tuyến tại 63 điểm cầu tỉnh, thành phố cả nước và hơn 400 điểm cầu của các trường đại học.
Tham dự có lãnh đạo Bộ GD&ĐT, Công đoàn Giáo dục Việt Nam, các cục, vụ thuộc Bộ GD&ĐT; lãnh đạo UBND các tỉnh, Thành phố, các sở, ngành. Đồng chí Nguyễn Kim Sơn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT chủ trì.
Tại điểm cầu tỉnh có đồng chí Vũ Văn Dương, Giám đốc Sở GD&ĐT; lãnh đạo các sở: Nội vụ, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư; các đơn vị trực thuộc sở, phòng GD&ĐT các huyện, Thành phố.
Chương trình là dịp để Bộ trưởng thông tin về tình hình của ngành; chia sẻ, động viên đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên các đơn vị, trường học, cơ sở giáo dục trong cả nước chuẩn bị năm học mới. Đây là lần đầu tiên Bộ trưởng đối thoại với giáo viên, cán bộ quản lý, nhân viên trong ngành giáo dục của cả nước.
Qua chương trình, Bộ trưởng lắng nghe, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, những khó khăn của nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên trong quá trình thực hiện đổi mới giáo dục hiện nay; giúp việc định hướng chính sách phù hợp để phát triển đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên ngành giáo dục và thực hiện thành công đổi mới GD&ĐT.
Bộ GD&ĐT đã tiếp nhận hơn 6.200 ý kiến, trong đó, có khoảng 6.000 ý kiến từ các cấp học mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên, giáo dục chuyên biệt và hơn 200 ý kiến từ các trường cao đẳng sư phạm và cơ sở giáo dục đại học.
Đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên, các ý kiến tập trung vào các nhóm vấn đề lớn như: Triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 (dạy học các môn tích hợp, bố trí giáo viên, tổ chức các cuộc thi trong nhà trường…); chế độ chính sách nhà giáo (tiền lương, phụ cấp, tuổi nghỉ hưu của giáo viên mầm non…); điều kiện làm việc của đội ngũ giáo viên (trường lớp, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, hệ thống máy tính, nhà công vụ…).
Đối với giáo dục đại học, các ý kiến tập trung vào các nhóm vấn đề như: Tự chủ đại học và vai trò đội ngũ giảng viên trong thực hiện tự chủ đại học; nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ; chuyển đổi số trong giáo dục và thích ứng của các trường đại học với chuyển đổi số; cơ sở vật chất, quy hoạch mạng lưới…
Tại hội nghị, các cán bộ, giáo viên tại các địa phương phát biểu ý kiến, kiến nghị tập trung vào các nội dung: Cần có chế độ, chính sách (lương, phụ cấp ưu đãi, tuổi nghỉ hưu của giáo viên) phù hợp đối với đội ngũ cán bộ, giáo viên và nhân viên trong trường học, đặc biệt là giáo viên mầm non; việc tổ chức nhiều cuộc thi trong trường học ảnh hưởng đến chuyên môn của giáo viên và thời gian học tập của học sinh. Thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học chưa đảm bảo, nhất là các trường vùng cao, vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn. Xem xét thay thế quy định giảm định mức tiết dạy, quy định chế độ làm việc đối với giáo viên phổ thông bằng chế độ (hệ số) phụ cấp đối với giáo viên thực hiện nhiệm vụ kiêm nhiệm; điều chỉnh định mức số lượng người làm việc, khung vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc tại cơ sở giáo dục phổ thông công lập…
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn bày tỏ, chia sẻ những khó khăn, vất vả của giáo viên, đặc biệt là giáo viên mầm non, ngoài công việc chuyên môn thường xuyên, giáo viên chịu nhiều áp lực thời gian chăm sóc, nuôi dưỡng, giảng dạy trong khi chế độ chính sách, thu nhập chưa tương xứng. Chính phủ cũng đã có nhiều chính sách quan tâm đến giáo viên mầm non, tuy nhiên, mức lương của giáo viên mầm non vẫn thấp so với mặt bằng thu nhập chung và so với công sức thầy cô bỏ ra. Lãnh đạo Bộ GD&ĐT trong nhiều diễn đàn, nhiều cuộc làm việc với các bộ ngành đã phát biểu về vấn đề này. Bộ GD&ĐT sẽ làm việc với Bộ Nội vụ và các bộ, ngành; trước hết cân nhắc để có thể nâng phụ cấp ưu đãi cho giáo viên mầm non, tiểu học.
Về ý kiến liên quan đến phụ cấp nhân viên trường học, đây là nhóm chịu nhiều thiệt thòi, lương thấp, dù đã được hưởng phụ cấp ưu đãi tương ứng với công việc chuyên môn. Do đó sẽ phải tính đến việc điều chỉnh chính sách trong tương lai. Nếu thời gian tới sắp xếp lương theo chuẩn trình độ đào tạo theo Luật Giáo dục 2019, có thể là dịp điều chỉnh cho các đối tượng này. Về đề cập định mức giáo viên trên lớp, khi thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, số môn học được điều chỉnh, thực hiện dạy học 2 buổi/ngày, hoạt động nhà giáo trong nhà trường có nhiều đổi mới, cần điều chỉnh về định mức giáo viên/lớp và định mức số người làm việc trong cơ sở giáo dục. Hiện Bộ GD&ĐT đang chủ trì sửa đổi thông tư.
Về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, nhiều địa phương thực hiện tốt, tạo điều kiện thuận lợi cho giáo viên và học sinh dạy học. Tuy nhiên, do các điều kiện khác nhau, nhiều địa phương còn gặp khó khăn trong xây dựng kiên cố hóa trường học; việc giải ngân mua sắm thiết bị dạy học còn khó khăn. Mong rằng, lãnh đạo các địa phương quan tâm hơn nữa để có thể cải thiện cơ sở vật chất trường lớp. Liên quan đến vấn nạn bạo lực học đường, các trường học cần trang bị cho học sinh kỹ năng tự xử lý những vấn đề mình phải đối mặt. Cùng với đó, trang bị cho các em thái độ đúng đắn khi tham gia mạng xã hội, cần tăng cường giáo dục văn hóa, phát triển văn hóa giáo dục…
Kết luận hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh: Thời gian tới, Bộ GD&ĐT sẽ rà soát các chính sách; tiếp tục kiến nghị các bộ, ngành về tăng phụ cấp ưu đãi, nâng nguồn thu nhập cho đội ngũ; điều chỉnh nghị định quy định đào tạo lực lượng giáo viên; sửa đổi thông tư về tỷ lệ giáo viên, học sinh; tăng cường chất lượng bồi dưỡng giáo viên; phát triển hệ thống các trường đại học sư phạm…
Mong các nhà giáo kiên định với con đường, mục tiêu đổi mới và các định hướng mang tính chiến lược của ngành; kiên trì thuyết phục và vận động phụ huynh, xã hội để cùng chia sẻ, đồng hành; kiên quyết chống biểu hiện lạc hậu, bảo thủ, tiêu cực và kiên quyết theo đuổi mục tiêu nâng cao chất lượng, phát triển con người; vượt qua mọi khó khăn để thi đua dạy tốt – học tốt.
M.H