Đại biểu tham dự buổi tập huấn.
Tham dự, PGS. TS, nhà văn Nguyễn Thế Kỷ – nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương, Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk Nguyễn Đình Trung cùng lãnh đạo, chuyên viên Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương, Thường trực Tỉnh ủy, các ban ngành tỉnh Đắk Lắk, 400 học viên là cán bộ quản lý trên lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, phóng viên báo, đài thuộc khu vực phía Nam, một số tỉnh, thành thuộc khu vực phía Bắc.
Tham gia lớp tập huấn, các học viên được Ban tổ chức hội nghị truyền đạt, phổ biến, quán triệt 6 chuyên đề như: Nhìn lại 15 năm triển khai, thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW về “Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới” – PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ; Khái quát về tình hình văn học hiện nay – nhà văn Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam; Đổi mới hoạt động của Liên hiệp các Hội văn học, nghệ thuật Việt Nam và các Hội văn học, nghệ thuật chuyên ngành Trung ương trước yêu cầu mới – PGS.TS, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân; Bàn về nhân vật trung tâm của văn học hiện nay – Thiếu tướng, tiến sĩ, nhà văn Nguyễn Hồng Thái; Công tác lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật hiện nay: Thực trạng và yêu cầu phát triển – PGS.TS Nguyễn Đăng Điệp – Viện trưởng Viện Văn học, Chủ tịch Hội đồng lý luận, phê bình Hội Nhà văn Việt Nam; Công nghiệp văn hóa và vị trí, vai trò của văn học, nghệ thuật trong sự phát triển của công nghiệp văn hóa – PGS.TS Nguyễn Xuân Thạc, Chủ nhiệm Khoa Văn, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội…
Ban tổ chức cùng đại biểu tham dự tập huấn chụp ảnh lưu niệm.
Phát biểu tại buổi tập huấn, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương Nguyễn Thế Kỷ cho rằng: Thời gian qua, việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 23 của Trung ương tại các địa phương còn nhiều hạn chế, bấp cập như: Chưa có sự đồng bộ giữa khâu sáng tác, phổ biến tác phẩm. Sự gia tăng của giải trí đơn thuần trong sáng tác, quảng bá văn học, nghệ thuật, nhiều nghệ sĩ có tầm ảnh hưởng trong xã hội nhưng lại có những phát ngôn, lối sống thiếu chuẩn mực. Công tác lưu giữ, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa, văn học, nghệ thuật của dân tộc thiểu số chưa được quan tâm. Mô hình tổ chức bộ máy, phương thức hoạt động của Hội Nhà văn, nghệ thuật có đổi mới nhưng chưa nhiều, chưa kịp thời theo sự phát triển của thực tiễn, các Hội đang đối mặt với những thách thức về thiếu hụt nguồn cán bộ quản lý là những văn nghệ sĩ có uy tín, chuyên môn, kỹ năng chuyên ngành, chưa thu hút được nghệ sĩ trẻ có tài vào Hội, cơ cấu đội ngũ cán bộ chưa hợp lý, phân bổ chưa đều ở các chuyên ngành. Vai trò phản biện xã hội của các Hội và đội ngũ văn nghệ sĩ chưa được phát huy. Công tác quản lý, hoạt động chưa được quan tâm đến tính đặc thù của văn học, nghệ thuật. Việc sáp nhập các loại hình nghệ thuật dẫn đến “Nghiệp dư hóa” nghệ thuật chuyên ngành…Đây cũng là lý do mà Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương chọn chủ đề của hội nghị.
Tin, ảnh: Thành Lập