CTCP VNG (VNZ) biến động mạnh về lượng cổ phần của các cổ đông hiện hữu
Trong những ngày vừa qua, cơ cấu cổ đông của CTCP VNG (Mã VNZ) đã có sư thay đổi tương đối đáng kể. Điển hình như sự kiện ngày 28/7/2023, CTCP Công nghệ BigV đã mua 1.742.525 cổ phiếu VNZ để nâng tỷ lệ sở hữu từ 5,72% lên thành 11,78% vốn điều lệ.
Đến ngày 3/8/2023, CTCP Công nghệ BigV đã mua thêm 1.741.524 cổ phiếu VNZ, nâng lượng sở hữu từ 11,78% lên 17,84% vốn điều lệ.
Ở chiều ngược lại, VNG Limited, công ty mẹ của VNG cũng đã bán ra một lượng lớn cổ phiếu lên tới 3.483.048 cổ phiếu để giảm tỷ lệ sở hữu của mình tại VNZ từ 61,12% xuống chỉ còn 49% vốn điều lệ.
Sau các giao dịch trên, giá cổ phiếu VNZ đã có những nhịp tăng giá chóng mặt, từ đáy 700.000 đồng/cổ phiếu tại ngày 2/8/2023 lên mức 940.400 đồng/cổ phiếu trong ngày 10/8/2023. Như vậy, chỉ trong vòng 1 tuần, giá cổ phiếu VNZ đã tăng tới 240.400 đồng.
Trước những biến động lớn về tỷ lệ cổ phần cũng như giá cổ phiếu, VNG vừa ra thông báo sẽ chốt lấy ý kiến cổ đông vào ngày 29/8 tới đây. Những nội dung cụ thể của lần lấy ý kiến này vẫn chưa được công bố rõ ràng nhưng chắc chắn sẽ gây ảnh hưởng tới định hướng kinh doanh sắp tới của công ty.
Liên tiếp thua lỗ, VNG chỉ vừa thoát lỗ trong Quý 2/2023
Không chỉ biến động lớn về cơ cấu cổ đông, tình hình kinh doanh của VNG cũng cho thấy nhiều vấn đề còn tồn đọng khi đơn vị này liên tiếp thua lỗ trong nhiều quý liền.
Cụ thể, VNG đã thua lỗ từ Quý 1/2022 đến hết Quý 1/2023. Trong các kỳ kinh doanh này, đỉnh điểm thua lỗ rơi vào Quý 4/2022 với âm 547,4 tỷ đồng. Bước sang Quý 1/2023, doanh thu VNG đạt 1.852,5 tỷ đồng nhưng lỗ sau thuế đã giảm xuống chỉ còn âm 90,1 tỷ đồng.
Tại Quý 2/2023 vừa qua, doanh thu của VNG đạt 2.245,9 tỷ đồng, tăng hơn 11% so với cùng kỳ. Lợi nhuận gộp mang về đạt 1.099,3 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp lên tới 48,9%.
Doanh thu tài chính trong kỳ chỉ đạt 24,4 tỷ đồng, giảm một nửa so với cùng kỳ. Trong khi chi phí tài chính tăng gấp 11 lần, từ 7,5 tỷ lên 83,7 tỷ đồng. Hoạt động kinh doanh tại các công ty liên kết cũng ghi nhận lỗ tới 22,1 tỷ đồng.
Chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp của VNG tương đối lớn, lần lượt ở mức 554,3 tỷ và 344,4 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp đạt 50,2 tỷ đồng. Tuy đây là con số lớn nhưng so với quy mô doanh thu cùng các khoản lãi từng đạt trước đây. Do đó, có thể coi là Quý 2 vừa qua, VNG chỉ vừa đủ “thoát lỗ”.
Nợ vay ngắn hạn tăng tới 13,9 lần chỉ trong nửa đầu năm 2023
Cơ cấu tài sản của VNG tính đến hết Quý 2/2023 cũng ghi nhận nhiều biến động. Trong đó tổng tài sản của VNG đạt 9.569,4 tỷ đồng, tăng 7,5% so với đầu kỳ. Tiền và các khoản tương đương tiền ghi nhận ở mức 3.455,3 tỷ đồng. Công ty đang có 103,2 tỷ đồng tiền gửi tại ngân hàng.
Nguồn vốn của VNG xuất hiện sự gia tăng của nguồn nợ ngắn hạn, tăng từ 2.786 tỷ lên 3.284,5 tỷ đồng. Trong đó chi phí phải trả ngắn hạn tăng gấp rưỡi lên 1.325,5 tỷ đồng. Phần lớn trong đó là chi phí bản quyền phần mềm, tăng gấp đôi so với đầu năm, chiếm 699,5 tỷ đồng.
Nguồn nợ vay ngắn hạn của VNG cũng tăng đột biến từ 44,4 tỷ lên 615,6 tỷ đồng, tương đương tỷ lệ tăng tới 13,9 lần. Nợ vay dài hạn tăng từ 399,6 tỷ lên 577,9 tỷ đồng. Như vậy, có thể thấy rõ sự gia tăng đáng kể của nguồn nợ vay trong cơ cấu tài sản của VNG. Trong khi trước đây, tỷ trọng các khoản vay nợ này là tương đối nhỏ.
Vốn chủ sở hữu tính đến hết ngày 30/6/2023 ghi nhận ở mức 5.066,2 tỷ đồng. Trong đó vốn cổ phần chỉ chiếm 358,4 tỷ. Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối hiện tại chiếm tới 5.152,2 tỷ đồng.