Theo BHXH Việt Nam, ông P.P.N.T. (ngụ tại TPHCM) là người có mức lương hưu cao nhất Việt Nam năm 2022 với số tiền lãnh hàng tháng gần 125 triệu đồng.
Nguyên nhân là ông T. có nhiều năm làm chức vụ quản lý của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, mức lương tháng làm căn cứ đóng BHXH lên đến gần 250 triệu đồng/tháng.
Do đó, khi nghỉ hưu (tháng 4/2015), lương hưu của ông là 87 triệu đồng/tháng. Sau nhiều lần điều chỉnh, mức lương hưu của ông T. tăng lên 124.700.000 đồng/tháng vào năm 2022.
Tuy nhiên, với những người tham gia BHXH sau năm 2006, mức lương hưu cao như ông T. sẽ không còn nữa.
Theo quy định hiện hành, mức hưởng lương hưu được tính bằng tỷ lệ hưởng lương hưu nhân với bình quân tiền lương tháng làm căn cứ đóng BHXH.
Dù tham gia BHXH bao nhiêu năm thì tỷ lệ hưởng lương hưu tối đa của người lao động là 75% bình quân tiền lương tháng làm căn cứ đóng BHXH.
Tiền lương tháng làm căn cứ đóng BHXH cũng được quy định mức trần là 20 tháng lương cơ sở, tức là 29,8 triệu đồng, từ ngày 1/7 trở đi là 36 triệu đồng (do lương cơ sở tăng lên thành 1,8 triệu đồng/tháng), bất kể lương thực tế của người lao động là bao nhiêu.
Do đó, với việc quy định mức trần tiền lương đóng BHXH và tỷ lệ hưởng lương hưu tối đa, người tham gia BHXH từ sau khi Luật BHXH 2006 có hiệu lực không thể có mức lương lên đến cả trăm triệu đồng như ông T.
Để có được mức lương hưu cao đến cả trăm triệu đồng như ông T., người lao động chỉ có thể xem xét tham gia hình thức bảo hiểm hưu trí bổ sung.
Theo quy định tại khoản 7 Điều 3 Luật BHXH 2014, bảo hiểm hưu trí bổ sung là chính sách BHXH mang tính chất tự nguyện nhằm mục tiêu bổ sung cho chế độ hưu trí trong BHXH bắt buộc, có cơ chế tạo lập quỹ từ sự đóng góp của người lao động và người sử dụng lao động dưới hình thức tài khoản tiết kiệm cá nhân, được bảo toàn và tích lũy thông qua hoạt động đầu tư theo quy định của pháp luật.
Năm 2016, Chính phủ ban hành Nghị định 88/2016/NĐ-CP quy định rõ hơn về chương trình hưu trí bổ sung tự nguyện. Theo đó, chương trình hưu trí bổ sung tự nguyện là chính sách BHXH mang tính chất tự nguyện nhằm mục tiêu bổ sung thu nhập cho người tham gia quỹ khi đến tuổi về hưu dưới hình thức tài khoản hưu trí cá nhân, được đầu tư và tích lũy theo quy định của pháp luật.
Tài khoản hưu trí cá nhân là tài khoản được cấp cho người tham gia quỹ, được quản lý bởi các doanh nghiệp quản lý quỹ hưu trí.
Tuy các quỹ hưu trí này do doanh nghiệp quản lý nhưng chịu sự giám sát, thanh tra, kiểm tra của các cơ quan nhà nước và báo cáo định kỳ về cho Bộ Tài chính, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.
Chương trình hưu trí này có 2 phương thức tham gia đóng góp.
Thứ nhất là đóng góp thông qua người sử dụng lao động, bao gồm: Người sử dụng lao động đóng góp vào quỹ hưu trí cho người lao động của doanh nghiệp mình trên cơ sở yêu cầu quản lý lao động và khả năng tài chính, không có sự đóng góp của người lao động; người sử dụng lao động và người lao động cùng đóng góp vào quỹ hưu trí theo văn bản thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động.
Thứ 2 là tham gia đóng góp trực tiếp chương trình hưu trí, bao gồm: Người lao động đóng góp hoàn toàn vào quỹ hưu trí, không có sự đóng góp của người sử dụng lao động; cá nhân đủ 15 tuổi trở lên, không làm việc theo hợp đồng lao động.
Loại hình bảo hiểm này khuyến khích mọi người tham gia để có chế độ hưu trí tốt hơn khi về già, chủ yếu nhắm vào người lao động làm việc tại các doanh nghiệp có mức lương cao, mong muốn có mức hưu trí cao hơn mức trần mà BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện quy định.
Trong Thông tư 19/2018/TT-BLĐTBXH của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội có hướng dẫn về mức đóng góp vào chương trình hưu trí này là số tiền tuyệt đối hoặc bằng tỷ lệ phần trăm trên mức tiền lương của người lao động.
Tuy nhiên, không có quy định nào hạn chế mức đóng góp như BHXH bắt buộc hay BHXH tự nguyện. Do đó, mức hưởng lương hưu của người lao động từ quỹ này tùy thuộc vào mức đóng góp của người lao động và doanh nghiệp.
Bạn đọc muốn tìm hiểu kỹ về chương trình hưu trí bổ sung tự nguyện được quy định tại Nghị định 88/2016/NĐ-CP có thể tham khảo TẠI ĐÂY.